Phí “bôi trơn”

24/02/2012 03:25 GMT+7

Thứ hạng xáo trộn, điều hành thay đổi, riêng phí "bôi trơn" vẫn "trụ vững", thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi bớt ở cấp nhỏ nhưng lại tăng ở cấp lớn. Kết quả trong bảng khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm qua một lần nữa cho thấy, vấn nạn "phí bôi trơn" vẫn đang hoành hành môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Thứ hạng xáo trộn, điều hành thay đổi, riêng phí "bôi trơn" vẫn "trụ vững", thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi bớt ở cấp nhỏ nhưng lại tăng ở cấp lớn. Kết quả trong bảng khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm qua một lần nữa cho thấy, vấn nạn "phí bôi trơn" vẫn đang hoành hành môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2011 bị Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh tụt 6 bậc; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 1.2012 cực kỳ khiêm tốn khi chỉ bằng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản vì khó khăn trong năm 2011... Không có câu trả lời chính xác nhưng chắc chắn, phí "bôi trơn" đóng góp không nhỏ trong những kết quả đáng buồn nói trên.

Có thể nói, phí bôi trơn là vấn đề ai cũng biết, là luật bất thành văn trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền tại Việt Nam khi liên tục tăng trong những năm qua. Nếu như năm 2007, chỉ có 38,9% doanh nghiệp ở khu vực chính thức thừa nhận đã bỏ ra chi phí "lót tay" thì đến năm 2009, tỷ lệ này tăng lên 45,4% theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Khoa Kinh tế, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và Viện Khoa học lao động và xã hội.

Tham nhũng "vặt" bớt nhưng tham nhũng ở quy mô lớn tăng cũng là kết quả trong báo cáo của PCI năm nay khi có tới 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của nhà nước cho biết việc chi trả hoa hồng là phổ biến so với mức 41% của năm trước... Không chỉ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, "văn hóa lót tay" đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Các hệ lụy của phí bôi trơn đã được phân tích rất nhiều, rất cụ thể. Thậm chí, phí lót tay phải đi qua "cửa" nào, khâu nào... đều được khảo sát rất rõ ràng. Thật vô lý khi vấn nạn "chung - chi" vẫn tồn tại và phát triển hết năm này qua năm khác.

Không chỉ thế, việc phí "bôi trơn" không được cải thiện cũng đặt dấu hỏi về độ chính xác của kết quả cải cách thủ tục hành chính năm 2011 mà chúng ta đã công bố trước đó. Bởi chúng ta đều biết, thủ tục hành chính nhiều tầng, nấc; lắm khâu đoạn; cơ chế chính sách chưa minh bạch chính là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn vòi vĩnh, các chi phí đen, chi phí ngoài luồng hành doanh nghiệp. Rất khó thuyết phục nếu chúng ta đã đơn giản hóa và công khai, minh bạch tới hàng chục ngàn thủ tục hành chính mà nạn tham nhũng vẫn tăng như nói trên. Phí lót tay tăng ở quy mô lớn phản ánh chân thực nhất kết quả cải thiện môi trường đầu tư của chúng ta trong năm qua. Đó là sự thụt lùi so với sự cải cách mạnh mẽ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Giảm phí "bôi trơn" đồng nghĩa với đơn giản hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính, tạo sự công khai, thông thoáng cho môi trường đầu tư. Đây là sự hỗ trợ thiết thực nhất đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh chúng ta không thể hỗ trợ về vốn, về lãi suất để phục vụ mục tiêu kiểm soát lạm phát hiện nay. Đây cũng là yếu tố cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI khi các lợi thế truyền thống và các ưu đãi đang bị bão hòa. 

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.