Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hình thức làm việc theo nhóm trong môi trường đại học giúp sinh viên có cơ hội tiếp thu và phát triển các kỹ năng làm việc cần thiết trong tương lai như kĩ năng lãnh đạo, đàm phán, quản lý thời gian, cùng nhau giải quyết vấn đề, kĩ năng giao tiếp, và đôi khi cả kĩ năng dàn xếp mâu thuẫn. Làm việc theo nhóm còn cải thiện tình hình học tập của nhiều sinh viên bằng cách làm tăng động lực học tập của các em, khuyến khích sinh viên học tập một cách có chủ đích hơn hoặc thay đổi thái độ học tập. Mục đích của hình thức làm việc theo nhóm trong trường đại học là để viết được các báo cáo, đề án, tài liệu nghiên cứu và thuyết trình một cách tốt hơn thông qua việc kết hợp kiến thức, ý tưởng và tài năng của các thành viên trong nhóm.
Nếu hình thức làm việc theo nhóm có nhiều lợi ích đến thế thì tại sao chỉ đề cập đến cụm từ “làm việc theo nhóm” cũng tạo ra một loạt các phản ứng khác nhau từ sinh viên: phản ứng từ miễn cưỡng đến khiếp sợ, kèm theo là những câu hỏi mà chỉ học sinh cấp một mới thường đặt ra, đại loại như, "chúng em có cần phải làm việc theo nhóm không ? '' Chúng em không thể làm bài tập riêng sao? “ hay “tại sao em phải làm việc chung với bạn ấy?”
Làm việc theo nhóm cũng gây ra những vấn đề đáng suy ngẫm khác. Chẳng hạn, một số sinh viên không quen với cách làm việc này ( đặc biệt là những sinh viên ở học kì đầu) do thiếu kinh nghiệm, thiếu hướng dẫn rõ ràng, hoặc không rõ tiêu chuẩn đánh giá, các em sẽ cảm thấy bối rối về những gì mình được yêu cầu làm. Những sinh viên khác lại thấy việc làm này tốn thời gian, hoặc thích làm một mình. Một khía cạnh khác khiến nhiều sinh viên lẫn giảng viên đều băn khoăn là cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “hành vi của kẻ thời cơ vụ lợi” hay “sống kí sinh”. Hành vi này gây ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh viên khác trong nhóm, nhất là khi em nào cũng có điểm giống nhau cho cùng một bài tập. Tóm lại, theo kinh nghiêm của chúng tôi, hầu hết sinh viên đều chưa sẵn sàng cho hình thức làm việc theo nhóm. Các em cần được giáo dục và thực hành.
|
Toàn bộ quá trình “giáo dục và thực hành làm việc theo nhóm” sẽ được quản lý tốt hơn nếu các nhân viên hỗ trợ học tập, giảng viên và sinh viên đều hiểu rõ vai trò của mình cũng như biết mình sẽ làm những gì trong quá trình này. Sinh viên chắc chắn cần được giúp đỡ trong việc làm quen với hình thức làm việc theo nhóm; Trước mắt, các trường đại học nên bắt đầu bằng việc tổ chức những buổi hội thảo về xây dựng nhóm, viết, thuyết trình theo nhóm, và những dịp để cùng nhìn nhận, đánh giá những hoạt động này thông qua các phòng ban hỗ trợ kĩ năng học tập của mình. Điều này cũng sẽ giảm bớt áp lực đối với đội ngũ giảng viên vốn cho rằng việc hướng dẫn sinh viên cách làm việc theo nhóm sẽ làm giảm thời gian giảng dạy các vấn đề chính trong lớp của họ.
Phương pháp giáo dục thực hành tiên tiến nhất đã chỉ ra rằng hoạt động “giáo dục và rèn luyện làm việc theo nhóm” cần được thiết kế tốt. Sinh viên cần được hướng dẫn cặn kẽ trong suốt tiến trình của hoạt động cũng như hoạt động này cần được đánh giá một cách nghiêm túc cả về tiến trình lẫn thành quả (mặc dù việc đánh giá tiến trình sẽ khó khăn hơn nhiều) Các hoạt động có thể nhanh chóng trở nên lạc hậu, không liên đới và bất đồng về mặt văn hóa. Việc xác định rõ liệu hoạt động nhóm có được áp dụng đúng mục đích hay chỉ là một cách làm giảm thiểu số lượng công việc cần làm cũng là điều rất quan trọng đối với các giáo viên.
Các giáo viên nên mô tả rõ ràng bằng văn bản những mục tiêu cần đạt được trong quá trình hoạt động nhóm, sinh viên cần làm việc nhóm như thế nào, và chính xác các em sẽ được đánh giá như thế nào trong quá trình hoạt động nhóm. Các hướng dẫn của giáo viên càng chi tiết, cu thể càng tốt. Các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động nhóm không nên mơ hồ đối với sinh viên.
Là học sinh, các em cũng cần có trách nhiệm với vai trò của mình. Hiện có đến hàng trăm các trang web và sách báo có thể cho các em những lời khuyên hay về chủ đề làm việc theo nhóm. Sau đây là một vài lời khuyên cơ bản dành cho các em:
Hãy thử và xem hình thức làm việc theo nhóm như một kinh nghiệm học tập bổ ích cho bản thân các em. Yêu cầu giáo viên cung cấp các chỉ dẫn và tiêu chuẩn đánh giá hoạt động nhóm một cách cụ thể. Hãy ngồi lại và làm quen với các bạn trong nhóm, tìm hiểu về họ. Đừng đánh giá thấp ảnh hưởng của các mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm đến thành công của cả nhóm. Nhóm là nơi các em có thể nói về sở thích, mục tiêu, mong đợi của mình và cũng là nơi mỗi cá nhân có thể tìm ra những ưu điểm, khuyết điểm của mình. Hãy quyết định xem liệu các em có cần một nhóm trưởng hay không. Một số nhóm có thể làm việc tốt mà không cần chỉ định một nhóm trưởng. Nếu các em lựa chọn nhóm trưởng, nên đảm bảo người nhóm trưởng ấy có kỹ năng lắng nghe tốt và không chỉ đạo nhóm theo hướng mà chỉ mỗi bạn ấy muốn. Các nhóm trưởng làm việc hiệu quả sẽ có thể dẫn dắt tiến trình hoạt động của nhóm. Bên cạnh đó, đừng quên tạo một danh sách liên lạc cho tất cả các thành viên trong nhóm.
Phân tích phần việc được giao và hãy đảm bảo rằng tất cả các em đều hiểu về mục tiêu và phạm vi của phần việc ấy giống nhau, và liệu các em sẽ hợp tác trong việc cùng thực hiện nó như thế nào. Hãy sáng tạo - sử dụng những công nghệ mà các em có thể tiếp cận – hiện nhiều sinh viên tại trường đại học RMIT, Vietnam đang sử dụng Google Docs bởi vì nó cho phép các nhóm sinh viên cộng tác một cách độc lập từ những địa điểm khác nhau trong khi vẫn có thể xem chính xác thời gian các bạn trong nhóm đóng góp cho hoạt động của nhóm.
Cuối cùng, cố gắng giảm thiểu xung đột trong nhóm bằng cách thiết lập ra các chiến lược hoạt động của nhóm ngay từ đầu và bàn luận cách đối phó với những cá nhân độc đoán hoặc những thành viên không chia sẻ công việc của cả nhóm. Nếu các em có xung đột, hãy nhớ không đánh đồng giữa mỗi cá nhân với vấn đề mâu thuẫn - phê bình tư tưởng, ý kiến, nhưng không chỉ trích tính cách của mỗi cá nhân. Hãy biết thông cảm, thấu hiểu, và kiên nhẫn với nhau.
Carol Witney
(Phòng Kỹ năng Học thuật, Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam)
Bình luận (0)