Một tác phẩm thấm thía về nông thôn

27/02/2012 08:56 GMT+7

Đã quá quen với văn phong và bút lực của Lý Nhuệ từ Ngân thành cố sự, Chốn xưa sang đến Cây không gió và Đất dày, với Ngàn dặm không mây, người đọc Việt Nam thêm một lần nữa ngỡ ngàng, thán phục sức viết và khả năng tự thay đổi bản thân của nhà văn Trung Quốc này.

Đã quá quen với văn phong và bút lực của Lý Nhuệ từ Ngân thành cố sự, Chốn xưa sang đến Cây không gió và Đất dày, với Ngàn dặm không mây, người đọc Việt Nam thêm một lần nữa ngỡ ngàng, thán phục sức viết và khả năng tự thay đổi bản thân của nhà văn Trung Quốc này.

Ngàn dặm không mây hiểu một cách đơn giản nhất là trên cả ngàn dặm đất miền tây nam đồi núi bán hoang mạc của xứ Trung Hoa, không một tấc đất nào được in bóng một gợn mây nào. Không có mây nghĩa là không có hơi nước bốc lên, không có mưa rơi xuống, tám năm rồi mảnh đất ấy không mưa. Trời phạt. Ai khiến trời phạt thì không biết, nhưng hàng triệu con người trong những xóm làng xác xơ khô cháy đang còng lưng chịu đói khát do trời.

 
Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: Tuấn Phùng

Ngàn dặm không mây cũng có nghĩa trưởng thôn Triệu Kiều Mạch và dân làng vùng Ngũ Nhân Bình có quyền lập đàn tế thần linh trời đất, cầu mưa xuống - một nghi lễ mà suốt 30 năm từ cách mạng văn hóa, họ đã bị cấm, đã quên và đã không còn hình dung nổi một lễ cầu mưa nó ra thế nào, cần những gì, ai được làm lễ, tế ai và tế bằng gì?

Ngàn dặm không mây cũng là thực tại để cô gái xinh xắn quê mùa mù chữ tên Hoa Sen sẽ mãi mãi là bông sen chả bao giờ thấy nước chứ đừng nói được thả mình bung nở khoe sắc khoe hương trong làn nước xanh mát. Ngàn dặm không mây cũng chính là bầu trời mà thầy giáo Trương Trọng Ngân - người đàn ông có học duy nhất của cả vùng Ngũ Nhân Bình - hằng đêm tuyệt vọng ngóng lên. Những nhiệt tình, hăm hở thời trai trẻ của thầy héo khô đi qua từng ngày của thực tại u mê và đói khát.

Có quá nhiều thứ mà người đọc Việt Nam có thể đọc ra từ Ngàn dặm không mây - thực tế bi thiết và mãnh liệt của một vùng đất cách xa cả ngàn dặm, của những số phận nông dân xa lạ về tập tục và ngôn ngữ nhưng lại có quá nhiều cái chung, sự gần gũi, thân thuộc. Một tác phẩm về nông thôn thấm thía và tầm vóc đáng để những ai đau đáu về nông thôn tìm đọc.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.