Thảo luận tại Quốc hội: Khắc phục tình trạng nghị định "đè" luật

16/11/2007 01:13 GMT+7

*Hôm nay (16.11), các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn Ngày 15.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Hầu hết các đại biểu (ĐB) đều ủng hộ quan điểm đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. ĐB Võ Thị Thuý Loan (Tiền Giang) đề nghị "giữ nguyên các loại văn bản quy phạm pháp luật của QH, Ủy ban Thường vụ QH; loại bỏ 3 loại văn bản là Chỉ thị, Thông tư và Thông tư liên tịch ra khỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật".

ĐB Hoàng Văn Minh (Nghệ An) nêu thực tế: "Có những luật có đến hàng trăm văn bản hướng dẫn thì làm sao mà áp dụng, tổ chức thực hiện thuận lợi được, thực tế có sự lạm dụng trong vấn đề này. Nhân dân, người áp dụng luật tiếp cận rất khó khăn". ĐB Minh đề xuất "đơn giản hóa các hình thức văn bản, theo nguyên tắc mỗi cơ quan chỉ ban hành một hình thức văn bản". Ông Minh cho rằng, nếu làm như vậy sẽ giải quyết được lợi ích quan trọng: "Khắc phục được những hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong việc ban hành văn bản, người dân và các cơ quan nhà nước dễ tiếp cận, dễ thực hiện và đảm bảo được việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không bị lẫn lộn với quy trình ban hành các văn bản quản lý hành chính nhà nước".

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) bức xúc: "Hiện nay, văn bản dưới luật lại có hiệu lực hơn văn bản do QH ban hành. QH ban hành luật có hiệu lực hàng năm, Chính phủ ban hành Nghị định và Nghị định cũng có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Như vậy Nghị định của Chính phủ đè luật của QH". ĐB Thường nhất trí: "Đưa vào trong dự thảo quy định, tất cả những văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành phải có hiệu lực cùng với hiệu lực của luật là hoàn toàn chính xác".

Cũng nhằm mục đích tăng cường chức năng và hiệu lực lập pháp của QH, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng không nên giao cho Chính phủ thống nhất lập dự kiến chương trình xây dựng luật pháp và pháp lệnh (như dự luật quy định), vì "QH thiếu đi quyền chủ động trong hoạt động xây dựng lập pháp và có thể dẫn đến việc Chính phủ xây dựng, không thực hiện được thì Chính phủ lại rút"... Phát biểu rộng hơn ra về quy trình xây dựng pháp luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý (ĐB Nghệ An) nhận xét, cách làm luật của chúng ta hiện nay có "vấn đề" và đã đến lúc phải nghiên cứu, tiếp tục cải tiến hoạt động lập pháp. Hiện tại, khi bàn về các dự án luật, ĐB còn mất quá nhiều thời gian vào việc thảo luận những quy định chung. Nhiều trường hợp chỉ sửa đổi một điều của luật, QH cũng phải thảo luận cả dự thảo văn bản luật, có đầy đủ các chương.

Phiên chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ dự kiến kéo dài 2 ngày rưỡi sẽ diễn ra từ chiều nay với sự mở đầu của Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ đăng đàn giải trình các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách. Kế tiếp là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn.

Theo kế hoạch, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng sẽ đại diện cho Chính phủ trả lời cuối cùng kết thúc phiên chất vấn vào chiều thứ hai ngày 19.11.

Xuân Toàn - Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.