Thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc

16/08/2022 06:25 GMT+7

Hàng nghìn khán giả đội mưa để nghe những nhóm nhạc quốc tế The Moffatts , 911, A1, Blue biểu diễn tại Hay Glamping Music Festival, vừa diễn ra đầu tháng 8 tại Hà Nội .

Hay Glamping Music Festival diễn ra trong khuôn viên của công viên Yên Sở, kéo dài từ trưa đến đêm muộn.

Nhóm nhạc Blue biểu diễn tại Hay Glamping Music Festival

BTC

Âm nhạc và sự kết nối

Giữa không gian xanh mát của công viên, khán giả tại Hay Glamping Music Festival vừa có thể cắm trại vừa ăn uống, nghỉ ngơi, chờ đợi những ca sĩ, tiết mục yêu thích, cùng với bạn bè hay những người xung quanh dập dìu theo những điệu nhảy, cùng hát theo những ca khúc quen thuộc… Một “khán phòng” âm nhạc mở về thời gian và không gian dành cho khán giả. “Có thể phân biệt Hay Glamping Music Festival với hầu hết những lễ hội âm nhạc (LHAN) khác ở VN là gồm cả hoạt động cắm trại. Mặc dù, đây là mô hình không mới với nhiều nước như Úc hay Hà Lan… Hoạt động cắm trại kết hợp với LHAN tưởng không liên quan gì đến nhau nhưng thực tế lại mang đến nhiều trải nghiệm mới cho người tham gia, giúp họ có nhiều cảm xúc hơn khi được hòa mình với không gian thiên nhiên, kết nối với bạn bè, những người xung quanh”, ông Hoàng Linh, Trưởng ban tổ chức Hay Glamping Music Festival, bày tỏ.

Sau lần thứ 1 tổ chức năm 2019, LHAN quốc tế TP.HCM - Hò dô 2022 đang được Sở VH-TT TP.HCM xây dựng kế hoạch tổ chức, dự kiến sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 12 tới, với nhiều nội dung và hình thức mới mẻ. Đại diện lãnh đạo Sở cho biết, ban tổ chức đặt ra mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc tế cho lễ hội này.

Cách đây 8 năm, lần đầu tiên LHAN quốc tế Gió mùa Monsoon được tổ chức, kéo dài trong 3 ngày với những nghệ sĩ đến từ Đan Mạch, Anh, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, VN. Trong suốt nhiều năm, khán giả không chỉ tiếp cận với những thứ âm nhạc mới mà cả cách nghe nhạc theo kiểu mới không “gò bó”. Những nhóm bạn, hay có thể là những thành viên trong gia đình, bố mẹ và con cái… cùng đến lễ hội ngồi dài trên bãi cỏ, cùng nghe nhạc, cùng chuyện trò, cùng nhau nhún nhảy, cùng tận hưởng cuộc sống với âm nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên VN có một LHAN quốc tế được tổ chức chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Ít ai biết, để duy trì một Monsoon đều đặn hằng năm trong suốt nhiều năm liên tiếp, nhạc sĩ Quốc Trung đã phải bỏ tiền túi lên đến con số hàng tỉ đồng. Nhạc sĩ Quốc Trung cho hay, ở một nền công nghiệp âm nhạc, LHAN phải bán được vé để tự nuôi mình và để phát triển. Tuy nhiên, khi VN chưa có nền âm nhạc đúng nghĩa, mục đích ban đầu của Monsoon đặt ra không phải để bán vé mà để thay đổi nhận thức, thói quen thưởng thức âm nhạc của công chúng. Một trong những điều nhạc sĩ Quốc Trung muốn thay đổi là, tại lễ hội, công chúng đến để xem nghệ sĩ mang đến những gì mà nghệ sĩ thấy là hay nhất, mới nhất, thích nhất, thay cho việc công chúng chỉ đến để xem cái mà họ muốn được xem nhất. Bên cạnh đó, cách mà nhạc sĩ Quốc Trung làm là tìm những ban, nhóm, nghệ sĩ tài năng, phù hợp với đời sống thẩm mỹ của khán giả Việt, trong đó có nhiều ban nhóm nhạc, nghệ sĩ trẻ, indie của VN và thế giới, không chơi thứ âm nhạc mang tính “phổ thông”. Monsoon đã trở thành bệ phóng cho nhiều nghệ sĩ trẻ, trong đó không ít nghệ sĩ trẻ thế giới trở nên nổi tiếng và đắt show ở nhiều nước trên thế giới.

Khán giả tại Hay Glamping Music Festival

Sẵn sàng chi tiền để thưởng thức âm nhạc

Có thể thấy hiện nay, các LHAN đã, đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành thường theo 2 dạng quy mô tổ chức. Một là LHAN được tổ chức bởi các tập đoàn/nhãn hàng lớn (đây là mô hình sự kiện âm nhạc phổ biến trước khi có dịch Covid-19), kết hợp với việc quảng bá sản phẩm/thương hiệu, hoặc giới thiệu các dịch vụ mới. Các chương trình này sẽ thu hút được khán giả đông đảo vì đa phần là chương trình miễn phí, nhiều nghệ sĩ tên tuổi, thương hiệu chương trình cũng được quảng bá rầm rộ nhờ vào nguồn kinh phí của đơn vị tổ chức nhằm tối ưu hóa các kênh truyền thông. Như các nhà tổ chức nhận định, sau 2 năm dịch Covid-19, đối với các nhãn hàng, việc tổ chức LHAN là một mô hình sự kiện sẽ được họ đầu tư nhiều chi phí, để hướng đến việc người tiêu dùng - khán giả sau một thời gian dài không được tận hưởng các sự kiện âm nhạc lễ hội ngoài trời.

Mô hình thứ hai là LHAN có bán vé, do các công ty giải trí hoặc công ty sản xuất chương trình tổ chức. Hình thức này hiện nở rộ, một phần cộng hưởng với việc khán giả đã sẵn sàng với việc trả tiền để thưởng thức âm nhạc, cộng thêm việc trải nghiệm sân khấu ngoài trời với nhiều hình thức trình diễn khác nhau. Trong đó, Xin chao Live Music (của Top Live Show) có thể xem là chương trình khơi mào cho mô hình này với đêm Xin chao Đà Lạt diễn ra vào 1.5 với nhiều nghệ sĩ indie được Gen Z yêu thích.

Đạo diễn Vân Trình, nhà sản xuất Top Live Show, cho rằng việc các LHAN khác nhau được tổ chức, gần đây có thêm nghệ sĩ nước ngoài, chính là minh chứng cho sự sôi động của thị trường âm nhạc biểu diễn. Đồng thời, việc có nhiều LHAN góp phần thúc đẩy nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày một đa dạng hơn, từ đó, thúc đẩy sự đi lên của thị trường biểu diễn sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đạo diễn Vân Trình, nhu cầu thưởng thức âm nhạc - giải trí của khán giả ở thời điểm nào cũng đều mong muốn tận hưởng không khí - không gian của sự kiện âm nhạc mang lại dù lớn hay nhỏ. Nhưng khác biệt rõ ràng nhất, có thể nói chính là sự nổi trội của thế hệ khán giả trẻ đối với hình thức trả tiền để thưởng thức âm nhạc. Có thể nói, đây chính là điểm sáng và khác biệt so với giai đoạn trước khi có dịch.

“Một bộ phận không nhỏ khán giả trẻ sẵn sàng chi trả để thưởng thức các đêm nhạc góp phần làm cho các nhà tổ chức thấy được tín hiệu tốt từ phân khúc khán giả này. Và đây chính là điểm khác biệt, dựa vào đó, nếu nhà sản xuất có thể mang lại một chương trình chất lượng, quy mô, tổ chức chuyên nghiệp với dàn nghệ sĩ đủ thu hút thì hoàn toàn có thể tự tin với việc bán vé tại các LHAN. Đó chính là những bước đệm thúc đẩy cho sự đi lên của ngành tổ chức biểu diễn”, đạo diễn Vân Trình nói.

Anh cũng chia sẻ thêm, vì nghĩ đến câu chuyện dùng sự kiện âm nhạc - văn hóa - giải trí trở thành một sản phẩm thu hút người dân và du khách, nên anh và ê kíp mang Xin chao Live Music giới thiệu với rất nhiều sở văn hóa và du lịch tại các TP du lịch để phối hợp, cùng tạo ra một chương trình nhằm góp phần kích cầu du lịch sau dịch Covid-19. Theo anh, cách thông dụng nhất hiện giờ là các đơn vị tổ chức sẽ tự sản xuất, hoạch định bài toán tài chính và phối hợp với địa phương về mặt địa điểm hay cơ sở hạ tầng để tổ chức. Nếu chương trình thuận lợi, thành công thì có thể tổ chức tiếp và dần dần tạo thành một thương hiệu, khi đó mới có thể nói là mô hình thành công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.