|
Đừng lo thất thu thuế
Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2014 quy định: Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng… nếu vượt quá 15% tổng số chi được trừ, DN sẽ không được tính vào chi phí kinh doanh để trừ đi thu nhập chịu thuế. Cách áp đặt trần cứng nhắc này đã gây sức ép lên cộng đồng DN vốn đang vật lộn trong khó khăn suốt thời gian qua.
|
Nhận diện được thực trạng trên, Bộ Tài chính đã gấp rút tham mưu Chính phủ giải pháp tháo gỡ. Theo thông tin chính thức từ Bộ Tài chính, Bộ đang đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội (QH) kỳ họp tháng 10 tới một gói giải pháp tổng thể về chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, có đưa phương án bỏ mức trần khống chế chi phí tiếp thị, khuyến mãi quy định trong luật Thuế TNDN sửa đổi.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cho biết vì Vụ và Bộ không có thẩm quyền quyết định nên đã đề xuất hai phương án. Thứ nhất, bỏ trần chi phí đối với khuyến mãi và tiếp thị nhưng vẫn khống chế trần chi cho quảng cáo. Thứ hai, dỡ bỏ tất cả, không khống chế bất cứ trần nào. Các phương án này sẽ được trình Chính phủ cho ý kiến để sau đó trình QH thảo luận thông qua vào kỳ họp tháng 10.2014.
Không đợi đến lúc đó, trao đổi với Thanh Niên ngay tại thời điểm này, nhiều đại biểu QH (ĐBQH) tán đồng với đề xuất của Bộ Tài chính. Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn chia sẻ: “Thực sự đó là một tin rất vui cho cộng đồng DN”. Vui, vì theo ông Ngoạn, Bộ Tài chính đã lắng nghe các DN, qua đó mạnh dạn đưa ra giải pháp tháo gỡ, dù trước đó khi sửa luật Bộ vẫn nhất định bảo lưu quan điểm khống chế trần.
Theo ông Ngoạn, nếu đã bỏ trần thì bỏ hết đối với cả quảng cáo lẫn khuyến mãi, tiếp thị. “Đây là thời điểm thích hợp để bỏ trần tất cả các loại chi phí trên. Tôi biết Bộ Tài chính còn e ngại nếu bỏ trần, DN chi cho quảng cáo nhiều làm chi phí tăng lên, thu nhập giảm đi và ngân sách thất thu. Nhưng không phải vậy, DN họ biết cách điều tiết chi phí kinh doanh sao cho phù hợp với doanh thu để tạo ra lợi nhuận. Khi đó thậm chí thuế sẽ tăng lên theo doanh số và lợi nhuận chứ không thể giảm đi”, ông Ngoạn phân tích.
Đồng quan điểm, ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, bày tỏ: “Nên bỏ, bỏ hết trần lúc này đi”. Ông Lộc cho biết, hiện Thủ tướng đang chỉ đạo phải bằng mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tinh thần đột phá nên tất cả phải thay đổi quan điểm, cách nghĩ cách làm. Theo đó, cần những giải pháp mạnh hơn, đột biến hơn mới hy vọng kéo được DN thoát khỏi khó khăn. “Không thể vì một hiện tượng nào đó mà ngăn cản, cản trở quyền tự do kinh doanh của DN. Chi phí quảng cáo là chi phí bình thường trong sản xuất, kinh doanh nên DN được quyền phân bổ chi phí đó. Miễn sao nó không vi phạm pháp luật, không cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ngay tại kỳ họp tới tôi sẽ đề nghị bỏ mức trần này cho cả quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị”, ông Lộc nói.
ĐBQH Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, cũng cho rằng DN buộc phải chi các khoản này để tồn tại, cạnh tranh, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận. “DN không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận và dẫn đến giảm thuế TNDN phải nộp”, ông Tín nói.
Thế giới đã bỏ từ lâu
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trên thế giới hầu hết các quốc gia đều bỏ mức trần khống chế này. Cụ thể, tại Hàn Quốc luật thuế Korean Taxation 2012 quy định chi quảng cáo, khuyến mãi là chi phí được trừ (không có mức khống chế). Tương tự, Indonesia không khống chế mức khấu trừ, luật của quốc gia này nêu rõ các khoản được trừ như: Chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng điện tử, báo in; chi phí giới thiệu sản phẩm mới… Như vậy, có thể thấy, mức trần nêu trên đang áp dụng không còn phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, cần phải được dỡ bỏ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đặc biệt lưu ý, quảng cáo là hoạt động thiết thân của DN và cần cho cả người tiêu dùng. Kinh phí quảng cáo là chi phí kinh doanh thực tế, được đưa vào giá thành sản phẩm và khi người tiêu dùng chấp nhận mua hàng, tức là đã chấp nhận khoản chi này. Vì vậy, nên để DN được chủ động quyết định khoản chi quảng cáo khi thấy cần thiết. Nhà nước chỉ nên can thiệp vào hoạt động quảng cáo của DN thông qua việc đưa ra các quy định và chế tài nghiêm khắc đề cao sự minh bạch kinh doanh và ngăn cản, trừng phạt những hoạt động quảng cáo sai sự thật và quảng cáo quá mức, gây cạnh tranh không lành mạnh và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bỏ hết mới là hỗ trợ doanh nghiệp thực sự Vừa qua, hàng loạt động thái cải cách về thuế, hải quan mà Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phải sớm sửa đổi rất được lòng DN. Việc đề xuất bỏ quy định khống chế chi phí tiếp thị, khuyến mãi và quảng cáo chúng tôi đã đấu tranh để bỏ lâu nay nhưng rồi được các cấp đưa ra bàn đi tính lại rồi để đó. Nay đề xuất của Bộ Tài chính rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi nghĩ với DN sản xuất kinh doanh, các chi phí khuyến mãi, tiếp thị và quảng cáo đều nằm trong một cái rổ, không nên tách rời ra như thế. Bộ Tài chính nếu đã nhìn nhận vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nên mạnh dạn bỏ luôn khống chế chi phí quảng cáo dưới 15% trên tổng chi phí được trừ mới gọi là tháo gỡ khó khăn cho DN thực sự. DN cần xây dựng thị trường, rất cần chi cho quảng cáo để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm. Ép khung trần quảng cáo này là làm giảm sức cạnh tranh của DN. Ông Trần Hùng Mở hé hé chỉ tạo thêm lý do để lách luật Tôi làm việc với nhiều DN từ châu Á đến châu Mỹ, chưa thấy quốc gia nào có chuyện khống chế chi phí quảng cáo ngoài VN và Trung Quốc. Các nước cho rằng, quảng cáo là việc của mỗi DN và Chính phủ chỉ quan tâm họ thực hiện nghĩa vụ thuế thế nào mà thôi. Hiện tại do khống chế này mà không ít DN ngoại tìm cách lách bằng thuê các công ty quảng cáo ngoại, hợp đồng tại nước ngoài, nhưng thực hiện tại VN. Chẳng hạn, họ sang Thái Lan, Singapore để làm hợp đồng quảng cáo với DN ngoại đó, nhưng thực chất phục vụ cho thị trường VN. Ngân sách các tập đoàn nước ngoài dành cho quảng cáo vô cùng lớn, vô hình trung chúng ta đang để thất thoát nguồn ngoại tệ lớn này. Tôi chắc rằng, nếu mở chính sách này, tức là không khống chế chi phí quảng cáo, nhiều DN làm quảng cáo nội sẽ có khách hàng ngoại và nội lớn. Bởi qua làm việc với các tập đoàn lớn, nhiều DN muốn thoải mái chi quảng cáo và thuê trong nước để giảm chi phí mà hiệu quả cao do họ cho rằng, DN quảng cáo nội hiểu được tâm lý người tiêu dùng tốt hơn DN quảng cáo ngoại. Việc mở khống chế chi phí khuyến mãi, tiếp thị, lại vẫn khống chế chi phí quảng cáo như mở hé hé cửa, chỉ tạo thêm lý do để DN lách luật mà thôi. Ông Robert Trần Ng.Nga (ghi) |
Anh Vũ
Bình luận (0)