Hẳn phải có nguyên nhân xuyên suốt?
Một lần nữa, giới hâm mộ Tottenham lại phải thất vọng về sự thể hiện của Tanguy Ndombele trong mùa bóng này. Nhưng bây giờ, chẳng còn gì lạ. Ndombele đã gây thất vọng ngay từ ngày đầu đặt chân đến Tottenham với giá chuyển nhượng kỷ lục ở đội bóng này (55 triệu bảng). Có ngạc nhiên chăng, chỉ là ở chỗ: Tottenham thay HLV xoành xoạch trong thời gian gần đây, nhưng Ndombele thất bại dưới tay mọi nhà cầm quân. Khi Mauricio Pochettino, Jose Mourinho, Ryan Mason, Nuno Espirito Santo, Antonio Conte đều không khai thác được tài năng của Ndombele, thì dĩ nhiên phải suy luận theo chiều hướng ngược lại: Thật ra Ndombele chẳng có thực tài?
Lukaku là bản hợp đồng gây thất vọng của Chelsea mùa này |
AFP |
Paul Pogba chỉ nổi đình nổi đám ở M.U trong giai đoạn đầu mùa, với 7 đường chuyền thành bàn chỉ trong 4 trận đầu tiên. Rút cuộc, anh chẳng ghi bàn, cũng không kiến tạo bàn nào, suốt 4 tháng nay. Thẻ vàng và thẻ đỏ xuất hiện liên tục. Rồi Pogba “biến mất”, với sự ngờ vực: Chưa chắc anh đang vắng mặt vì chấn thương như thông tin mà M.U đưa ra. Trong những mùa trước, Pogba cũng đã nhiều lần “phá team”, lãnh phạt đền một cách vô tội vạ. Cũng có lúc Pogba tỏ ra xuất sắc, nhưng rất hiếm, hoàn toàn không tương xứng với giá chuyển nhượng từng là kỷ lục thế giới.
Tại Arsenal, bản hợp đồng kỷ lục mang tên Nicolas Pepe (72 triệu bảng) giờ đã chìm trong quên lãng. Ở Chelsea, Romelu Lukaku với giá chuyển nhượng
97,5 triệu bảng từng gây thất vọng nặng nề, chỉ có vẻ hơi gượng dậy sau khi bị HLV Thomas Tuchel chấn chỉnh. Nhưng còn khá xa để Lukaku hy vọng chứng tỏ anh xứng đáng “đồng tiền bát gạo”. Ngay cả Jack Grealish, với kỷ lục chuyển nhượng 100 triệu bảng ở Man.City, cũng không tỏa sáng như sự chờ đợi.
Đó là những cầu thủ có giá chuyển nhượng kỷ lục theo đúng nghĩa đen (ở CLB của họ). Cầu thủ đắt giá một cách chung chung thì còn nhiều nữa. Harry Maguire (M.U, 80 triệu bảng), Ben White (Arsenal, 50 triệu bảng) cũng đều đã gây thất vọng. Trước Lukaku thì hợp đồng kỷ lục ở Chelsea thuộc về Kai Havertz, trong khi Kepa là thủ môn đắt nhất thế giới khi chuyển đến Stamford Bridge. Họ đều thất bại, khiến HLV Frank Lampard mất ghế.
Khi nói các ngôi sao vừa nêu thất bại, thì xin hiểu rằng đó là thất bại so với giá chuyển nhượng rất cao của họ. Và đây cũng là chi tiết đầu tiên có thể lý giải thất bại: Thật ra tài năng của họ chỉ vào loại khá, nhưng giá chuyển nhượng lại được thổi lên quá cao. Leicester hét giá Maguire đến 80 triệu bảng, khiến Man.City phì cười, rút lui. Maguire đến M.U vì đội này đang quá cần người, lại dư tiền. Ai cũng có lúc sai lầm. Nhưng khi nhìn vào sai lầm của Maguire trên sân, người ta chế nhạo rằng anh “tấu hài”, bởi một ngôi sao 80 triệu bảng không được phép… dở như Maguire! Giá chuyển nhượng và cách chuyển nhượng Pogba là do siêu cò Mino Raiola thao túng. Havertz và White đều do báo chí ca ngợi quá đáng, chứ thực tài chẳng có gì đặc biệt. Lukaku cũng vậy. Anh bất quá chỉ thành công dưới tay HLV xuất sắc Antonio Conte, ở Inter, trong loại hình bóng đá nặng về phòng thủ của Serie A. Chứ Lukaku đã nổi tiếng về thói quen gây thất vọng ở Premier League, từng mang tiếng “kiến tạo giúp đối phương” không chỉ 1 mà những 2 bàn, trong trận derby Manchester năm nào.
Tài năng vốn đã hạn chế, họ lại còn phải chịu đựng áp lực nặng nề từ cái giá chuyển nhượng cao của chính mình, nên rất khó thành công. Virgil Van Dijk (Liverpool) là trường hợp hiếm hoi ở thái cực ngược lại. Không chỉ tỏa sáng, Van Dijk còn được xem là nguyên nhân chính giúp Liverpool vô địch từ Champions League đến Premier League. Đây là cái hay của HLV Jurgen Klopp: Ông chỉ theo đuổi và chờ mua được Van Dijk thì thôi, chứ không mua ngôi sao khác khi Southampton chưa chịu bán Van Dijk. Đó cũng là một bài học chuyển nhượng: Giới cầm quân phải lựa cầu thủ thích hợp với lối chơi của mình, đừng quá quan tâm giá chuyển nhượng hoặc danh tiếng… trên mặt báo.
Bình luận (0)