|
Yên bước ra vườn. Đêm cuối tháng mờ mịt tối. Chỉ còn chút ánh sáng hắt ra từ trong mái hiên đã được che bạt, phục vụ cho đám xá… Cội mai chiếu thủy ngay trước cửa hẳn đã nở hoa trắng xóa, mới đủ sức tỏa ra thứ hương ngào ngạt đến vậy. Yên bỗng nhớ hồi mình còn con gái, ở nhà, những tối gội đầu trễ, Yên vẫn thường ra sân hong tóc, thả nỗi buồn mênh mang của mình vào mùi thơm hơi nồng và khó quên của mai chiếu thủy. Xa phía kia, ngày trước là bộ bàn ghế đá kê dưới tán nhãn, những chiều tà, mẹ và mấy chị em Yên vẫn thường hay ra đó ngồi, ăn vớ vẩn thứ gì đấy, nói mấy câu chuyện bâng quơ. Mới đó thôi mà đã mười mấy hai mươi năm rồi. Đời người đi qua nhanh như cơn gió thoảng, nghe tưởng văn vẻ xa xôi, mà hóa ra thật đến không ngờ.
Yên dừng lại dưới cây mít già nua, trái mỗi năm vẫn trĩu trịt mà chỉ còn lại hầu như chỉ xơ với vỏ, chẳng còn thấy mặt múi mít nào. Thế mà vẫn thơm nức mũi khi chín. Mỗi lần ba lên mà ngay mùa mít chín, thế nào ba cũng hái bỏ vào cái bao loại đựng gạo để mang theo. Mẹ vừa lột vỏ mít vừa càm ràm bực bội vì ít múi. Mẹ luôn không hài lòng về ba, bất cứ thứ gì… Có khi ba gửi đồ theo xe đò. Vườn nhà Yên, mỗi loại vài cây, từ nào giờ chỉ “trồng để con nó ăn” chứ hiếm khi bán buôn gì. Thường nhất là chuối. Rồi xoài. Dừa tươi dừa khô. Lá lốt. Xả cây. Trái và lá sa kê. Rau ngót hay rau mồng tơi. Cái thứ rau mát rượi lòng dạ ấy, khi nấu với tôm tươi, trở thành món canh giải nóng do uống rượu của ba Yên đây mà…
Ba Yên hay nhậu. Đàn ông miền Tây uống rượu bằng ly to, bằng chén lớn, chứ không khách sáo kiểu cọ nhỏ giọt. Nhậu cướp mất cuộc đời lẽ ra phải đủ đầy sung sướng của ba. Nhậu nhẹt và gái gú biến mái nhà đúng ra phải ấm êm tròn vẹn của mẹ con Yên thành nỗi bi kịch dai dẳng kéo dài. Mẹ Yên cả đời tức tưởi giận hờn ghen tuông. Chị em Yên chông chênh bước hụt. Để đến đêm nay, khi ba đã nằm một mình trong cỗ áo quan không có túi, để chắc chắn rằng nhân gian chẳng thể mang theo bất kỳ thứ gì về bên kia thế giới, những bạn bè, đồng nghiệp, lối xóm của ba vẫn nhậu tưng bừng trong nhà, tiếng “dô… dô” ồn ào căn nhà đã nhiều năm tĩnh lặng hiu buồn.
Lần gần nhất Yên về đây là khi nào ấy nhỉ? Trí nhớ, hay nỗi ân hận buộc Yên nghĩ tới điều đó? Lâu lắm rồi, không nhớ là năm nào nữa, Yên đi công tác vùng đất mũi, sẵn tạt qua thăm ba. Chị đồng nghiệp đi chung trầm trồ trước cảnh nhà mát mẻ nhiều cây xanh, ái ngại trước nội thất hầu như chẳng còn lại gì, sau khi má đã dọn gần hết đồ đạc lên phố cho ngôi nhà mới sắm sửa, khó hiểu khi thấy ba Yên mang về quá chừng thức ăn ngon lành dù chỉ có ba người ngồi quanh mâm chén. Chỉ có Yên, đắng đót hiểu, đã lâu lắm rồi, ba làm gì có ai quây quần, nhà làm gì có hơi người để mà ăn uống đãi đằng vui vẻ đến vậy. Nhậu nhẹt khách khứa thì đã ra hàng quán cho xong…
Yên tần ngần ngó lên trời cao. Trống rỗng. Nước mắt cũng hầu như chẳng mấy. Ký ức về ba thuở bé nhạt nhòa. Có chăng là khi Yên lấy chồng sinh con, mới bắt đầu quan tâm tới gia đình mình theo một cái cách ngại ngần nào đấy. Hồi xưa, lúc còn ở nhà, đã nhiều buổi khuya Yên lẻn ra sân ngồi một mình, thấy nước mắt tràn ra bởi những tự ti khổ sở không tên của một đứa con gái đa cảm, muộn phiền ước một đổi thay nào đấy. Mơ hồ, nhưng mãnh liệt. Đủ để Yên nhìn thấy chút ánh sáng ở phía trước. Cảnh nhà sao khắc nghiệt quá. Dù mảnh đất trù phú cộng với công ăn việc làm ổn định của ba đủ để căn nhà tường cùng mấy chị em đều được đi học của Yên thuở ấy trở thành niềm ước ao của bao người trong xứ.
***
- Sáng qua tới giờ có gọi cho ba mày không Yên?
- Có gì không mẹ? Mấy hôm nay con lu bu quá, không gọi.
- Ừ, sao cả di động lẫn điện thoại bàn đều chẳng thấy bắt máy!
Hôm ấy là cuối tuần, vậy là ba không đi làm. Lòng Yên nóng như lửa đốt. Bấm bấm cái điện thoại, Yên chưng hửng nhận ra, mình chẳng hề lưu số của ai, hàng xóm hay bà con gì ở gần bên ba để mà hỏi thăm, nhờ cậy chạy qua thăm chừng. Cả nhà hình như quen với việc ba ở lại dưới đó một mình, trong cái xác nhà đơn độc. Gần tuổi sáu mươi, lẽ ra ba có thể nghỉ hưu theo kiểu mất sức sớm hơn quy định, nhưng ba từ chối, với lý do, ở không cũng buồn. Yên nhiều lần gọi điện khuyên ba, vẽ ra viễn cảnh an nhàn trên phố, có thể ăn đậu hũ kho và nhộng xào lá chanh bất cứ lúc nào ba muốn, có cháu nội ngoại loanh quanh bên cạnh, để thuyết phục. Ba cứ ậm ừ, bảo đợi bán được nhà dưới quê rồi mới đi. Thâm tâm Yên, sau khi bấm kết thúc những cuộc gọi ấy, cũng phân vân, bởi ngay cả chính bản thân Yên cũng không hẳn dám tin chắc vào những điều tốt đẹp mà Yên đang cố thuyết phục ba là có thật. Nào là đi tham gia lớp này hội nọ, đọc sách nghe nhạc, ba vẫn có thể làm thêm việc báo cáo thuế để thấy mình có ích… chẳng hạn. Yên sợ, rồi thì ba sẽ trách Yên buộc ông phải rời xa cuộc sống quen thuộc, những thói quen đơn độc mà bình lặng, không còn sóng to gió lớn tạt ngang. Như một người đã dành phần lớn thời gian để vùng vẫy thỏa thuê, giờ chỉ còn mong trải đời mình trong nỗi dịu êm nhẹ nhàng vậy. Yên sợ khi có ba, thì những hục hặc trách móc, những kể lể gây gổ, những than thở cơm áo gạo tiền, những cuộc rượu bia không kiềm chế sẽ phá nát sự yên ả trong căn nhà trên phố mà tâm huyết cả đời, mẹ mới có được…
Lúc ấy, Yên hình dung ra cảnh nhà vắng lặng, chỉ còn mình ba ra vào. Lớp gạch tàu ngoài sân hẳn rêu đã bám đầy. Lâu lắm rồi, chắc cũng phải vài năm chứ không ít, Yên chẳng còn có khái niệm về quê, về nhà. Mẹ và các em đều đã ở trên này. Những dịp lễ tết, thì ba lên chơi. Xe giường nằm, có gì đâu mệt?! Ba tha lên từ thịt ba chỉ tới thịt trâu để nhúng mẻ, rồi dồi trường, món chồng Yên mê, từ cá phi đến con rạm mua chợ, có khi lại còn có cả mớ hàu đã cạy sẵn, đông lạnh để nấu cháo. Ba hẳn là biết Yên thích hàu mà không biết làm, chỉ giỏi ăn mà thôi…
Lần gần nhất, ba lên, là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm vừa rồi. Yên bận chạy “sô” với bạn bè, con cái, lại tranh thủ chút việc, nên chỉ hứa dành buổi tối cuối cùng trước khi ba về để chở ba đi mua thêm ít áo quần. Vậy mà chiều hôm ấy, khi Yên đang chuẩn bị chạy qua đón, thì nhận được tin nhắn:
“Con qua chơi thôi, chứ ba về dưới đó mua được rồi. Cảm ơn con”.
Ba chữ cuối cùng ấy làm Yên cảm thấy cay mũi, xấu hổ. Ba sinh ra Yên. Nuôi Yên đi học. Rồi Yên vội vàng lấy chồng, xong mới tất tả đi làm kiếm sống. Được đồng nào thì tom góp lo cho cái tổ cúc cu của mình. Yên đã làm gì được cho ba đâu, mà ba nói cảm ơn?
Buổi tối hôm ấy mồn một hiện về. Yên dựng xe ngoài cửa, nghe em dâu bảo, ba đi ăn cơm rồi. Mẹ tránh cái nhìn như dò hỏi của Yên. Đứa em dâu thậm thụt, ba mẹ lại cãi nhau, ba chắc ra đầu hẻm ăn cơm bụi đó chị. Yên thinh lặng ngồi chờ ba về, rồi lẽo đẽo theo ba lên phòng. Nói mãi, ba vẫn bảo không chịu theo Yên ra ngoài cho khuây khỏa. Lẽ ra ba không nên lên đây làm phiền mọi người! Yên chưa kịp gạt đi, cảm giác như ba đang đổ lỗi cho Yên cái tội đã nằng nặc kêu ba lên chơi, thì ba bất ngờ òa lên khóc.
Có lẽ đó là nỗi đau đớn khó xử nhất trong đời mà Yên từng chứng kiến. Ngay cả khi chiều nay Yên về, thấy ba được đặt nằm giữa nhà, xung quanh là những người lối xóm lạ quen, quần áo đã thay xong, hai ngón chân cái đã cột chặt vào nhau ngay ngắn, thì cảm giác của Yên cũng không thảng thốt đến mức ấy. Người đàn ông tóc đã rụng lơ thơ trên đỉnh, phong phanh trong bộ quần áo mặc nhà nằm co ro trên chiếc chiếu trải ngay dưới nền, quay mặt vô vách để Yên không phải nhìn những giọt nước mắt người già rơi ra trong tiếng nấc sụt sịt. Trong một khoảnh khắc tưởng như mọi thứ đông cứng lại ấy, Yên chẳng biết làm gì ngoài việc lặng lẽ bỏ ra sân thượng, quay lưng lại cảnh tượng đau lòng mà chính Yên cũng không ngờ mình có lúc phải đối mặt. Đến lúc đó, Yên mới cay đắng nhận ra sự hiển nhiên là, sau bao nhiêu năm tháng bay nhảy bên ngoài, khi rượu chè bồ bịch đã thành quá vãng, thì dù ở quê hay lên phố ở cùng mọi người, người đàn ông khốn khổ kia cũng vẫn phải gánh chịu sự ghẻ lạnh của gia đình…
Phòng ba ở là tầng trên cùng của căn nhà mẹ một tay dành dụm mua đất, mướn thợ, coi ngó xây cất. Mẹ muốn đứng tên riêng, sợ lỡ có chuyện gì thì tài sản cả đời cắc củm phải chia ra cho con riêng con mọn của ổng. Ai mà biết được. Đàn bà có lý lẽ riêng của họ, Yên cũng là đàn bà, Yên hiểu và thương mẹ. Yên mở miệng nói giúp, để ba đồng ý ra công chứng, xác nhận đó là nhà riêng của mẹ. Dù mẹ Yên chưa từng một ngày đi làm, suốt đời ở nhà chồng nuôi, câu cửa miệng luôn là, “tao không làm ra tiền nên cha con chúng mày khinh, coi tao là ăn bám chứ gì”. Phía trước phòng, được dành để phơi đồ, trồng rau trồng hành và làm tiệc nướng khi mấy chị em Yên tụ họp. Trong phòng kê chiếc máy giặt và mấy món vật dụng ít xài, kiểu như nhà kho mẹ cất đồ vậy. Buổi tối, ba thui thủi ngủ trên ấy, một mình. Y hệt như lúc ba ở căn nhà cũ dưới quê. Giống như lúc Yên xấp xải đón xe về, nghe lối xóm kể lại, ba đã đi rồi, một mình, từ lúc nào cũng không ai rõ…
Hôm ấy, Yên nhớ mình đã lầm lũi bỏ về, không nhìn vào mắt mẹ, tảng lờ như chẳng thấy chút đồ ăn mẹ gói mang về cho cháu ngoại đang treo ở xe. Yên không nỡ giận mẹ. Dù lòng Yên hậm hực với ý nghĩ, mai là ba lại về rồi, biết đến khi nào ba lại lên, mà mẹ nỡ thế này. Đàn bà xây tổ ấm, vì mẹ quên câu ấy nên cả đời khổ nhọc tâm can. Nỗi oán giận tủi buồn dằng dặc năm tháng đã làm mẹ chẳng thể nào mở lòng dịu dàng mà quên đi nhiều phụ rẫy, lầm lỗi đáng trách. Yên cũng chẳng thể nói gì hơn với ba, người đàn ông vẫn đang tức tưởi khóc trên sân thượng của căn nhà trên phố, do vợ đứng tên, lâu lâu thì mang quà quê lên ở vài ngày... Dưới nhà, em dâu và đứa cháu vài tháng tuổi kêu Yên bằng cô đang vui vẻ đùa nghịch. Cuộc sống non tơ đang tiếp nối. Mẹ thắc thỏm ra vào, nhìn mớ dây trường xuân rối rắm thả dài từ trên cao xuống đất. Còn Yên, đứa con gái duy nhất trong nhà hay giữ liên lạc với ba, thì những năm tháng khỏe mạnh ba bận rộn bay nhảy đã mang mọi yêu thương gần gũi bên ba đi xa lắm, để đến bây giờ, Yên những muốn chạm tay vào ba, an ủi vỗ về, thì cũng thấy ngại ngần.
Yên ngước lên trời. Đêm cuối tháng thăm thẳm một vì sao xa. Mùi mai chiếu thủy vẫn nồng ngọt như thoảng ra từ trong ký ức. Thầm mong ba đi được bình an, ba đừng buồn giận, đừng trách mẹ trách chị em Yên nữa, nghe ba…
Truyện ngắn của Hoàng My
>> Gác khuya - Truyện ngắn của Hoàng My
>> Lần này, lần trước - Truyện ngắn của Hoàng My
>> Tối lạ" - Truyện ngắn của Hoàng My
Bình luận (0)