Tự tin chuẩn bị thi tốt nghiệp

29/05/2012 03:06 GMT+7

Cuối tuần này, học sinh (HS) lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những tư vấn sau đây của các giáo viên nhiều kinh nghiệm sẽ giúp HS yên tâm hơn khi bước vào phòng thi.

 Tự tin chuẩn bị thi tốt nghiệp - nd
Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh dò bài môn địa lý cho học sinh lớp 12 trong những
ngày ôn tập cuối - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Môn văn: Nắm vững cấu trúc đề thi, kỹ năng làm bài nghị luận

Để trả lời tốt câu 1, thí sinh cần nắm vững nội dung tác phẩm, chú ý các chi tiết nghệ thuật đặc sắc và tư tưởng chủ đề tác phẩm. Khi trả lời cần hướng tới tư tưởng chủ đề tác phẩm. Trình bày từng ý ngắn gọn dưới dạng gạch đầu dòng, không nên viết thành đoạn hoặc bài văn hoàn chỉnh.

Ở câu 2, thí sinh cần tiến hành 3 bước (2 bước đầu làm trong giấy nháp): Bước 1: Tìm hiểu đề và xác định dạng đề. Thông thường có 2 dạng: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hoặc nghị luận về một hiện tượng đời sống. Tiếp đến xác định yêu cầu của đề về nội dung, thao tác nghị luận và phạm vi tư liệu. Bước 2: Lập dàn ý. Bước 3: Viết thành bài văn hoàn chỉnh. Độ dài của bài nghị luận xã hội khoảng 1,5 đến 2 mặt giấy là vừa.

 

LƯU Ý KHI LÀM BÀI THI

Ở môn toán, các em tránh ghi sai đề thi. Đây là lỗi cực kỳ nguy hiểm vì lời giải sẽ không được giám khảo chấp nhận. Ngoài ra thí sinh cũng thường phạm các lỗi như tính toán không cẩn thận, rút gọn tùy tiện... Những lỗi này thường dễ bị mất điểm.

Với các môn xã hội, thí sinh nên gạch dưới những yêu cầu của đề thi và hình dung ngay câu hỏi đó ở bài nào trong chương trình đã học. Việc này sẽ giúp các em tránh những nhầm lẫn, lạc đề hoặc hiểu sai đề dẫn đến việc không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Sau đó các em lập dàn ý bằng cách gạch đầu dòng hoặc làm sơ đồ kiến thức trên giấy nháp từng nội dung cần trình bày.

Ở câu cuối cùng (chọn 1 trong 2 đề), thí sinh phải đọc kỹ, cân nhắc xem khả năng làm đề nào sẽ tốt hơn. Để làm tốt câu hỏi này, thí sinh cần nắm vững kỹ năng làm bài văn nghị luận. Đề thi tốt nghiệp THPT thường gặp các dạng: nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; nghị luận về một tác phẩm văn xuôi, nhân vật. Mỗi luận điểm trong phần thân bài phải viết thành một đoạn văn riêng và chú ý sự liên kết giữa các đoạn. Bài văn nhất thiết phải có dẫn chứng trực tiếp hoặc gián tiếp. Phải nêu luận đề - vấn đề chính - trong mở bài, kết bài.

Trần Thị Mai Hồng - Tổ trưởng tổ văn Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM)

Môn tiếng Anh: Đánh dấu hết các câu trả lời

Vì đề thi có 50 câu nên kiến thức sẽ trải đều chương trình. Năm nay, theo quy định, cấu trúc đề thi có thay đổi một chút: ngữ pháp - từ vựng (22 câu) và câu có chức năng giao tiếp (3 câu). Khi làm bài, thí sinh nên làm lần lượt từ trên xuống, không dừng lại quá lâu ở những câu khó để tránh tốn thời gian và gây mệt mỏi cho trí óc. Sau khi làm xong các câu vừa sức, quay trở lại làm các câu chưa trả lời. Phần kỹ năng đọc nên làm sau vì phải hiểu cả đoạn văn mới làm tốt được. Khoảng 7 phút cuối của giờ thi, thí sinh nhớ đánh dấu hết các câu trả lời, kể cả những câu không chắc chắn.

Trần Thị Huyền Thanh - Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM)

Môn địa lý: Xác định đúng biểu đồ

Để làm bài môn địa lý, mỗi thí sinh nên đọc kỹ đề ít nhất 3 lần và nên gạch chân ý chính, nếu không dễ bị lạc đề hoặc thiếu ý. Sau đó các em lập dàn bài tổng quát để bài làm đầy đủ ý; nhớ làm bài theo đúng trình tự cũng như nên xuống dòng sau mỗi ý. Việc này giúp thí sinh nhìn ra chỗ nào còn thiếu và giúp giám khảo chấm bài dễ dàng hơn.

Đọc lại bài trước khi nộp, nếu thấy sai chỉ cần gạch chéo một nét, tránh tô, xóa. Nếu thấy thiếu ý thì đừng viết chen vào. Tốt nhất làm bổ sung ở bên dưới, nhớ ghi câu số mấy và ghi thêm chữ tiếp theo.

Riêng biểu đồ, nếu vẽ lại lần thứ 3 mới hoàn chỉnh thì nên bỏ tờ vẽ sai đi, viết lại bài mới. Tuy có mất thời gian nhưng bài làm sạch dễ được trọn điểm hơn (tất nhiên là phải xem có đủ giờ viết lại không). Để đạt điểm tối đa ở câu vẽ biểu đồ, thí sinh cần xác định đúng biểu đồ yêu cầu.

Trần Văn Quang - Tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM)

Môn lịch sử: Chú ý câu hỏi mang tính vận dụng

Phân tích đề là một trong những kỹ năng học trò còn rất yếu. Các em luôn cho rằng môn lịch sử đơn thuần là học thuộc lòng nên rất lúng túng khi gặp những câu hỏi mang tính vận dụng. Nếu gặp những câu hỏi này, các em nên bình tĩnh xem đề yêu cầu gì, thuộc giai đoạn lịch sử nào? Nếu các em thấy mình không có khả năng phân tích và đánh giá thì tốt nhất cứ nêu tất cả nội dung sự kiện trong giai đoạn có liên quan đến nội dung đề cần giải quyết. Như vậy các em có thể đạt số điểm cần thiết.

Ngoài ra, khi trình bày bài thi, thí sinh phải viết cẩn thận, hạn chế mắc lỗi chính tả, không được viết tắt, tuyệt đối không dùng bút xóa, nếu sai thì gạch ngang phần sai và bỏ phần đó.

Đỗ Thị Thanh Thủy - Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM)

LẤY ĐIỂM CAO CÁC MÔN TỰ NHIÊN

Môn toán: Đọc kỹ đề, phân tích các giả thiết

Khi giải bài, các em cần tính toán cẩn thận, kiểm tra kỹ từng bước, không nên hấp tấp vội vàng. Nên tự mình tính toán trước, sau đó kiểm tra lại kết quả bằng máy tính. Khi gặp các bài toán đòi hỏi phải vận dụng nhiều kiến thức, thí sinh cần bình tĩnh. Đọc kỹ đề, phân tích các giả thiết, các kiến thức liên quan đến giả thiết và kết luận để tìm ra mối liên hệ giữa giả thiết và kết luận, từ đó tìm ra các hướng giải cho bài toán. Thực hiện các hướng giải đã đưa ra và chọn lời giải tốt nhất. Thí sinh ưu tiên giải trước các câu hỏi quen thuộc và dễ thực hiện, các câu hỏi khó sẽ giải quyết sau. Khi giải câu nào các em cần ghi rõ câu số mấy, phần nào. Làm xong câu nào cần xem lại cho kỹ xem có viết sai gì không và đánh dấu các câu đã làm rồi, tránh trường hợp làm sót câu hỏi.

Thạc sĩ Nguyễn Duy Hiếu - Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)

Môn hóa học: Nắm vững hóa tính và lý tính các chất

Trước ngày thi, thí sinh nên đọc kỹ lại phần lý thuyết. Lúc này các em phải tóm tắt và nắm vững so sánh các chất đồng phân của nhau. Ngoài ra, vì đây là môn thi trắc nghiệm nên các em không chỉ nắm vững hóa tính mà còn phải nắm vững lý tính của từng chất. Riêng phần bài tập, chỉ cần thí sinh chú ý và làm quen thật nhuyễn các dạng bài tập tìm công thức, toán về hiệu suất phản ứng, lượng tạp chất và phải nắm thật kỹ các hệ số cân bằng phương trình chính xác để vào phòng thi áp dụng.

Trong quá trình làm bài thi, thí sinh phải đọc kỹ đề vì có những câu “gài bẫy”, nên các em dễ chọn sai đáp án. Để bài thi hoàn chỉnh, thí sinh nên chia thời gian làm bài cụ thể như sau: 5 phút đầu tiên dành cho việc đọc kỹ đề, 45 phút tiếp theo dành để làm bài và 10 phút cuối cùng dành cho việc kiểm tra lại toàn bộ 40 câu hỏi và các đáp án.

Việc làm ra giấy nháp rất quan trọng vì nếu có sai sót có thể chỉnh sửa kịp mà bài thi vẫn giữ được sạch sẽ.

Giáo viên Trần Thị Thu Thủy - Tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM)

 

 

Bích Thanh
(tổng hợp)

>> Thi tốt nghiệp THPT: “Châm chước” cho thí sinh đến trễ hoặc nhầm nơi thi
>> Để không còn "sợ" môn sử
>> Tư vấn trực tuyến: Để đạt kết quả cao kỳ thi tốt nghiệp THPT
>> Lưu ý khi ôn thi tốt nghiệp THPT
>> Thi tốt nghiệp THPT: Không giới hạn nội dung ôn tập
>> Loay hoay chuẩn bị đổi giờ làm việc học hành
>> Học thêm hành hạ học sinh
>> Học sinh nghỉ học vì mặt đường sụt lún

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.