Định hướng học sinh không bằng biện pháp cứng

11/04/2012 03:15 GMT+7

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh (HS) chọn con đường phù hợp vào đời và việc phân luồng ngay từ bậc phổ thông (PT) như các nước vẫn làm là vấn đề cần đặt ra nhằm tránh tình trạng có nhiều nơi dùng biện pháp rắn, “ép” những HS có học lực kém không thi ĐH.

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh (HS) chọn con đường phù hợp vào đời và việc phân luồng ngay từ bậc phổ thông (PT) như các nước vẫn làm là vấn đề cần đặt ra nhằm tránh tình trạng có nhiều nơi dùng biện pháp rắn, “ép” những HS có học lực kém không thi ĐH.

“Sắp xếp” lại giáo dục phổ thông

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, có 69,3% ý kiến cho rằng cơ cấu hệ thống giáo dục trung học và sau trung học chưa thực sự hợp lý là nguyên nhân ảnh hưởng đến phân luồng HS.

GS Hoàng Tụy cho rằng: “Hệ thống tổ chức giáo dục PT theo chương trình 12 năm như hiện nay là không thích hợp. Quan niệm giáo dục PT nhằm cung cấp học vấn cho mọi công dân trước khi có nghề là không sai, nhưng quá “sang trọng” đối với một đất nước như Việt Nam”. Theo GS Hoàng Tụy, hàng chục năm nay, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT nặng nề là đến thi tuyển sinh ĐH căng thẳng, nhưng cuối cùng chỉ có cùng lắm 40% HS vào được ĐH, CĐ. Số còn lại sau 12 năm học ra đời nhưng không có nghề, chỉ làm lao động giản đơn. Chính vì vậy, ông đề xuất phương án hằng năm chỉ nên có khoảng 1/5 HS vào THPT, còn lại vào trung học nghề. Cả 2 loại hình này đều học trong 3 năm. Mỗi loại hình trường đó HS đều có quyền được học một trình độ học vấn cao hơn THCS, đủ để có thể làm nghề hay học tiếp ĐH, CĐ. Trong đó, trường trung học nghề nên có nhiều nghề cho HS lựa chọn, tốt nghiệp ra trường đã có một nghề thực sự có thể làm việc hoặc tiếp tục học lên cao hơn tùy nhu cầu và khả năng của từng người.

 
Chính sách phân luồng HS phải thực hiện có chiến lược một cách khoa học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra rằng: “Việc thực hiện phân luồng của ta luôn luôn bị phá vì ta mở trường không có quy hoạch. Một mặt chúng ta muốn phân luồng HS sau THCS, muốn những HS không có khả năng học cao hơn nữa đi theo con đường học nghề để trở thành thợ, nhưng mặt khác ngành GD-ĐT lại mở rất nhiều trường THPT tư thục. Sau THPT, lẽ ra có thể thực hiện phân luồng thì HS lại bị hút vào các trường ĐH, CĐ mới nâng cấp và thành lập nhanh như nấm sau mưa”. Ông Thuyết đặt vấn đề: “Lập ra nhiều trường thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng chỉ để thỏa mãn nhu cầu học tập của những HS không có khả năng vào trường có chất lượng tốt, để rồi các em ra trường không có việc làm, như vậy có nên chăng?”.

Nhiều ý kiến đều cho rằng việc phân luồng chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta cơ cấu lại “hình hài” của giáo dục PT và điều này cần được thể hiện rõ khi xây dựng chương trình giáo dục PT sau năm 2015.

Tránh lãng phí

Thống kê của Bộ GD-ĐT trong 1.964.598 hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 có khoảng 500.000 lượt thí sinh dự thi có điểm dưới điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, nhận định: “Có thể nói đó là những HS đã chọn nhầm đường đi. Rõ ràng nếu được phân luồng, được định hướng chọn một con đường học hành phù hợp với năng lực bản thân hơn, hàng trăm ngàn HS đã không uổng phí 3 năm học THPT. Các em có thể đi theo những luồng khác ngay sau khi tốt nghiệp THCS: học nghề, vào học tại các trường TCCN để sau cùng khoảng thời gian đó có một nghề trong tay, đồng thời vẫn đạt được trình độ văn hóa bậc trung học.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay: “Mặc dù tỉnh có cả một đề án rất lớn về phân luồng, hỗ trợ HS đi học nghề từ 350.000 - 400.000 đồng/tháng nhưng vẫn chưa “hút” được người học. Trong khi đó, không ít HS học ĐH xong không xin được việc làm lại phải đi học nghề. Thực tế thì hằng năm cả nước vẫn có khoảng 80% HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN rất thấp, có năm cả 2 loại hình đào tạo này chưa tuyển được đến 5% HS tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, mục tiêu của Bộ GD-ĐT là đến 2020 cần có 30% HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề. Đi liền với đó là những giải pháp nhằm đầu tư nâng cấp chất lượng ở các cơ sở dạy nghề, trường TCCN ở các địa phương; đào tạo chuyên gia làm công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông...

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.