|
Trang tin tiếng Anh Want China Times (Đài Loan) ngày 12.5 dẫn lại tờ Minh Báo, một tờ báo tiếng Trung có tiếng ở Hồng Kông, cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc mà không đưa ra bất kỳ điền kiện gì.
Nhưng hồi tuần rồi, ông Du Chính Thanh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc, phản ứng lại tuyên bố của ông Abe, cho rằng Trung Quốc chỉ đối thoại với điều kiện Nhật Bản phải công nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu ngư trên biển Hoa Đông và ông Abe phải ngừng việc đến tham ngôi đền tranh cãi Yasukuni.
Phải ứng lại, truyền thông Nhật Bản cho rằng những ngôn từ của ông Du như dội một gáo nước lạnh vào Nhật Bản.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng chính quyền Tokyo đã quyết định tăng cường hợp tác với Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông.
Theo Minh Báo, động thái này của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe được cho là có thể hướng tới việc thành lập khối đồng minh với Việt Nam và Philippines nhằm phản đối những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc.
Chính phủ ông Abe còn có kế hoạch điều chỉnh Luật về Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong mùa hè này, theo đó Nhật Bản có thể sử dụng vũ lực để bảo vệ “những quốc gia có quan hệ thân thiết với Nhật Bản” nếu những nước này bị tấn công quân sự, theo tờ Japan Times (Nhật Bản) ngày 11.5.
Căng thẳng ở biển Đông leo thang sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 một cách phi pháp vào vùng biển Việt Nam và tàu Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam khu vực Bắc Kinh muốn đặt giàn khoan, điều máy bay quân sự đến khu vực này. Còn cảnh sát biển Philippines ngày 6.5 cũng bắt giữ một tàu cá Trung Quốc cùng 11 thủy thủ và phớt lờ đề nghị trả tự do cho họ từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hồi tuần rồi cho biết tranh vụ việc căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông là do hành động đơn phương từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc phải giải thích hành động của nước này đối Việt Nam và với cộng đồng thế giới, theo ông Kishida.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar ngày 11.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu chi tiết vụ việc: “Từ ngày 1.5.2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
“Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Còn Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 10.5 đã kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN cùng đương đầu với mối đe dọa từ những tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Abe hồi tuần rồi cũng đã lên tiếng chỉ trích sự bành trướng quân đội và những hành động gây hấn của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông, theo hãng tin Jiji (Nhật Bản).
The Japan News (Nhật Bản) ngày 11.5 cho hay một chiến dịch quân sự toàn diện quy mô lớn sử dụng các máy bay không người lái tối tân của Mỹ sẽ sớm khởi động ở Nhật Bản và các vùng không phận lân cận nhằm giám sát các động thái quân sự của Trung Quốc, các hoạt động tàu hải quân Trung Quốc ở biển Đông và chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Phúc Duy
>> Dư luận nước ngoài quan ngại hành vi 'gây hấn' của Trung Quốc ở biển Đông
>> Tổng thống Philippines kêu gọi ASEAN cùng đương đầu với mối nguy Trung Quốc
>> Máy bay do thám Mỹ sẽ theo dõi động thái quân sự Trung Quốc trên biển Đông
>> Nếu Trung Quốc vượt quá giới hạn, chúng ta phải tự vệ đáp trả
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hành động 'cực kỳ nguy hiểm' của Trung Quốc đe dọa hòa bình biển Đông
Bình luận (0)