Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 3: Tư Mã binh pháp

30/03/2021 08:00 GMT+7

"Tư Mã Binh Pháp" của Tư Mã Nhương Tư, cho đến lúc lâm chung vẫn chưa trọn vẹn nhưng là một trong những bộ binh thư nổi tiếng về phép trị quốc và dụng binh được hậu thế hoàn thiện với tên gọi "Chiến Luật".

Điền Nhương Tư là người đầu tiên lấy chức danh Tư Mã thay cho họ Điền để khai mở ra một dòng tộc với nhiều hậu duệ lừng lẫy trong lịch sử Trung Hoa, văn võ đều đủ cả. Tư Mã Thác, Tư Mã Cận là tướng nhà Tần thời Chiến Quốc. Tư Mã Hân cũng là danh tướng thời Tây Sở. Tư Mã Thương Như là thi nhân văn sĩ thời Tây Hán. Tư Mã Thiên là sử gia vĩ đại cùng thời ấy với bộ chính sử đầu tiên cho Trung Hoa. Không thể không nhắc đến chánh trị quân sự gia đại tài Tư Mã Ý (nước Ngụy thời Tam Quốc) và con cháu ông ta: Tư Mã Chiêu, Tư Mã Viêm (lập nên nhà Tấn).
Dòng họ Tư Mã ra đời nhờ Tướng quân Điền Nhương Tư thời Xuân Thu, khi ấy phò tá Tề Cảnh Công. Vị tướng này đã hồi sinh nước Tề từ cõi chết, công trạng bao trùm sông núi nên được ví như "Khương Công tái thế".
Tổ tiên của các vua Tề là con cháu của Khương Tử Nha, người từng bình định cả thiên hạ cho vua nhà Chu. Chu Vũ Vương tưởng thưởng công lao ấy nên ban cho con cháu Lã Vọng mảnh đất Tề. Nước Tề lớn mạnh vào đầu thời Xuân Thu, đạt cực thịnh dưới thời Vua Tề Hoàn Công và Thừa tướng Quản Trọng. Các nước chư hầu từng phải suy tôn Tề Hoàn Công là minh chủ đứng đầu. Trong thời trị vì của mình, Tề Hoàn Công từng phá Sở, bình Yên, giúp Tấn. Nhưng các hậu duệ của Tề Hoàn Công bắt đầu tranh giành quyền lực, thêm vấn nạn quyền thần thao túng vua nên nước Tề từ đó cũng dần suy yếu đi.
Khi Tề Cảnh Công lên ngôi (trị vì 547 - 490 TCN), triều đình có một viên quan tên là Án Anh (cũng có khi đọc là Yến Anh) tuy dung mạo xấu xí thấp bé nhưng đa mưu túc trí, giỏi du thuyết, hùng biện. Khi thấy Tề suy yếu, hai nước Tấn và Yên cùng nhau xuất binh phạt Tề năm 540 TCN. Tề Cảnh Công đã được Án Anh tiến cử một người chiến tướng là Điền Nhương Tư. Án Anh tâu với Cảnh Công rằng: "Nhương Tư về văn có thể làm cho dân chúng phục Đức, về võ có thể làm cho quân giặc sợ Uy. Xin nhà vua cứ dùng thử xem!".
Tề Cảnh Công cho gọi Nhương Tư vào bàn việc binh, nói chuyện suốt một ngày. Vua hài lòng lắm phong cho Điền Nhương Tư làm Đại Tư Mã, thống lĩnh toàn bộ quân đội nước Tề để ra chống giặc.
Nhương Tư giữ nghiêm phép quân, không ngần ngại trừng phạt dù kẻ sai phạm đó quyền lực đến đâu. Đối với binh sĩ, quan Đại Tư Mã lại thân hành ủy lạo, ai bệnh cho thuốc, ai đói cho ăn, bản thân ông cũng sinh hoạt chan hòa như binh sĩ. Sau ba ngày cầm quân, khí thế quân Tề cực thịnh, tướng sĩ tranh nhau ra trận. Quân Tấn thấy vậy vội thu binh, ít hôm sau quân Yên cũng tự rút lui. Quân Tề không cần đánh mà thắng, uy danh Điền Nhương Tư được khẳng định lẫy lừng không chỉ trong nước Tề. Sau đó, Điền Nhương Tư đổi họ sang chữ Tư Mã, con cháu đời sau theo đó mà mang họ này.
Vài năm sau, Án Anh lâm bệnh nặng rồi mất, Tề Cảnh Công như mất một cánh tay. Các dòng họ quý tộc trong triều đình nhà Tề thấy quyền bính về tay Tư Mã Nhương Tư quá lớn, không những lấn át họ mà còn có lúc át cả quyền hành vua Tề. Thế nên họ gièm pha Tư Mã Nhương Tư với Tề Cảnh Công. Lâu ngày mưa dầm thấm đất, Tề Cảnh Công dần bỏ rơi viên đại tướng của mình.
Là trung thần nhưng bị bạc đãi, lại còn lâm trọng bệnh nên chẳng bao lâu sau Tư Mã Nhương Tư qua đời. Con cháu các chi thứ của ông vì sợ bị thanh trừng nên đã rời khỏi nước Tề và lưu tán khắp Trung Nguyên. Phần đông trong số đó chạy sang Tần, vì đây là nước cách xa Tề nhất và là quốc gia hùng mạnh hàng đầu thời bấy giờ. Họ tập trung tại vùng Hạ Dương, có nhiều người trở thành danh tướng ở đất Tần như Tư Mã Thác, Tư Mã Cận. Nhiều thế hệ sau đều noi theo tấm gương oanh liệt của tổ tiên mà trở thành những nhân vật lừng lẫy trong lịch sử Trung Hoa, tiêu biểu nhất có lẽ là Tư Mã Ý thời Tam quốc (thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên).
Chi chính của họ Tư Mã, vốn là họ Điền, vẫn ở lại nước Tề, hơn 100 năm sau thì soán ngôi vua Tề (dòng dõi Khương Tử Nha), nhưng vẫn giữ quốc hiệu mà không đổi. Sách sử gọi là những vua Điền Tề để phân biệt với Khương Tề trước đây.
Đời binh nghiệp của Tư Mã Nhương Tư sau hào quang của chiến thắng Tấn - Yên chỉ toàn là bi kịch vì đấu tranh chánh trị. Sự ganh ghét hiền tài của các dòng họ quý tộc trong triều và thói nghi kỵ những công thần có "công cao quá chủ" vẫn luôn diễn ra xuyên suốt lịch sử phong kiến Á Đông.
Tuy thân phận bị chôn vùi trong kết cục đắng cay nhưng di sản mà Tư Mã Nhương Tư để lại cho hậu thế thì mãi mãi trường tồn. Vị danh tướng lập thuyết với cuốn "Tư Mã binh pháp", dù trước lúc lâm chung vẫn chưa trọn vẹn nhưng vẫn được xem là một trong những bộ binh thư nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Hơn 100 năm sau, khi hậu duệ của ông trở thành vị vua của nước đầu tiên của Điền Tề (Tề Uy Vương Điền Nhân), người ta lại tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện bộ binh pháp của họ Tư Mã, đặt tên là Chiến Luật. Chiến Luật vẫn còn tồn tại đến ngày nay và là một trong "Võ kinh thất thư" (nghĩa là 7 bộ binh pháp kinh điển) của Trung Hoa.
"Tư Mã binh pháp" thuộc binh pháp số 3 trong 12 binh pháp của cuốn sách "Thập Nhị Binh Thư" được Nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị - Ngoại giao - Quân sự trong "Tủ sách Nền tảng đổi đời".
(Đón đọc kỳ sau: Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 4: Tôn Tử Binh Pháp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.