Thay đổi nhận thức về blockchain tại Việt Nam

18/05/2022 15:55 GMT+7

Lĩnh vực blockchain thường bị nhìn nhận là chỉ có tài chính, tiền mã hóa, kiến thức quá phức tạp. Việc ra mắt một tổ chức tập hợp nguồn lực blockchain tại Việt Nam sẽ góp phần phổ biến kiến thức, thúc đẩy hành lang pháp lý.

Ngày 17.5, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) chính thức ra mắt và tiến hành đại hội, đánh dấu một bước chuyển mới trong việc thúc đẩy hành lang pháp lý, thay đổi nhận thức về blockchain tại Việt Nam.

Blockchain thúc đẩy nền kỹ thuật số - kinh tế số

Theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội được phân công chủ trì, theo dõi 20 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát và nghiên cứu, xây dựng mới trong nhiệm kỳ Quốc hội 2021-2026. Trong đó, riêng đối với các nhiệm vụ lập pháp liên quan đến lĩnh vực công nghệ số có đến 7 dự án luật.

Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Quốc hội, cũng như Chính phủ đối với việc thúc đẩy công nghệ, thông tin trong bối cảnh bùng nổ của CMCN lần thứ 4, hướng tới xây dựng kỷ nguyên số trong đó tập trung Quốc hội số, Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

Ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội

Đến tham dự và chúc mừng ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội chia sẻ: “Tôi đặt kỳ vọng vào các nhiệm vụ trọng tâm mà Hiệp hội Blockchain Việt Nam cần đạt được trong vai trò chung tay thúc đẩy ứng dụng công nghệ số cùng các cơ quan ban ngành, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ với UB KH, CN&MT của Quốc hội trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật góp phần thúc đẩy, thực hiện tốt tiến trình kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới đây”.

Xây dựng khung pháp lý cho ngành công nghệ mới

Ông Hoàng Văn Huây - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ: Hiệp hội Blockchain Việt Nam cam kết góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tham mưu tư vấn xây dựng các hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain.

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong số top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 5-7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. Với tiềm năng to lớn của công nghệ blockchain, số doanh nghiệp, nhà khoa học, các kỹ sư theo đuổi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu kết nối, chia sẻ và hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Decom Holdings, Phó Chủ tịch Thường trực hiệp hội cho rằng, nếu nhận thức về blockchain chỉ giới hạn trong tài chính, có thể nhìn nhận sai và cho rằng lĩnh vực này chống lại các sản phẩm tài chính truyền thống, như đã thể hiện trong nhiều ứng dụng như vay P2P, tokenize chứng khoán hay bất động sản.

Blockchain phải trở thành hoạt động nghiên cứu, phổ cập, không phải là kiến thức quá cao sang, rào cản, phức tạp, mà phải là sản phẩm có ứng dụng. Cần đạt được những tiêu chuẩn, thông lệ hòa nhập với tiêu chuẩn quốc tế.

“Các cơ quan quản lý như Ngân hàng nhà nước, Ủy ban chứng khoán có thể tham khảo để có lộ trình tiếp nhận các sản phẩm của ứng dụng blockchain”, ông Trung cho biết.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy chuỗi khối trong doanh nghiệp vừa giúp đem lại công nghệ an toàn hơn so với chuỗi khối công khai, vừa có thể ứng dụng blockchain cho nhiều lĩnh vực như metaverse, Web3, thậm chí là thiết kế vắc xin. Tham gia công nghệ blockchain sẽ góp phần định hướng rất tốt về tài sản số cũng như tài sản số theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ

Tại buổi lễ, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp với hiệp hội trong các hoạt động của hiệp hội; Rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý của ngành KH&CN để tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng sẽ xem xét, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain.

Hiện Bộ KH&CN đang triển khai chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25, trong đó blockchain là một trong những công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 được chương trình này ưu tiên.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự du nhập và phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain. Khi số doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và kỹ sư theo đuổi công nghệ blockchain ngày càng tăng cao, nhu cầu kết nối, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ cũng ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, một tổ chức chính thức có đầy đủ pháp nhân để đáp ứng tốc độ mở rộng và mục tiêu phát triển vững mạnh của cộng đồng blockchain Việt Nam là hết sức cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.