Thất nghiệp ở ĐBSCL cao nhất cả nước

Đình Tuyển
Đình Tuyển
12/12/2023 20:02 GMT+7

Đây là một trong những vấn đề thách thức lớn nhất của ĐBSCL được nêu ra trong báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 vừa được công bố.

Tụt hậu so với cả nước

Ngày 12.12, tại Cần Thơ, Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023. Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 do VCCI và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright thực hiện trong hơn 1 năm.

Trình bày báo cáo, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, từ các số liệu được thu thập, phân tích, có thể thấy kinh tế ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Đáng chú ý tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của ĐBSCL vẫn cao nhất nước, vì thế thu nhập bình quân của ĐBSCL luôn thấp hơn bình quân cả nước.

ĐBSCL đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế cả nước - Ảnh 1.

ĐBSCL đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước

ĐÌNH TUYỂN

Theo ông Tự Anh, khi dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020, 2021 thì người lao động mới trở về ĐBSCL. Nhưng đến năm 2022 khi hết dịch, người dân lại di chuyển đến các vùng khác tìm kiếm việc làm. Đó là quy luật khách quan, lao động sẽ về đâu có nhiều cơ hội nhất, có điều kiện phát triển nhiều nhất. 

"Đây là điều đáng suy nghĩ đối với các nhà làm chính sách. Chúng ta chấp nhận phải có lượng di dân, nhưng ngay khi di dân rồi thì với lực lượng lao động còn lại vẫn thất nghiệp cao, vẫn thiếu việc làm. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang thiếu cơ hội nội sinh của nền kinh tế ĐBSCL", ông Tự Anh phân tích.

ĐBSCL đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế cả nước - Ảnh 2.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, trưởng nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo

ĐÌNH TUYỂN

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một khu vực vốn giàu tiềm năng như ĐBSCL nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Cụ thể hai thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Mức độ tụt hậu của ĐBSCL so với TP.HCM còn nghiêm trọng hơn. Nếu như vào năm 2000, GRDP của TP.HCM chỉ nhỉnh hơn vùng ĐBSCL một chút, thì đến nay, GRDP của ĐBSCL chỉ xấp xỉ ¾ so với TP.HCM. Điều này cho thấy ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ có nguy cơ đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng này ra bên lề trên hành trình phát triển của đất nước.

ĐBSCL đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế cả nước - Ảnh 3.

Tăng trưởng và đầu tư ở ĐBSCL suy giảm vào năm 2023

VCCI

Quá trình nghiên cứu cũng đã cho thấy, 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL, bao gồm: điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư - kinh doanh; và cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng. Các nguyên nhân trực tiếp này lại là kết quả của nhiều thể chế, chính sách, và các quá trình kinh tế đan xen được tạo thành từ những nguyên nhân thể chế có tính nền tảng. Do vậy các nút thắt thể chế đang làm cản trở phát triển kinh tế ĐBSCL trong hiện tại và nếu không được điều chỉnh, cả trong dài hạn thì vùng sẽ khó phát triển nhanh và bền vững.

Bài toán thể chế, quản trị và liên kết vùng

Từ những nghiên cứu, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 cũng xác định thể chế, quản trị, và liên kết vùng là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP.HCM, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, một thể chế tốt và cơ chế quản trị hiệu quả, sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện các cơ hội để phát triển kinh doanh, đầu tư.

Báo cáo này cũng nêu, cơ chế hợp tác chính thức giữa các địa phương ĐBSCL trong vùng hiện đang rất cần được hình thành để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực vốn có. Trước đây, nhiều mô hình quản trị và liên kết vùng được thiết lập nhưng hầu như chưa đạt được kết quả như mong đợi. Điều này dẫn đến sự phân tách hay trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương để giành lấy lợi ích và thành tích phát triển. 

Trong khi đó, các mô hình hợp tác đã vận hành như cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà, hợp tác theo chuỗi giá trị… chỉ đạt được kết quả nhất định, không theo kịp phát triển của kinh tế, xã hội. Những cơ chế quản trị mang tính nền tảng khác như đất đai, nguồn nước, năng lượng, môi trường thích ứng biến đổi khí hậu… đang thiếu một cơ chế quản lý cấp vùng để khai thác, điều tiết sử dụng một cách hiệu quả. Phân bổ sử dụng đất còn bị ràng buộc đã làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, sự chồng chéo trong quản trị nguồn tài nguyên nước đang làm cho thách thức càng trở nên nghiêm trọng hơn. 

Các chuỗi nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế, yếu kém ở một số khâu, liên kết hợp tác lỏng lẻo dẫn đến khai thác lợi thế, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Hợp tác giữa các hộ sản xuất nhỏ chưa tìm ra mô hình nào mới ngoài các hợp tác xã hiện hữu, dù đang tương đối hiệu quả nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức về tiếp cận vốn, đất đai, quản lý, khai thác…

ĐBSCL đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế cả nước - Ảnh 4.

Tham dự buổi công bố có đại diện các cơ quan thuộc bộ ngành Trung ương, lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL; tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp

ĐÌNH TUYỂN

Tại buổi công bố báo cáo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, đang rất cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương; đồng thời, vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh/thành để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt. 

"Thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với ĐBSCL. Đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới", ông Công nói.

Chiều cùng ngày, VCCI cũng đã tổ chức Diễn đàn Chính sách " Phát triển Kinh tế ĐBSCL nhìn từ liên kết vùng và hợp tác giữa các địa phương" nhằm đánh giá về cơ chế triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL và quản trị tài nguyên trước biến đổi khí hậu, đồng thời đánh giá liên kết vùng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế để các địa phương nhận diện chính sách phát triển và doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh mới cho phù hợp với bối cảnh thay đổi tại ĐBSCL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.