Đến xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước - Quảng Nam, hình ảnh vùng trung du với những ngôi nhà nằm nép mình dưới chân đồi tạo nên một khung cảnh bình yên tuyệt đẹp. những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi ẩn khuất giữa vườn cây, bao bọc bởi những ngõ đá phủ đầy rêu vừa cổ kính lại nên thơ.
Đậm chất dân dã
Một trong những ngôi nhà cổ nhất ở Tiên Phước là nhà của cụ Huỳnh Thúc Kháng, có tuổi đời hơn 150 năm. Ngôi nhà này vừa là chứng tích lịch sử vừa là nơi thờ phụng cụ Huỳnh. Qua nhiều lần tu bổ, ngôi nhà hiện vẫn giữ được những nét cổ kính cùng với vẻ đẹp đậm chất dân dã quê hương.
|
Nằm dưới những tán cây xanh rì xòe bóng râm mát rượi, lối dẫn vào nhà cụ Huỳnh nép giữa hai hàng chè tàu được cắt tỉa phẳng phiu. Ngôi nhà của cụ Huỳnh giờ được người cháu họ của cụ là ông Huỳnh Toản, năm nay đã 96 tuổi, coi sóc. Mặc dù đã già, sức khỏe đã yếu nhưng cứ mỗi buổi chiều, ông Toản lại chống gậy đi một vòng quanh khu nhà, vừa dạo mát vừa để thăm thú và thắp nhang cho cụ Huỳnh.
Theo lời kể của ông Toản, ông sinh ra trong gia đình có đến 13 người con và ông là con út. Vì hoàn cảnh khó khăn nên ông được cụ Huỳnh nhận về nuôi. Cụ Huỳnh có 2 cô con gái và trước lúc mất đi đã viết di chúc để lại căn nhà này cho ông Toản.
Dù tuổi gần trăm nhưng trí nhớ của ông Toản vẫn còn rất tốt. Theo ông Toản, Tiên Phước ngày trước có hàng trăm ngôi nhà gỗ. Sau này, do quá cũ kỹ, lại không được sửa chữa cẩn thận nên nhiều nhà bị hư hỏng, sập đổ khi mưa bão; một số khác bị chủ nhân bán cho người chơi nhà cổ.
Cách ngôi nhà cụ Huỳnh không xa, làng Lộc Yên cũng nổi tiếng với những ngôi nhà cổ. Hiện nay, Lộc Yên còn lưu giữ đến 5 căn nhà cổ với kiến trúc độc đáo. Qua con đường bê tông giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn dẫn vào làng, những nếp nhà cổ chợt ẩn hiện dưới triền đồi, khép mình trong các vườn cây ăn trái.
Một trong những ngôi nhà cổ nhất Lộc Yên là nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh với trên 150 tuổi. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh đã mất và để lại ngôi nhà cho con trai là ông Nguyễn Đình Hoan.
Cạnh nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh, ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Đình Mẫn cũng có cấu trúc nhà rường gồm nhà chính và nhà ngang, vách xây bằng đá núi được kết dính bằng đất sét, mặt ngoài quét vôi; trước sân là bể nước có hình dáng như chiếc lư còn khá nguyên vẹn.
|
Bà Nguyễn Thị Sanh, con gái ông Mẫn, cho biết ngôi nhà này cùng với nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh là do cụ cố Nguyễn Đình Hoằng dựng cho 3 người con trai. “Thời gian làm nhà mất 3 năm, riêng phần chạm trổ đã 2 năm 2 tháng” - bà Sanh tiết lộ.
Độc đáo, thanh thoát
Ông Huỳnh Toản cho biết những ngôi nhà cổ ở Lộc Yên được tạo tác và dựng nên bởi những đôi tay tài hoa của phường thợ Văn Hà, huyện Phú Ninh – Quảng Nam xưa. Sự tài hoa đó còn lưu dấu trên những hoa cúc, hoa mai, nai, sóc, rồng, phụng, dơi... được chạm khắc tinh vi trên mặt gỗ.
“Ở đâu không biết chứ ở Tiên Phước này, nhà hầu hết được làm bằng gỗ mít, vừa là nơi ở vừa là nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên. Nhà nào cũng có khuôn viên tương đối rộng, sau lưng là vườn, phía trước có sân để phơi nông sản. Những căn nhà cổ lúc mới dựng được lợp bằng tranh hoặc rơm quét bùn. Sau này, do hư hỏng, các ngôi nhà đã được lợp lại bằng ngói âm dương và bỏ đi phần mái đất” - ông Toàn cho biết.
Hiện tại, ở Tiên Phước, ngôi nhà độc đáo và hội tụ đầy đủ nét tinh hoa của những đôi tay phường thợ Văn Hà là nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh để lại. Theo chân ông Nguyễn Đình Hoan, chúng tôi được mục sở thị căn nhà 3 gian 2 chái được làm theo lối nhà rường Quảng Nam. Ngôi nhà được dựng hoàn toàn bằng gỗ mít với 16 cột cái to và 20 cột con xung quanh. Kèo, xuyên, trính trong nhà được chạm khắc tinh tế, với đủ hình thù các loài chim muông độc đáo, cùng tùng lộc, mai điểu, bướm và nhiều hoa văn thanh thoát.
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh còn có một bộ phản gỗ lim, 2 chiếc trường kỷ kiểu xưa cũng bằng gỗ lim, bức hoành phi là dấu tích của một thời hào phú còn lưu lại và được giữ gìn cẩn trọng. Trước nhà, dãy Hòn Ngang làm bình phong, sau lưng Gò Tròn làm hậu chẩm, gần hơn nữa, vũng Trâu Lội là chỗ thủy tụ từ 2 con suối nhỏ không tên đã tạo cho ngôi nhà sự vững chãi.
Ông Hoan cho biết gia đình ông là thế hệ thứ tư ở ngôi nhà này. Hiện ông đã làm căn nhà khác bên cạnh, để ngôi nhà cổ này làm nơi thờ phụng tổ tiên. “Gia đình tôi sẽ quyết gìn giữ căn nhà này cho con cháu ngàn đời sau” - ông Hoan quả quyết.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các ngôi nhà cổ đều treo những câu thơ như “tuyên ngôn sống” của gia chủ, được khắc trên bộ liễn đặt hai bên trang thờ sơn son thếp vàng. Chỉ 2 câu thơ được treo ở nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng: Nhất sanh trì thủ trọng can trường/ Bách tải triệu bằng bồi phước trạch, ông Toản giải thích: “Một đời sinh ra gìn giữ đạo can trường - trăm năm đắp bồi nền móng phúc ấm tổ tiên. Đó là 2 câu thơ mà cụ Huỳnh tâm đắc nhất, thể hiện cái tâm và hoài bão của cuộc đời cụ”.
“Tuy câu liễn bị mối mọt theo thời gian gặm nhấm dần nhưng tâm niệm và khí tiết của chủ nhân những ngôi nhà cổ ngày xưa vẫn còn đó. Vì thế, lâu nay tôi vẫn luôn dạy con cháu dù thế nào cũng phải gìn giữ ngôi nhà, đó là tài sản vô giá” - ông Toản bộc bạch.
Ngõ đá rêu phong Những ngôi nhà cổ ở Tiên Cảnh không chỉ đẹp ở cấu trúc bên trong mà còn cổ kính, nên thơ với các con đường lát toàn bằng đá núi. Hầu hết các ngôi nhà cổ đều có ngõ đá. Mỗi ngõ đá có một kiểu dáng khác nhau, phù hợp với địa thế và phong cảnh nơi ngôi nhà tọa lạc.
Ông Toản lý giải: “Trước đây, vùng núi Tiên Phước có nhiều cọp nên người xưa làm những lối đi vòng vèo để phòng loài thú dữ này vào nhà. Một quan niệm nữa của ông bà ta ngày xưa là lối đi không bao giờ trực diện vào nhà chính, vì đây là gian nhà thiêng liêng dành để thờ phụng tổ tiên, phải giữ nề nếp gia phong cả trong cách đi lại”. Nằm lưng chừng đồi, ngôi nhà cổ của cụ Huỳnh Anh có ngõ đá tuyệt đẹp. 73 bậc đá xanh tồn tại bao đời cùng ngôi nhà đã phủ mờ dấu chân. Bờ thành đá ngang tầm đầu người ở hai bên lối đi phủ đầy rêu. Rêu hiện hữu khắp nơi, trên ngõ đá, cổng nhà, thân dừa, cau, quế, bền bỉ và nhẫn nại đeo bám để tạo thành một lớp nhung xanh mát mắt, làm mềm đi sự khô cứng của đá... |
Theo Người Lao Động
>> Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên
>> Ngôi nhà xách tay
>> Ngôi nhà độc đáo
Bình luận (0)