Thao thiết sông Thoa

06/03/2021 08:00 GMT+7

Dòng sông còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn khiến bao người rưng rưng thương nhớ lúc tha hương.

Sông Thoa là chi lưu của dòng Vệ giang, khởi nguồn giữa hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức rồi chảy qua TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi). Bao đời, người dân đôi bờ gắn bó máu thịt với con sông này.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chỉ đạo tạm dừng việc nạo vét đất, cát bồi lấp hạ lưu sông Thoa, đoạn chảy qua TX.Đức Phổ, trước khi ra biển qua cửa Mỹ Á. Trước đó, một công ty ở tỉnh này được giao thực hiện dự án Nạo vét đất, cát bồi lấp trong công trình tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa. Quá trình khai thác khiến người dân lo ngại nguy cơ sạt lở, gây tổn hại đến dòng sông nên họ kiến nghị tạm dừng. Với họ, dòng sông như máu thịt của mình, mang đến cá tôm nuôi sống bao phận đời lam lũ. Dòng sông còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn khiến bao người rưng rưng thương nhớ lúc tha hương.

Quăng chài bắt cá bên sông

Cá tôm nuôi sống bao người

Khi vào địa phận Đức Phổ, sông Thoa được góp thêm nước của cả ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó nên lượng hải sản nơi hạ nguồn dồi dào và phong phú. Cả đêm lẫn ngày, nhiều người cặm cụi mưu sinh nơi sông nước. Họ quăng chài, giăng lưới, cào dăn dắt, bắt hến, đào trùn nước... giữa trưa nắng như đổ lửa hay mưa lạnh tái tê.
Thuở trước, sông Thoa chia cắt đôi bờ hạ nguồn vào mùa lũ. Người dân Phổ Quang phải đi vòng khá xa để lên đến trung tâm thị xã. Mùa cạn, cư dân đôi bờ qua chiếc cầu gỗ mỏng manh hay trên thuyền con tựa chiếc lá dập dềnh trên sông nước. Giữa năm 2020, UBND TX.Đức Phổ xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Hải Tân bắc qua dòng sông nối liền hai phường Phổ Quang và Phổ Minh. Cầu 12 nhịp, rộng 7,5 m, dài 370 m với tổng kinh phí xây dựng 36 tỉ đồng. "Cầu Hải Tân giúp việc đi lại được thuận tiện, không còn nguy hiểm như lúc trước. Kinh tế địa phương sẽ phát triển, cuộc sống của người dân được cải thiện hơn nhiều...", ông Mịnh khẳng định
"Tùy theo kiểu đánh bắt. Thả lưới thì cả ngày lẫn đêm. Cào dăn dắt thường làm từ sáng sớm đến chiều tối...", ông Phạm Văn Mịnh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Phổ Quang (TX.Đức Phổ), cho biết.
Chừng trăm năm trở về trước, cư dân ven bờ hạ nguồn sông Thoa có những lối bắt cá khá độc đáo. Họ cùng nhau đốn tre và chặt cành duối đan những chiếc chà rận khá lớn neo trên sông (tựa cắm chà của cư dân Nam bộ) dẫn dụ cá vào trú ngụ. Dăm bảy ngày, họ cùng nhau kéo lồng vào gần bờ bắt cá làm rộn rã khúc sông quê. Mọi người nói cười vui vẻ khi bắt được những con cá to đang vùng vẫy, tìm cách thoát thân. Gặp bữa lũ chim cồng cộc đậu trên ngọn cây bên sông kêu vang, cá hoảng sợ chui trốn vào trong chà nên bắt được khá nhiều.
Bên cạnh đó là phương pháp đánh bắt "dọa cá nhảy vào ghe". Họ cột chặt 2 chiếc cọc đứng rồi giăng lưới dọc giữa ghe chứ chẳng cần buông xuống nước. Xong xuôi, nhiều người cùng nhau chèo ghe song song với gương mặt rạng ngời, cười nói rộn ràng vang động cả khúc sông. Những đôi tay rắn chắc đập sào xuống nước khiến cá giật mình nhảy loạn xạ, tìm cách thoát thân khỏi nơi nguy hiểm. Thế là chúng mắc vào lưới hay rơi xuống lòng ghe trước khi bị bắt cho vào giỏ tre sẫm màu vì mưa nắng.
Nhiều người được mệnh danh "thợ săn" cá giữa làn nước mờ ảo nơi đáy sông. Họ mang kính lặn và dùng súng tự chế gắn mũi tên có ngạnh buộc vào sợi dây "săn" cá chép lớn trú ẩn trong hang hốc. Khi phát hiện con mồi, họ siết cò, mũi tên rẽ nước cắm phập vào cá. Tay buông lơi sợi dây buộc mũi tên mặc cho cá gắng sức trốn chạy. Chờ cho cá đuối sức, thu dây tóm gọn con chép lớn cỡ dăm bảy cân khiến cho nhiều người trầm trồ thán phục. "Nghe ông nội tôi kể lại lúc trước cá nhiều và to lắm. Có hôm bắt được nhiều con cá tràu to bằng đầu gối...", ông Vũ Đình Trọng (ở P.Phổ Quang) cho biết.
Ngày thơ bé, ông Trọng theo cha và anh trai ra sông, miệng bi bô nói cười khi thấy tôm cá lấp lánh vảy bạc quẫy rột roạt trong chiếc đụt đan bằng tre sẫm màu bởi mưa nắng. Chừng 15 tuổi, ông cùng bạn chung xóm xách đèn dầu lội bì bõm trên sông trong đêm lạnh. Cá tôm lóa mắt bởi ánh đèn bị vợt lưới tóm gọn trước khi cho vào giỏ. Lúc đói bụng và mỏi mệt, ông cùng bạn lên bờ quơ vội mớ củi khô nhóm lửa nướng cá ăn ngon lành rồi tiếp tục xách đèn lội dọc sông. Bước chân đêm thêm vững tin khi sắm được chiếc đèn măng-sông sau bao ngày mơ ước.
Thay vì tìm củi nhóm lửa, ông chọn những con cá nhỏ tươi rói đặt lên miếng kim loại nóng rực bên trên ngọn đèn sáng lung linh. Lát sau, cá chín tỏa hương thơm phức trong đêm lạnh. "Lúc trước rất nhiều cá, tôm, cua... Ở vùng nước lợ gần cửa biển có tôm sú, cua và các loại cá: căn, ngạnh, đối, móm, dìa... Vùng nước ngọt có tôm, cua và cá diếc, chép, mè, trắm cỏ... Tôm cá ở sông Thoa nấu món ăn ngon lắm. Cá đối nướng lá lốt hay kho ngọt với ít muối và rau thơm ngon khỏi chê", ông Trọng tâm sự.
Dòng Thoa giang hiền thòa, thơ mộng vào ngày cạn và cuồn cuộn dâng tràn vào mùa lũ. Nước đôi miền xuôi - ngược làm ngập bờ bãi cho cá tôm tung tăng bơi lội trên ruộng đồng, vào tận vườn nhà. Triều lên, nước biển tràn qua cửa biển Mỹ Á, ngược vào bên trong tựa sông dùng dằng như không muốn chảy. Cư dân đôi bờ theo con nước lớn - ròng mưu sinh với bao nỗi nhọc nhằn. Đồng tiền kiếm được bởi sự cơ cực giúp họ nuôi con cái ăn học nên người.
Ông Phạm Văn Mịnh cho biết thêm: "Khoảng trăm hộ dân mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy sản trên sông Thoa, chưa kể người ở những địa phương khác. Công việc vất vả đem lại khoản thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Sau đợt lũ vào cuối năm 2020 vừa rồi, nhiều người thả lồng ở nơi sông Trà Câu giao với sông Thoa bắt cá chép con chừng ngón tay cái nhiều lắm. Nếu lượng cá ấy lớn chừng bằng bàn tay thì chắc nước sông không thể chảy. Nhưng họ bắt và bán mỗi ký cá chép con có 5.000 đồng chứ mấy. Vậy nên chúng tôi đang vận động bà con vừa khai thác vừa bảo vệ môi sinh, không đánh bắt theo kiểu tận diệt để giữ nguồn cá tôm khai thác lâu dài...".
Thao thiết sông Thoa

Cầu Hải Tân bắc ngang dòng sông Thoa

ẢNH: TRANG THY

Sông trong tâm thức

Những năm tha hương thời trai trẻ, ông Trọng luôn nhớ da diết dòng sông quê nhà. Thế rồi ông bỏ mặc phồn hoa đô hội chốn thị thành trở về với sông nước quê hương. Đêm đêm, ông cần mẫn chèo ghe buông - kéo lưới trong giá lạnh.
Cá tôm từ dòng sông hiện diện trong bữa cơm gia đình hay bày bán nơi chợ quê giúp vợ chồng ông trang trải cuộc sống thường ngày. "Cá tôm giờ ít hơn trước nên thu nhập chẳng đáng là bao. Dù vậy, tôi vẫn gắn bó với dòng sông vì tình cảm khó diễn tả thành lời. Khi xa quê nhiều đêm mơ màng thấy mình lặn lội bắt cá trên sông. Nhớ quê nhà và dòng sông nên tôi trở về...", ông bộc bạch.
Gần 40 năm xa quê, đại tá, nhà thơ Vũ Quang luôn đau đáu nhớ về dòng sông Thoa lững lờ trôi qua làng. Ông trải lòng bằng những vần thơ với nỗi nhớ thương da diết. Rồi khi được chuyển công tác về tại TP.Quảng Ngãi, cách quê tầm 40 cây số, ông thường về thăm làng, ngẩn ngơ bên sông nước quê hương.
Ông Quang nói như tự sự: "Sông Thoa là nơi tôi gửi lại quãng đời đẹp đẽ nhất trước lúc lên đường nhập ngũ. Tôi không thể nào quên những chiều cùng bạn bè chơi đùa bên bến sông, thỏa sức vẫy vùng trên sóng nước. Tôi không thể nào quên những sớm hôm cùng mẹ mò cua bắt ốc sinh nhai của một đời nghèo khổ nhưng luôn chan chứa tình người. Sông đã cho tôi tôm cá, nuôi tôi khôn lớn, mặc dù gian khó nhưng vẫn êm đềm, dịu ngọt như lời ru của mẹ năm nào...".
Sông Thoa đêm ngày chảy về đông, là nguồn sống, chứng nhân lịch sử quá trình mở mang khai phá của các bậc tiền nhân thuở trước. Sông in đậm trong tâm thức của bao người, là nhịp cầu đưa những người con tha hương trở về xứ sở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.