Khi người viết hỏi anh có bao nhiêu cái xe tăng ở đó thì Pó rất thật thà chia sẻ: “Mình đi ngang chỉ dám liếc nhìn thôi, không dám đứng lại đếm, mình sợ họ tưởng mình làm gì xấu, họ bắt mất”.
|
Vào vùng tranh chấp
Nhìn thấy ngọn núi đá 9 ngọn, Vừ Già Pó rất vui vì nghĩ mình đã sắp được về quê hương, đoàn tụ cùng vợ con, nhất là được gặp vợ. Dân ở cả xã Khâu Vai chứ không chỉ riêng xóm Lũng Lầu đều biết đôi vợ chồng Pó Lía như đôi sam, đi đâu cũng đi cùng nhau. Pó mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Sức dài vai rộng như thế mà mãi vẫn nghèo. Nhưng từ khi Pó lấy Lía về làm vợ, cuộc sống của anh đã khác. Hai vợ chồng lúc mới cưới vẫn ở trong cái lều của Pó nhưng sau vài năm, nhờ sự tần tảo của vợ mà hai vợ chồng đã cất được căn nhà to hơn, rộng rãi, đủ để cho 5 đứa con lần lượt ra đời đều chằn chặn cách nhau 2 năm.
Pó kể: “Mình tìm đường mòn trèo qua cái núi to ấy rất nhanh nhưng cũng mất một ngày thì mới qua đỉnh sang bên kia được. Nhưng bên ấy vẫn chưa phải Việt Nam. Cảnh nhìn lạ. Có nhiều cái núi thấp tròn như những cái bát. Mình phải mất thêm gần một ngày nữa mới đi hết mấy cái núi tròn ấy để đi xuống dưới. Chỗ ấy lại bằng phẳng, có một dòng sông nhỏ. Lại đi tiếp, vừa đi vừa xin ăn uống của những người ven đường”.
Anh đi mãi như thế cả tháng trời, càng đi càng thấy nhiều núi hơn. Pó nhớ lại “ Lúc ấy khoảng 3 tháng từ khi đi khỏi chỗ Bombay, mình gặp một cái xã kia mà dân ở đó lạ lắm, họ hứng nước đái bò để uống đấy. Họ bảo uống tốt lắm và mời mình nhưng mình không dám uống. À, đi đái tiếng của người ta gọi là susu”.
Càng đi ngược lên vùng núi thì thời tiết cũng ngày càng lạnh hơn. Pó đã nhìn thấy “một dãy núi cao bằng trời, trên phủ trắng tuyết và chạy dài mãi phía phải của mình. Đó chính là dãy Himalaya, nóc nhà của thế giới Pó trông thấy khi vượt một phần bang Himachai Pradesh (PV).
Pó kể thêm: “Càng đi lên phía núi thì mình gặp càng nhiều bộ đội. Nhiều không đếm được. Có lần mình gặp một đoàn xe chở bộ đội đi qua. Họ đi khoảng một tiếng mà đoàn xe mới qua hết chỗ mình đứng. Mình đi tiếp một lúc thì gặp đoàn xe ấy dừng lại. Bộ đội nhiều hơn gấp đôi người ở chợ phiên xã mình cơ”. Một lần khác thì Pó gặp cả xe tăng. “Những cái xe ấy bằng sắt, nhiều bánh và có một khẩu súng rất to ở trên”. Khi người viết hỏi anh có bao nhiêu cái xe tăng ở đó thì Pó rất thật thà chia sẻ: “Mình đi ngang chỉ dám liếc nhìn thôi, không dám đứng lại đếm, mình sợ họ tưởng mình làm gì xấu, họ bắt mất”.
Vượt biên giới và bị tình báo quân đội Pakistan bắt giam
Pó mất cả tháng đi trong vùng lãnh thổ rộng lớn của vùng rừng núi Jammu & Kashmir phía Ấn Độ. Anh không hề hay biết mình đang đi vào vùng tranh chấp nảy lửa giữa Ấn Độ và Pakistan từ cuộc chiến tranh 1947 - 1948 khi Pakistan mới tách ra khỏi Ấn Độ đã đưa quân thôn tính Tiểu vương quốc Jammu & Kashmir rồi Ấn Độ đưa quân tái chiếm. Pakistan kích động người Hồi giáo vốn chiếm 70% dân số ở đây nổi lên và đưa quân qua chiếm lại phần phía tây nam và mở rộng lên phía bắc. Chỉ khi có sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc thì hai bên mới tạm dừng lại, giữ nguyên hiện trạng vào ngày 1.1.1949. Tuy nhiên chiến tranh vẫn nổ ra tiếp vào những năm 1965 và 1971 và những xung đột vũ trang nhỏ vẫn chưa ngưng cho đến tận bây giờ. Ngay chỉ trước khi Pó đi vào vùng này mấy tháng, hồi đầu tháng 1.2013 một cuộc xung đột cũng diễn ra khiến một số lính biên phòng của hai bên bị bắn chết mà nguyên nhân ban đầu chỉ là do một người lính vô tình bước vài bước qua lằn ranh phân định.
Lực lượng Tình báo quân đội Pakistan bắt gặp một người đàn ông râu tóc xồm xoàm, bộ dạng tả tơi với đôi chân trần đi trong tuyết lạnh trên một đường mòn nhỏ trong đất Pakistan, ngay sát đường ranh giới đình chiến được lập ra ở Kashmir năm 2003. Pó nhớ lại lúc bị bắt: “Có bốn người bộ đội đeo súng to, có người còn đeo 2 quả lựu đạn trước ngực chĩa súng bắt mình. Họ kéo áo mình đang mặc lên trùm kín đầu rồi phủ một cái áo nữa lên. Hai người giữ hai tay và đưa mình đi”.
“Họ nhốt mình vào một cái nhà bé lắm(xà lim - PV), mỗi chiều dài chỉ tầm 2 m. Có một cái cửa duy nhất, mặt trong là chấn song to bằng ngón chân cái, phía ngoài ốp tấm sắt, trên cửa có một cái lỗ nhỏ - Pó kể tiếp. Họ hỏi cung tổng cộng bốn lần. Mình hiểu là họ hỏi giấy tờ, hỏi ở đâu đến và hỏi nhiều lắm nhưng mình không biết nói tiếng họ. Mình nói: Tôi tên là Vừ Già Pó ở Khâu Vai, tôi đi lao động ở Trung Quốc chứ không trộm cắp. Mình nói bằng tiếng H’Mông thôi mà! Có lần họ cáu, tát một cái và dọa. Một người lấy súng ngắn cho vào mồm, vào thái dương mình”. Khi được người viết hỏi cảm giác có sợ không, có nghĩ người ta sẽ bắn không thì Pó cho biết: “Mình rất sợ nhưng mình biết họ không bắn đâu. Mình không làm gì xấu cả. Mình chỉ đang đi về nhà thôi”.
Sau thời gian thẩm vấn, bên quân đội bàn giao Vừ Già Pó cho Cơ quan Điều tra tội phạm của cảnh sát Muzaffarabad, thủ phủ bang Azad Jammu và Kashmir. “Họ trùm kín đầu mình bằng bao tải rồi cho lên xe. Xe đi mất khoảng 50 phút thì đến chỗ pô-lít. Ở đấy họ hỏi thôi, không dọa nữa. Mình bị nhốt ở đó hơn hai tháng rồi họ đưa mình về “Police Station Neelum” - tức là đồn công an Neelum (Pó học được cụm từ này do bạn tù dạy - PV).
Anh còn kể chi tiết là “đi ô tô từ chỗ pô-lít cũ đến Neelum mất hơn 7 tiếng, có dừng lại nghỉ ăn trưa”.
Pó cũng kể lại, từ ngày anh bị bắt thì anh không còn bị đói như khi đi đường. Cảnh sát cho anh ăn đủ ba bữa mỗi ngày. Đặc biệt là ở đồn Neelum, anh cũng không bị giam, được đi lại thoải mái trong khuôn viên. “Bất kỳ khi nào mình muốn đi ra ngoài để tắm giặt, đi chợ chơi thì chỉ cần nói với công an gác cổng, ông ấy sẽ đưa đi. Công an ở Neelum tốt lắm. Họ còn mua áo ấm cho mình mặc vì trời rất lạnh. Có tuyết. Tuyết rơi dày gần một gang tay cơ!”.
Na Sơn
>> Hành trình phiêu bạt 5.800 km của 'Thánh phượt' Vừ Già Pó: Trốn chạy và đi mãi
>> Hành trình phiêu bạt 5.800 km của 'Thánh phượt' Vừ Già Pó: Bị bắt và trốn chạy
Người lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang Pakistan: Phút giây trùng phùng
>> Người lưu lạc 5800 km từ Mèo Vạc sang Pakistan đã đoàn tụ với gia đình
>> Video clip: Lời kêu cứu của người lưu lạc hàng ngàn km từ Mèo Vạc sang Pakistan
>> Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan - Kỳ 3: Chờ một hồi kết đẹp
>> Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan - Kỳ 2: Nhân vật bí ẩn Wu Ta Puma
Bình luận (0)