Bàn tròn đã thu hút hơn 150 lượt tham gia thảo luận.
Ông Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trăn trở về việc học sinh (HS) nói chung thiếu tự tin, thụ động trong việc tiếp thu tri thức, ít phản biện và ít có kỹ năng làm việc tập thể. Cũng theo ông Hồng, HS chưa biết cộng tác, chưa biết làm việc tập thể, đồng nghĩa với chưa phát triển năng lực cá nhân. Vì thế, phải dạy cho HS biết độc lập suy nghĩ và hành động cũng như hợp tác, nắm được các kiến thức căn bản đồng thời biết “nhúng” các kiến thức hàn lâm vào thực tiễn, để giải các bài toán thực tiễn.
Ông Bùi Trần Hiếu, ĐH New South Wales (Úc), cho biết các năng lực tư duy và học tập của thế kỷ 21 được một số nơi xác định gồm: tư duy phản biện, sáng tạo và đổi mới, hợp tác và giao tiếp. “Theo những gì tôi đã trải nghiệm qua 12 năm học phổ thông tại Việt Nam thì chương trình giáo dục phổ thông và bộ SGK đã thất bại lớn trong việc giúp người học hình thành các năng lực và kỹ năng nêu trên”, ông Hiếu nói. Do vậy, ông Hiếu đề xuất: “Việc cải cách giáo dục nói chung và đổi mới SGK nói riêng cần phải đảm bảo tiêu chí này, đó là giúp người học hình thành và phát triển các năng lực tư duy, học tập cần thiết cho các bậc học và giai đoạn phát triển cá nhân tiếp theo. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh năng lực tư duy phản biện và sáng tạo giải quyết vấn đề”.
Đề cập riêng ở khía cạnh dạy văn và học văn, nhà văn Phạm Tường Vân nhận định: “SGK hiện nay hoàn toàn thất bại ở mục tiêu tối thiểu nhất, đó là truyền thụ năng lực cảm thụ (văn chương) và kỹ năng biểu đạt (ngôn ngữ)”. Bà Vân đề nghị xây dựng một bộ sách như thế nào để giáo viên và HS còn những khoảng rộng để cập nhật những vấn đề thời cuộc. “SGK môn văn nên mỏng thôi, mà thật giá trị, còn để những “khoảng hở” cần thiết để cho việc “bắt vít” với thời cuộc”, bà Vân đề xuất.
Đây cũng là ý kiến được nhiều người tán đồng, thậm chí có ý kiến còn cho rằng không cần những cuốn SGK cụ thể mà chỉ cần một chương trình khung thật chuẩn và chi tiết. Trên cơ sở đó, giáo viên có thể dạy cho HS những kiến thức cần cho môn học và cần cho cuộc sống.
Xung quanh vấn đề có nên dịch SGK của nước ngoài để sử dụng ở VN, GS Ngô Bảo Châu cho rằng SGK nước ngoài rất khác nhau, không có luận cứ vững chắc nào cho việc chọn ra một bộ nào đó, coi nó là tốt nhất, thích hợp nhất với VN rồi dịch nguyên xi. Khó có thể làm khác với cách chúng ta vẫn làm từ trước đến nay là chọn ra một số bộ SGK tốt của nước ngoài, tham khảo để viết ra sách cho mình.
Người có nickname “Son Loang”, Công ty CP văn hóa - giáo dục Long Minh, cho rằng nên mua SGK về khoa học tự nhiên của nước ngoài như Singapore. Họ làm chuẩn và gần với cả ta và tây. Mua của họ có thể đàm phán mua đứt rất rẻ (tự ta làm không thể rẻ như vậy).
Vẫn có những ý kiến tại cuộc thảo luận khẳng định hoàn toàn có thể mua bản quyền một bộ sách nước ngoài mà ta thấy phù hợp nhất với người Việt. Nick name “anhgia” cho rằng như thế sẽ đỡ mất công sức, thời gian và có thể tiết kiệm tiền bạc nữa. Và về giá trị thì có thể yên tâm là trên trung bình. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng khẳng định việc học hỏi hoặc nhập SGK của thế giới ra sao không quan trọng bằng việc chúng ta phải rõ định hướng và mục tiêu đổi mới của chính mình. Ông Đặng Minh Tuấn, một giáo viên ở Hà Nội lo lắng: “Việc nêu lý do đổi mới chương trình - SGK đang rất mơ hồ, không có cơ sở để thuyết phục”.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng việc giám sát và kiến nghị thay đổi SGK này cần được ủy thác cho một ủy ban giáo dục quốc gia độc lập với các cơ quan hành chính sự nghiệp của Bộ GD-ĐT. Ví dụ như việc thẩm định SGK, ủy ban có thể thẩm vấn nhà giáo, HS và phụ huynh HS và những người khác để đưa ra nhận định của mình về tình trạng của SGK hiện hành. Tất nhiên ý kiến này phải độc lập với những người viết SGK và những người in SGK.
Tuyết Mai
>> Dở khóc dở cười ngữ liệu SGK
>> Tiếng Việt trong SGK thiếu chất văn
>> Cần điều chỉnh chương trình SGK phân ban
>> Nên có nhiều bộ SGK
Bình luận (0)