Thất nghiệp do cách đào tạo nghề

14/01/2015 08:35 GMT+7

Hiện rất nhiều cơ sở có ngành đào tạo như nhau hoặc na ná nhau, trong khi nhu cầu thực tế không cần nhiều, chẳng hạn các ngành: công nghệ thông tin, kế toán, tài chính, ngân hàng...

Hiện rất nhiều cơ sở có ngành đào tạo như nhau hoặc na ná nhau, trong khi nhu cầu thực tế không cần nhiều, chẳng hạn các ngành: công nghệ thông tin, kế toán, tài chính, ngân hàng...

 
Rất nhiều cơ sở có ngành đào tạo như nhau hoặc gần giống nhau
Rất nhiều cơ sở có ngành đào tạo như nhau hoặc gần giống nhau - Ảnh: Ngọc Thắng
Sáng qua 13.1, đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã giám sát việc thực hiện luật Thanh niên tại Hà Nội.
Nhiều ngành không tuyển được thí sinh nào
Đoàn đã làm việc với 3 sở: GD-ĐT, LĐ-TB-XH, VH-TT-DL. Một trong những vấn đề được đoàn giám sát quan tâm là việc dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Cần phải có cơ chế thỏa đáng, tránh tình trạng cử nhân tốt nghiệp ĐH phải quay lại học nghề mới xin được việc làm như hiện nay

Ông Nguyễn Văn Tuyết

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
Đại diện Sở LĐ-TB-XH cho biết: Toàn TP.Hà Nội có khoảng 2,7 triệu thanh niên. Trong đó khoảng 1,6 triệu người trẻ tham gia hoạt động kinh tế tại khu công nghiệp, hơn 600.000 còn lại làm việc tại các làng nghề, nông nghiệp, kinh doanh tự do và một lượng không nhỏ hiện nay chưa tìm được việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2014 là 4,5%. Việc dạy nghề đang tồn tại ở loại hình trường nghề với hai cơ quan quản lý (Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH) dẫn đến nhiều bất cập.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết toàn thành phố đến năm 2014 chỉ có 35.869 học sinh học nghề hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), một con số quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Nhiều trường đang tổ chức đào tạo ở 80 ngành nghề trình độ TCCN, tuy nhiên có nhiều ngành không tuyển được học sinh nào. Con số tuyển sinh cho thấy có nhiều khó khăn trong công tác thu hút học sinh vào hệ thống các trường TCCN.
Nguyên nhân được Sở GD-ĐT chỉ ra là ngoài tình trạng có quá nhiều cơ sở đào tạo TCCN tập trung trong phạm vi hẹp, chủ yếu ở các quận nội thành, thì rất nhiều cơ sở có ngành đào tạo như nhau hoặc gần như nhau, trong khi nhu cầu của người học, của xã hội không cần nhiều đến thế, chẳng hạn các ngành công nghệ thông tin, kế toán, tài chính, ngân hàng...
Phân luồng đang gặp nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng việc phân tán trong quản lý giáo dục nghề nghiệp dẫn tới các chính sách của nhà nước chưa có sự đồng đều và thống nhất giữa hệ thống TCCN và trung cấp nghề. Cụ thể, các trường trung cấp nghề có nhiều lợi thế về cơ sở vật chất, tài chính, học phí... hơn hẳn so với trường TCCN. Điều đó dẫn đến những đối tượng thực sự cần được đào tạo có nghề nghiệp hoặc tham gia quá trình phân luồng sẽ đến với trường trung cấp nghề nhiều hơn.
Từ thực tế này, ông Độ đề xuất cần thống nhất giao cho một đơn vị quản lý hệ thống giáo dục dạy nghề. Chính sự phân tán của hệ thống đã hạn chế sự phát triển, không tập trung được sức mạnh các nguồn lực xã hội, nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng nhân lực. “Kiến nghị của Sở GD-ĐT Hà Nội là giao cho Bộ GD-ĐT quản lý là phù hợp nhất, đảm bảo được sự thống nhất trong đào tạo cũng như sự liên thông giữa các cấp học”, ông Độ nói. Ông cũng đề xuất cần có chính sách đầu tư thỏa đáng với công tác phân luồng; có chính sách sử dụng, tuyển dụng nhân sự tương ứng với yêu cầu công việc để tạo cơ hội việc làm cho học sinh học nghề.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho biết sẽ có ý kiến phản ánh, kiến nghị cụ thể. Ông Tuyết cũng ghi nhận thực trạng phân luồng đang gặp nhiều khó khăn, cần phải có cơ chế thỏa đáng, tránh tình trạng cử nhân tốt nghiệp ĐH phải quay lại học nghề mới xin được việc làm như hiện nay.
 
Cần có biên chế cho cán bộ tư vấn học đường
Đoàn giám sát cũng quan tâm tới việc giáo dục kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản học đường cho thanh niên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết TP.Hà Nội đã biên soạn và đưa vào sử dụng trong nhà trường phổ thông bộ tài liệu giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch; thử nghiệm bộ tài liệu về giáo dục kỹ năng sống do Bộ biên soạn... Tuy nhiên, ông Độ cũng đề xuất, để việc giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý, sức khỏe sinh sản, giới tính... cho học sinh có hiệu quả hơn, cần có hành lang pháp lý để các trường thành lập phòng tư vấn cho học sinh, có biên chế, để mỗi trường có ít nhất một cán bộ tư vấn tâm lý và một cán bộ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.