Bạch Mã là dãy quần sơn được nhiều văn nhân thi sĩ xem như của hồi môn mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nhưng Bạch Mã cũng có số phận riêng và đã nhiều lần trải qua những cay đắng bởi biến động của lịch sử lẫn những lát cắt của tư duy. Cứ mỗi lần như thế, Bạch Mã lại hằn lên những vết thương sâu hơn...
|
Tan giấc mơ hoa
Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã thuộc địa giới hành chính hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam, với diện tích 37.487 ha, trong đó trung tâm của dãy quần sơn hùng vĩ này thuộc H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Từ khu vực trung tâm hành chính huyện lên đến đỉnh Bạch Mã gần 20 km, toàn đèo dốc quanh co khúc khuỷu. Nếu không có ô tô riêng, khách phải thuê ô tô thông qua Trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (DVDLST và GDMT), thuộc VQG Bạch Mã. Giá thuê xe mỗi lần lên đỉnh Bạch Mã là 900.000 đồng cho khách đi về trong ngày và 1,1 triệu đồng cho khách ở lại qua đêm. Sau này chúng tôi mới biết, VQG Bạch Mã không “biên chế” được chiếc ô tô nào cho dịch vụ vận chuyển, mà phụ thuộc vào cánh tài xế địa phương.
Bốn chúng tôi xuống xe tại nhà nghỉ Bảo An ở đỉnh Bạch Mã, sau khi thuê chiếc ô tô 24 chỗ với giá 1,1 triệu đồng. "Trung tâm du khách" trên đỉnh lúc này có 3 nhân viên. Cùng một người nhưng họ làm đủ thứ việc, từ đầu bếp, chạy bàn, tạp vụ, đến lễ tân, thu ngân... Nam nhân viên tên Dân giới thiệu cho chúng tôi một phòng nghỉ có thể ở đến 10 người với giá chỉ 300.000 đồng/đêm. Căn phòng tuồng như từ lâu không có người ở, xộc mùi ẩm mốc, nhà vệ sinh dùng chung nên chúng tôi từ chối và chọn thuê hai phòng ở biệt thự Sao La, với giá 500.000 đồng/đêm. Giá không hề rẻ, nhưng ngẫm lại chúng tôi thuộc diện “may mắn”, bởi cùng có mặt trên đỉnh Bạch Mã lúc ấy có 3 du khách người nước ngoài và họ đã đặt phòng trước gần 3 tháng, như cách nói của Dân.
|
Ném chiếc ba lô vào phòng nghỉ, chúng tôi đi khám phá “vườn hoa xứ lạnh” ở Bạch Mã mà Bộ KH-CN phê duyệt hồi giữa năm 2008 với nguồn kinh phí gần 1 tỉ đồng. Vườn hoa được giao Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng trên diện tích khoảng 2.000 m2. Có 5 loài hoa được chọn trồng trong dự án lúc ấy là cúc, địa lan, đồng tiền, lay ơn, cẩm chướng Hà Lan, do Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) chuyển giao công nghệ. Theo kế hoạch, khoảng giữa tháng 5.2010 dự án sẽ hoàn thành, sau đó những cành hoa không chỉ tô điểm thêm hồng nhan Bạch Mã mà còn trở thành mặt hàng lưu niệm cho du khách trong mỗi chuyến đến với nơi này. Nhưng trước mắt chúng tôi giờ là một ngôi nhà chỉ toàn cỏ dại ngửa mặt nhìn trời. Ngôi nhà cạnh bên có vài chậu lan thoi thóp. Xuống “vườn hoa Trần Lệ Xuân” trước biệt thự Phong Lan - một trong ba vị trí xây dựng “vườn hoa xứ lạnh”, thấy chỉ có cái bể bơi khô khốc mọc đầy cỏ cây hoang dại, hoa viên xưa vẫn u uất đến tội nghiệp. Dự án gần cả tỉ bạc như đã trôi theo mây trời.
|
Thêm một lần hoang phế
Được khám phá từ năm 1932 bởi một kỹ sư người Pháp có tên M.Girard, đến nay Bạch Mã đã có quá nhiều thay đổi. Bạch Mã từng được ghi nhận có 139 biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc nhưng đã hoang phế do biến động của lịch sử, do chiến tranh lẫn bàn tay con người. Kể từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, có 9 biệt thự (nhà nghỉ) với 54 phòng ở đỉnh Bạch Mã được trùng tu, phục hồi để phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng rồi do lượng khách ít, thua lỗ, nhất là việc “đóng cửa” Bạch Mã trong gần 4 năm (2009 - 2013) để nâng cấp, mở rộng đường lên nơi này khiến các doanh nghiệp đành để biệt thự sau khi trùng tu tiền tỉ hoang tàn trong mây gió.
Mùa này những cây phong ở Bạch Mã đua nhau khoe sắc. Lá phong đỏ rực góc rừng níu những bước chân cô lữ. Nhưng phàm thứ gì cũng thế, nhất là hoa lá, mỗi khi rời cành không được tiếp tục dưỡng nuôi từ dinh dưỡng của đất mẹ, chúng đều nhanh chóng tàn tạ. Và những thảm lá phong héo úa dày đặc như nhân đôi nỗi buồn khi chúng tôi “lạc” vào hai biệt thự Morin 1 và Morin 2. Hai biệt thự ở vị trí tuyệt đẹp có 12 phòng này do Công ty du lịch Hương Giang và Công ty khách sạn Xanh ở Huế đầu tư, cùng đưa vào sử dụng năm 2001 nhưng nay đã hoang phế. Những bậc cấp ngập lá phong héo khô. Mái hiên nhà với những liếp ngói vỡ, những thanh gỗ mục rơi vãi, chiếc ghế đẩu bên ngoài sân chỉ còn 3 chân ngửa bụng lên trời thật ai oán...
Dang dở một kỳ quan
Chúng tôi ngược lên Vọng hải đài, nơi có độ cao 1.450 m so với mặt nước biển. Ở đây con người luôn phải thu mình lại trước vũ trụ, bởi cái cảm giác cô đơn và quá bé nhỏ, bé nhỏ đến mức có lúc không tự nhận ra mình bởi đã hòa quyện vào thiên nhiên, như mây, như gió. Nhưng bây giờ, đứng trên đỉnh núi cao này người ta có cảm giác gì đó thật chơi vơi, nhất là khi bốn bề hoang lạnh. Đôi kính viễn vọng ngắm tuyệt tác thiên nhiên trong vùng phụ cận của Bạch Mã chỉ còn lại hai cột sắt. Ngôi nhà lục giác cạnh đó kính cũng vỡ toang, bên trong bỏ rất nhiều tượng Phật chẳng khác tượng Táo quân bị bỏ bê sau cái ngày người ta cúng tiễn ngài lên trời. Ở đời có những loại “quà biếu” rất khó chối từ, nhất là những quà biếu ấy mang tính tâm linh, có khi gán ghép cho tâm linh. “Quả là phản cảm thật, những tượng Phật đó là do du khách tự mang lên đặt. Tôi sẽ cho anh em thu dọn lại”, Phó giám đốc VQG Bạch Mã Nguyễn Vũ Linh nói khi thấy chúng tôi xót xa.
Trên đường trở về từ Hải vọng đài, chúng tôi gặp đoàn khách hiếm hoi đến từ TP.Huế. Chiều muộn, nhưng họ vẫn ngồi bên vệ đường cạnh tấm bảng chỉ dẫn đường xuống thác Bạc đã bị vùi trong cỏ dại để chờ một số thành viên đang còn đi lạc đâu đó bên dưới thác Bạc. “Tụi mình có biết đâu, hầu hết các bảng chỉ dẫn đều hư hỏng, gãy đổ. Tui thề đây là lần đầu nhưng cũng lần cuối tui tới Bạch Mã”, người phụ nữ tên Thúy, một thành viên trong đoàn, nói giọng xót xa.
Nhớ lại hơn 20 năm trước, tôi cùng những người bạn học cấp 3 có những bước chân đầu tiên lên khám phá Bạch Mã trong nỗi đam mê lẫn sợ hãi. Mê trước vẻ kỳ thú của thiên nhiên, sợ trước vẻ bí ẩn của rừng thiêng mây mờ phủ lối, trong cảm giác tò mò sờ mó lên những bức tường đen của những ngôi biệt thự xa xỉ một thời. Và cả sự quyến rũ của những vạt rừng đầy hoa phong lan, địa lan, lay ơn... mà có lần tôi thẹn thùng ngắt một nhánh bên đường tặng cô bạn tên Hoài An để đánh dấu một mối tình không lời hẹn ước. Còn bây giờ, khi đứng ngắm những ngôi biệt thự, những tuyệt tác “kiến trúc Âu nằm giữa trời Đông” được trùng tu rồi bỏ hoang, lòng tôi bỗng co thắt. Những vết thương cứ thêm hằn trên lưng chú ngựa huyền thoại ở “ngọn núi ảo ảnh” này.
“Ngựa trắng” về đâu ? Bạch Mã, một tuyệt tác của thiên nhiên đang thực hiện chức năng bảo tồn và lấy hoạt động du lịch làm chức năng bổ trợ. Nhưng Bạch Mã sẽ ra sao, đi theo hướng nào thì câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Nhắc chuyện này, ông Nguyễn Vũ Linh nói đại ý rằng lãnh đạo VQG rất rộng cửa đón các nhà đầu tư, nhưng kinh doanh lỗ, thời tiết lại khắc nghiệt (độ ẩm trung bình luôn trên 80%, lượng mưa cao nhất nước với 8.000 mm/năm) nên nhiều nhà đầu tư đã bỏ cuộc. “Vấn đề phát triển du lịch sinh thái ở Bạch Mã vẫn còn mang cảm tính của nhà quản lý du lịch kết hợp với bảo tồn thiên nhiên. Do chưa có quy hoạch chi tiết về loại hình này ở Bạch Mã nên việc quản lý, đầu tư và phát triển không dựa theo hệ thống các tiêu chí, quy hoạch và quy định cụ thể nào cả”, ông Linh giãi bày. |
Đình Toàn
>> Thí điểm hỗ trợ sinh kế vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã
>> Thêm nhiều loại hình du lịch tại Vườn quốc gia Bạch Mã
>> Vườn quốc gia Bạch Mã
>> Tìm thấy một loài bướm mới tại Vườn quốc gia Bạch Mã
Bình luận (0)