Thấu cảm

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
24/06/2018 09:09 GMT+7

1 Có một triển lãm ở Anh mang tên “Một dặm trong đôi giày của tôi”.

Khách đến chọn một đôi giày của một người lạ: một người tị nạn, một cảnh sát, một gái mại dâm, một tù nhân, một ông lão đang yêu ở tuổi 80… và vừa đi dạo vừa lắng nghe câu chuyện đời họ qua tai nghe. Mục đích của triển lãm là giúp người xem thấu hiểu người khác để xây dựng lòng khoan dung và phá vỡ định kiến.
Bảo tàng tổ chức triển lãm nói trên có tên là Empathy Museum (Bảo tàng Thấu cảm), do triết gia Roman Krznaric lập ra. Ông là người đã mất lòng tin vào việc có thể thay đổi xã hội bằng các đảng phái, chính sách và luật lệ. Ông nói: “Sự thấu cảm có một quyền lực đáng ngạc nhiên để cải cách xã hội. Chúng ta cần mang sự thấu cảm ra khỏi tâm lý học để áp dụng vào không chỉ những quan hệ thông thường trong đời sống mà còn vào cả văn hóa”.
Tôi đã đi Anh nhưng mà đi theo công vụ, do vậy chưa có dịp đến Bảo tàng Thấu cảm, chỉ nghe qua lời kể của người nhà tôi khi anh này có thời gian học bên đó. Và tôi ám ảnh hoài hai từ “thấu cảm”.
2 Nghĩ, một cá nhân muốn phát triển bền vững phải có triết lý sống, một gia đình muốn hạnh phúc dài lâu phải có gia đạo, một tổ chức hay một quốc gia cũng không thể có cái hồn để phát triển nếu tổ chức hay quốc gia đó không được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo có tầm vóc văn hóa.
Có văn hóa mới biết thấu cảm.
Có tầm vóc văn hóa là nói về những người trí thức. Trí thức thật sự bất luận họ có bằng cấp hay không.
Trí thức là người hiểu biết, có trình độ văn hóa cao, có kiến thức chuyên môn và không bị ràng buộc, tránh xa những lợi ích phát sinh từ quan hệ với lãnh đạo chính trị hoặc từ sự thay đổi của các chính sách. Một tố chất nữa của trí thức là có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và cả trong các vấn đề xã hội.
Trí thức phát hiện ra quyền lực của sự thấu cảm là vì trong con người họ đã kết tinh nhiều tầng văn hóa, nói một cách nôm na, họ là người “có văn hóa” (chứ không phải có học hành). Và bất kỳ đất nước nào được dẫn dắt bởi những lãnh đạo có văn hóa hẳn đất nước đó, dân tộc đó sẽ hạnh phúc. Vì họ biết thấu cảm.
Trong khi sự thấu cảm đã được thực hành bằng văn hóa và trở thành một triết thuyết nhằm thay đổi xã hội ở Anh, một khái niệm chính trị ở Pháp, trong khi các nước giàu nhất thế giới đã đưa thấu cảm - khoan dung vào lý thuyết phát triển nền kinh tế sáng tạo từ vài chục năm trước thì các giáo sư của chúng ta vẫn còn loay hoay tranh cãi vì một từ “lạ tai” trong đề thi trung học phổ thông, còn loay hoay với phương pháp giảng dạy...
Có vẻ như thấu cảm là một việc xa vời.
3 Mấy năm trước, nhà báo Tiến Trình trong loạt ký sự về những vùng đất anh từng qua đăng trên Thanh Niên đã đưa ra một nhận xét khá thú vị: “Khi đặt chân tới một địa phương, thay vì những pho tượng súng ống, giết chóc mà người ta chẳng biết nhân vật đó là ai, nhiều địa phương của Campuchia chọn cách làm những tượng đài rất mộc mạc và bản sắc. Một loài hoa, một trái cây, một giống vật nuôi… nhìn, người ta biết ngay nơi đó có gì nổi tiếng, cảm giác thú vị, yên bình và thân thiện, cũng là một cách tri ân nhưng không mang lòng hận thù. Đâu ai nói lịch sử Campuchia không có chiến tranh, không có đau thương mất mát, không có những trang sử bi hùng...”
Câu chuyện của Tiến Trình làm nhiều người, trong đó có tôi phải suy nghĩ. Đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng chưa lâu, vì sao tầm suy nghĩ của họ đạt đến sự thấu cảm?
Tôi nói họ đạt đến sự thấu cảm là vì, họ biết con người cần phải sống như thế nào và cần cái gì để sống.
4 Cuộc sống ồn ào của những nút bấm, là like, là mặt cười, mặt giận... Ai đó quăng lên một status lập tức nhận được vô vàn phản hồi. Nhanh như thế, đâu có thời gian để suy nghĩ mà thấu cảm?
Có câu “tay nhanh hơn não” là thế.
Có ai đọc kỹ, dừng lại một lúc để tự hỏi, vì sao như thế? Trả lời được câu hỏi đó là đã có sự thấu cảm.
Chính khách nổi tiếng Đài Loan Tôn Vận Tuyền viết cho con mình:
“Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp này chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có), dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu”.
Suy rộng ra, con người cùng thời sống với nhau cũng là duyên phận, vậy thì nên trân quý duyên phận đó. Sao chúng ta không thể cùng nhau thấu cảm để sống với nhau vui vẻ và hạnh phúc? Sao phải đạp lên nhau mới được?
Hãy nghĩ mà xem, dù trên mạng xã hội, nhưng có một người thấu cảm với mình, mình cũng đã thấy rất hạnh phúc rồi.
Người mang lại hạnh phúc cho mình là người có ý nghĩa nhất đối với mình, vì, dễ gì có được phút giây hạnh phúc, vậy mà họ đã làm được điều đó.
5 Cám ơn ông già Tôn Vận Tuyền, tôi đang rất trân quý thời gian sống với nhau.
Kể cho ông nghe chuyện riêng tư một chút, nhà tôi đã đi xa, cô ấy đang nằm ở Bến Xuân. Mỗi sáng trà tôi vẫn rót hai ly, nhà Bến Xuân vẫn có hai đôi dép, cái mũ tôi đội và cái nón nhà tôi vẫn treo cạnh nhau.
Ông đã nói đúng nhưng chưa đủ.
Kiếp sau tôi và nhà tôi vẫn ở bên nhau, ở Bến Xuân này, sao lại không gặp cơ chứ?
Đó là triết lý sống của tôi, nó xuất phát từ sự thấu cảm. Vì sao ư? Vì cô ấy là thế giới của tôi. Cô ấy đi xa nhưng thế giới cô ấy tạo ra vẫn còn tồn tại.
Tôi không đủ khả năng làm một Empathy Museum như Roman Krznaric, nhưng mai ngày, con cháu tôi đến Bến Xuân, nó sẽ biết được người trước đã sống như thế nào.
Vì thế đừng ai đụng vào nó, trừ người thấu cảm.
Là chọc ông già Tuyền thế thôi, tôi thấu cảm lời ông, rằng, chúng ta phải trân quý cuộc sống của mình, bất kỳ hình thức nào. Và hình thức cao nhất là... thấu cảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.