Nếu tôi nhớ không nhầm thì vụ chiếc xe máy đầu tiên bỗng nhiên phát cháy khi đang lưu thông là ở Hà Nội, khoảng tháng 10.2010.
Lúc đó dư luận chưa mấy để ý vì cho rằng đó là chuyện của chủ xe, có thể họ đã bất cẩn hoặc chăm sóc xe không tốt. Nhưng đến khi càng có nhiều xe bốc cháy, ô tô có, xe máy có, xe cũ có, xe mới có, xe cháy cũng đủ các thương hiệu thì người ta không thể còn thờ ơ. Dư luận thực sự lo ngại. Thậm chí là hoang mang vì cho đến hơn 1 năm sau, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra các kết luận rõ ràng về vụ việc, ngoại trừ thông tin chính thức rằng, 72% các vụ cháy xe là... chưa rõ nguyên nhân.
Tháng 1.2011, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lần đầu tiên lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ cháy xe, dư luận có chút hy vọng. Nhưng nếu theo như lời ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) trả lời trên Báo Người Lao Động thì hiện giờ việc tìm kiếm nguyên nhân các vụ cháy nổ xe đang trông cậy cả vào một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương... “đang trong giai đoạn duyệt kinh phí”. Nếu mọi việc suôn sẻ thì đề tài này sẽ hoàn thành sau khoảng 18 tháng. Đến đây thì người sử dụng xăng xe tiếp tục sốt ruột.
Việc nghiên cứu về các vụ cháy nổ xe trong một đề tài cấp nhà nước là cần thiết, nhưng nó không nên và không thể thay thế các biện pháp về mặt hành chính mà các cơ quan quản lý nhà nước phải làm, trong sứ mệnh quản trị xã hội.
Xét về phương diện xã hội, mỗi tuần có vài chiếc xe máy - ô tô bị cháy không thể coi là chuyện bình thường. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, chẳng hạn như xe máy của nhiều hãng khác nhau, được dùng ở nhiều nước nhưng chỉ duy nhất nước ta là cháy nổ liên tục? Nhiều vụ cháy xe, chủ xe không trình báo với cơ quan chức năng (nhưng lại thông tin với báo chí)?
Đã có rất nhiều ý kiến hướng nguyên nhân cháy xe vào nhiên liệu xăng kém chất lượng. Điều này không phải không có cơ sở khi các vụ cháy xe không chỉ cùng một dòng xe, một loại xe và trải rộng các địa bàn khác nhau. Nhưng điều khó hiểu là các cơ quan chức năng lại dường như không mấy quan tâm đến nguyên nhân có tính đặc thù này. Thậm chí như vụ phát hiện cửa hàng bán xăng có chất dung môi gây cháy nổ vượt tới 3 lần cho phép tại Hà Nội cuối cùng cũng chỉ là xử phạt hành chính. Vì người phụ trách cây xăng nói họ chỉ là người bán, nguồn cung cấp là của một tổng công ty thuộc nhà nước. Doanh nghiệp này thì nói, đấy là lỗi của cây xăng vì xăng của họ nhập có nguồn gốc, được kiểm định đàng hoàng.
Phóng sự điều tra Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm trên Báo Thanh Niên tháng 1.2011 tưởng chừng đã giúp tìm hướng ra cho quá trình điều tra đang rơi vào bế tắc, nhưng rồi nó cũng chìm đi cùng với sự im lặng của các cơ quan hữu trách.
Trách nhiệm giải tỏa nỗi lo lắng của người dân không chỉ là câu hỏi dành cho các nhà khoa học, mà còn là nghĩa vụ của các cơ quan chức năng khác, trong đó có cơ quan điều tra.
An Nguyên
Bình luận (0)