Như mọi cô gái khác, Chiêu rồi cũng đến lúc lấy chồng. Chú rể là một đại gia trẻ tuổi.
Khi đồng nghiệp còn chưa thôi xôn xao với cái tin hoa khôi công ty đi lấy chồng, Từ vẫn khoan thai ngồi viết bài đúng hạn, lên ý tưởng đều đều vượt xa chỉ tiêu sếp ra hàng tháng. Và cũng không quên ngắm khuôn mặt Chiêu ửng hồng như quả táo chín ươm treo trước mắt mình. Từ vẫn hay đùa với Chiêu rằng trông em rất giống Bạch Tuyết. Chiêu cười hiền khô:
- Vì ngày nào em cũng ăn một quả táo phải không chị?
Từ chỉ mỉm cười nhẹ nhàng. Chiêu đẹp thật mà, không ai phủ nhận điều đó. Mọi thứ trên người Chiêu đều rất nét, từng sợi tóc hay đến cái móng tay cũng đều đẹp theo cách riêng của chúng. Khuôn mặt trái xoan đúng chuẩn, không hề qua dao kéo, làn da trắng hồng không soi ra được một tì vết nào. Vóc dáng Chiêu vòng nào ra vòng nấy rõ ràng, có điều hơi gầy nên trông Chiêu như khói như mây, tựa hồ chẳng ai có thể giữ cô trong tay mình được. Khói mây rồi sẽ len qua kẽ tay đi mất.
Từ khi quen biết Chiêu, chỉ duy nhất một lần Từ thấy cô khóc. Ngay cả khi khóc òa lên tức tưởi, Chiêu vẫn đẹp. Từ không thể chìa vai ra cho Chiêu dựa vào mà trút nỗi niềm. Thật ra là cô không kịp để Từ làm điều đó.
- Đi mua đồ với em nha chị, chị chỉ em mua một số đồ dùng nhà bếp nghen!
- Sao nay lại nổi hứng vào bếp hả công chúa?
Chiêu ngại ngùng lau nước mắt:
- Ai sắp lấy chồng mà không phải vậy hả chị? Em phải bắt đầu từ con số không. Chị giúp em nhé!
Là người kiệm lời, Từ miễn dịch với những cuộc vui, những cuộc gặp chứa đầy nỗi thị phi. Có lẽ nhờ vậy mà Chiêu lại cảm thấy an toàn khi kết giao với Từ. Chiêu giống như cánh tay mặt của sếp tổng, không cần phải nói, cô nắm giữ rất nhiều bí mật. Hơn ai hết, Từ hiểu rằng một cô gái lộng lẫy như Chiêu thì việc mặc chiếc áo được thêu dệt từ lắm điều thị phi cũng là bình thường.
Cô nhận lời đến nhà riêng của vợ chồng Chiêu để sắp xếp ngăn bếp sao cho thật gọn gàng nhưng không kém phần tinh tế, ấm cúng. Đương nhiên sẽ có hoa. Từ thật khó tính khi phải đặt bằng được một bình hoa trà từ Nhật về tô điểm cho căn bếp xinh xắn. Những búp trà he hé nở như những nụ hàm tiếu vừa đủ đong hương dìu dịu cho gian bếp. Chiêu mắt tròn mắt dẹt nhìn Từ. Cô mời Từ một ly vang nồng ấm.
- Chị đúng là đàn bà duy mỹ. Đàn ông không chết vì chị mới lạ.
Từ nhấp ngụm vang một cách từ tốn. Hơi rượu phả lên mỏng tan. Lâu lắm rồi, Từ mới lại được nếm hương vị tuyệt vời đó, nhưng sao vẫn nghe nghèn nghẹn nơi cổ họng.
- Đàn bà cuối cùng cũng chỉ là những cánh chim côi thôi em ạ. Có duy mỹ cỡ nào rồi cũng tan tác vì một người đàn ông.
- Chị... vẫn còn buồn?
Từ giật mình, nuốt vội chút rượu còn sót trong ly.
- Chị ổn, không có gì đâu em. Không có gì...
Chiêu đặt bàn tay mềm mại xoa vai Từ.
- Chị lạnh quá. Nhưng em tin là trái tim chị vẫn ấm, chỉ là... nó đang cần ngủ đông chút thôi, phải không?
Từ hiểu ý Chiêu ngầm bảo rồi sẽ có người mang lửa đến sưởi ấm trái tim đang ngủ mê của cô. Chiêu vẫn hay chê Từ rằng sao chị lạnh quá. Từ luôn tử tế với mọi người, nhưng những người đàn ông đừng trông mong việc sẽ nhận được nụ cười hoặc một lời nói ấm áp nào đó ở cô. Hơn ai hết, Từ thấm cái đớn đau do một người đàn ông gây ra cho phụ nữ. Nếu không vì đàn ông, Từ đâu mất đi tuổi thanh xuân đẹp đẽ để nhận lấy những nát nhàu, cay đắng cho hôm nay.
***
Đám cưới Chiêu là tiệc đứng ngoài trời vào một đêm cuối đông đầy sao. Tiệc diễn ra nhanh và có phần kín kẽ. Ngoài việc làm thư ký cho sếp tổng, Chiêu còn là người mẫu hàng đầu của các tạp chí dành cho đàn ông. Chiêu lấy chồng là một cơn chấn động không nhỏ trong làng mẫu. Sau đám cưới, Chiêu hủy tất cả các sô diễn lớn, những dự án ảnh nóng bỏng cũng chung số phận. Có lẽ cô muốn chuyên tâm theo kiểu vợ hiền.
Từ bối rối không biết nên làm gì với bó hoa cưới Chiêu tung trúng mình trong tiệc rượu. Từ đã muốn tung nó lên lần nữa cho những cô gái khác, nhưng cô con gái nhỏ đã nhanh tay giằng lại.
- Hoa đẹp mà mẹ. Mẹ cầm bó hoa nhìn càng đẹp hơn.
Cô dâu cũng ôm vai Từ chúc mừng.
- Chị nên giữ nó. Cái gì đã là của mình, thì phải giữ lấy chứ chị.
Từ không biết rằng Chiêu đã làm rơi vài giọt nước mắt trên vai áo cô. Chỉ đến khi mang chiếc áo đi giặt, Từ mới phát hiện vài vệt đen lem nhem kèm theo những hạt kim tuyến lấp lánh. Không dưng mà lòng Từ thắt lại. Sao Chiêu lại khóc? Hay Chiêu đang tiếc nuối những ngày thong dong tự tại đẹp đẽ đã trôi qua. Chiêu là cô gái được không ít đàn ông có vị thế khát khao, bỗng chốc cô tự trói mình vào chiếc lồng hôn nhân chật hẹp được dát vàng lấp lánh. Tuổi trẻ là kho tài sản hữu hạn. Chiêu đang dùng tuổi trẻ của mình để mưu cầu một cuộc sống được nhiều người mơ ước. Chiêu xứng đáng với điều đó, vậy thì cô đang hối tiếc những gì?
Từ rất hay thức đêm. Ngay sau khi chọn lựa cuộc sống không dính tới đàn ông, Từ tưởng rằng đã tống được những phiền phức ra khỏi cửa. Nhưng ngược lại, cô có những đêm dài lê thê chống chọi với cái chơ vơ đáng sợ giữa bóng đêm thinh lặng. Không còn mùi rượu nồng, không còn tiếng ngáy chói tai, cũng không còn những càm ràm rất ư đàn bà. Từ không biết mình đã làm gì để đi xuyên hết những đêm tăm tối đó. Chỉ biết rằng, sáng ra Từ vẫn phải cặm cụi làm điểm tâm cho con gái, đưa con đến trường rồi vội vã chen lấn đâu đó trong mấy đám đông ùn ứ trên đoạn đường đến công ty. Cũng vậy mà Từ biết mình còn sống, còn hít thở được, còn chịu đựng được có nghĩa là còn sống được, vậy thôi, không gì khác.
Dạo này Từ hay đau. Đôi tay làm việc không biết mệt nay dở chứng đòi biểu tình, đình công này nọ, đỏng đảnh phát hờn. Cả cái sống lưng cũng dở dở ương ương theo nốt. Từ cố gắng che đậy tình trạng của mình bằng những ngày phép ít ỏi. Nhưng những cái nhăn mặt thoáng qua cũng không lọt khỏi mắt Chiêu, cô nàng đúng là camera loại xịn.
- Chị đến gặp bác sĩ chuyên về xương khớp này đi, là người quen của em, trị mấy vụ này rất hay.
- Chị không sao mà.
- Không được, chị nhất định phải đến. Em đã đặt lịch khám với anh ấy, đừng biến em thành kẻ nuốt lời chứ!
Từ phải đi khám, nếu không may cô ngã bệnh nằm một chỗ, không biết mẹ con cô sẽ nương dựa vào ai. Mẹ Từ vẫn thường xuyên gọi điện, bảo rằng nếu con mệt mỏi quá, hãy về với mẹ một thời gian. Ở đó, Từ sẽ được trở lại làm một đứa trẻ, sẵn sàng nghe mẹ mắng vài câu để đổi lại những bữa cơm chan chứa tình thương. Ở đây, Từ không có gì ngoài việc phải làm tròn bổn phận một người mẹ. Nhưng cuối cùng, dù có mệt đến mức không thở nổi, Từ vẫn phải bám trụ. Từ cũng không biết cô ở lại vì điều gì. Không có gì để cô nắm níu. Chỉ biết mình cần ở đây, sống chết cũng ở nơi này, nơi mà thanh xuân của cô đã rải đầy trên những đoạn đường gian nan nhọc nhằn đó. Dù có hối tiếc nhưng Từ cũng chẳng buồn nhặt lại.
Thanh xuân để làm gì khi mọi thứ theo thời gian đều bỏ ta mà đi.
- Bây giờ, cô cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối, nếu không muốn nghỉ hưu non.
- Nhưng... nhưng...
- Thuốc và phác đồ điều trị tôi có thể kê cho cô được nhưng sức khỏe của cô là thứ tài sản riêng, tôi không thể làm gì hơn.
Từ nghỉ việc, bác sĩ là người vui mừng hơn cả. Ngoài giờ làm, anh ta thường xuyên đến nhà giúp Từ luyện tập vật lý trị liệu sau khi phẫu thuật. Bàn tay đàn ông rắn rỏi nắn nắn những khớp tay gầy guộc một cách ân cần như sợ chúng sẽ bất ngờ rơi ra. Anh cẩn thận khiến cho Từ bật cười.
- Cô cười gì?
- À không, tôi đâu có!
Thỉnh thoảng anh mang mì xào hoặc cơm hộp đến cho cô bệnh nhân của mình. Từ không nhận cũng không được. Anh rất biết lấy lòng trẻ con. Con gái Từ cứ tan học lại ra bậc cửa đợi tiếng xe bác sĩ. Cái dáng ngồi co ro nhưng vẽ lên bao nhiêu hy vọng khiến tim Từ thắt lại. Bao lần Từ ôm con trong lòng khóc thầm nhưng không biết giải thích sao cho con hiểu. Con quá nhỏ để biết thế nào là lòng người trăm ngàn ngã rẽ, luôn rẽ ra nhiều hướng nhưng tuyệt nhiên sẽ không có đường về.
- Cô hãy bán cho tôi một nụ cười, giá bao nhiêu tôi cũng mua, dù có là cả cuộc đời cũng vậy!
Từ không trả lời. Ngay khi cô chọn cho hai mẹ con mình một ngã rẽ, không một lời ong bướm nào có thể lọt vào tai Từ được nữa. Anh bác sĩ biết mình vô duyên nên cứ lủi thủi đến rồi đi, không dám nói gì thêm. Mặt anh có hôm dài ra như dấu chấm than, trông thật buồn cười. Những hôm chủ nhật, anh nán lại lâu hơn, khi thì sửa cánh cổng đã mục vài chỗ, khi thì tìm đâu được vài cành hồng về giăm lên những chiếc chậu chơ vơ nơi góc sân. Anh hy vọng thời gian chăm sóc bệnh nhân sẽ dài hơn, để anh còn có cơ hội đến nhà.
Khi Từ bình phục cũng là lúc hay tin
Chiêu đi Singapore. Giọng Chiêu như gom tất cả những hoang hoải buổi chiều muộn vào mình.
- Em đi tìm lại chính mình chị ạ. Đã qua rồi cái đoạn mà em phải nhìn vào sắc mặt người khác để sống. Em muốn mình được hồi sinh, ở một chân trời khác.
Chiêu có một đêm ngắn ngủi để trút hết nỗi lòng. Đám cưới chỉ là một sự trao đổi không hơn. Chiêu có một khoản tiền lớn trả nợ cho người cha nghiện cờ bạc và thay máu, hóa trị cho người mẹ bất hạnh. Cô sẽ cung phụng và mang ơn người chồng trẻ suốt đời, nếu anh ta không phát hiện ra những bí mật động trời của cô và sếp tổng. Chiêu đã dùng tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình dâng hiến cho sếp để đổi lấy những tháng ngày ít ỏi còn lại của mẹ, trước khi gặp chồng cô.
Mẹ mất, Chiêu đi để tìm lại ý nghĩa cho cuộc đời mình. Dù biết rằng những thứ đã rơi vụn đâu đó, có nhặt nhạnh lại cũng khó mà toàn vẹn. Nếu không phải bây giờ, Chiêu sợ không còn kịp nữa. Còn có Từ, nhận được lời khuyên của Chiêu:
- Chị cũng là người cần nhặt nhạnh lại mọi thứ. Đừng để quá muộn, chị ạ!
***
Chiêu đi, để lại cho Từ một thói quen mới: một quả táo chín ươm và một ly
hồng trà buổi sớm. Mùi táo chín luôn làm Từ tỉnh táo suốt cả ngày. Từ không sợ mình sẽ quên mua táo. Tuần nào Từ cũng nhận được một giỏ táo đỏ mọng treo trước hiên nhà. Gót giày quen. Tiếng xe quen. Và cái dáng ngồi chờ đợi của con gái vẽ lên bao niềm hy vọng.
Từ biết, chẳng ai cấm Từ tìm lại những gì đã trôi qua kẽ tay. Từ khẽ khàng tìm số điện thoại mà lâu nay Từ không gọi.
Nghề của anh có thể sửa chữa và bảo hành cho một trái tim đập sai nhịp từ lâu rồi không, bác sĩ?
Bình luận (0)