Với chất liệu đặc biệt, đốt sống nhân tạo hiện đã có thể thay thế
cho đốt sống của cơ thể khi bị hư hỏng, mất hoàn toàn chức năng.
Có thể dùng đốt sống nhân tạo để thay thế những đốt sống đã hư hỏng - Ảnh: Shutterstock |
Đốt sống bị khối u phá hủy
Khoảng 9 tháng trước khi nhập viện, anh C.T.L (28 tuổi, quê Vĩnh Phúc) thấy đau mỏi phần lưng. Tình trạng này ngày càng nặng nề nên anh đã đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Anh L. được phát hiện khối u ở đốt sống, có chỉ định phẫu thuật nhưng xin về. Nghe bà con hàng xóm mách, anh L. mua thuốc nam về đắp. Sau thời gian tự “điều trị”, cơn đau nặng hơn, anh L. phải ngồi xe lăn nên được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tại đây bệnh nhân được các bác sĩ xác định khối u đã lan rộng, phẫu thuật khó khăn nhưng vẫn còn khả năng cứu chữa.
TS-BS Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết khối u xuất phát từ thân đốt sống, xâm lấn chèn ép vào thần kinh, ổ bụng. Khi lấy khối u có nguy cơ chảy máu ồ ạt do khối u đã chèn vào các động, tĩnh mạch chủ. Để khắc phục nguy cơ này, trước phẫu thuật, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tiến hành nút mạch, ngăn máu đưa đến khối u. Sau 6 giờ phẫu thuật, khối u đã được bóc tách hoàn toàn khỏi cơ thể bệnh nhân.
Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), khối u đã xâm lấn “ăn” gần hết đốt sống khiến cột sống có thể gãy, gây liệt, tàn phế thậm chí tử vong. Do đó, cùng với việc lấy toàn bộ khối u thân đốt sống, bệnh nhân L. đã được các bác sĩ ghép đốt sống nhân tạo. Gần hai tuần sau mổ, bệnh nhân L. thông báo: “Tôi đã bình phục, đi lại bình thường và không còn đau đớn”.
Có thể thay nhiều đốt sống
TS-BS Hoàng Gia Du cho biết đốt sống nhân tạo được thay thế khi đốt sống của cơ thể bị mất chức năng. Có thể thay đốt sống thắt lưng, đốt sống cổ, đốt sống ngực. Và thực tế đã có bệnh nhân được thay từ 2 - 4 đốt sống. “Sau khi thay thế, chức năng cột sống được khôi phục, bảo toàn, mọi sinh hoạt trở về bình thường. Với phụ nữ, đốt sống nhân tạo hoàn toàn cho phép họ mang thai, sinh nở bình thường, không hề ảnh hưởng bởi “tải trọng” của thai nhi”, TS-BS Hoàng Gia Du khẳng định.
Theo bác sĩ, đốt sống nhân tạo được làm từ chất liệu đặc biệt, đảm bảo thích ứng với cơ thể về mặt sinh học và chức năng, cho phép tồn tại lâu dài trong cơ thể. “Đốt sống nằm ở trung tâm cơ thể, trụ cột của cơ thể. Trong ống sống là các dây thần kinh, nếu gây tổn thương khi phẫu thuật có thể liệt. Còn phía trước ống sống là các tạng quan trọng như gan, thận và có hệ thống động mạch chủ bụng. Động mạch này đưa máu đi nuôi cơ thể, đến tận các tế bào. Nếu bị tổn thương sẽ gây mất máu ồ ạt, có thể tử vong nếu không xử trí kịp”, TS-BS Du chia sẻ thêm.
“Phẫu thuật tạo hình thay đốt sống nhân tạo đòi hỏi kinh nghiệm, sự chính xác rất cao của kỹ thuật viên cũng như hỗ trợ kịp thời của các chuyên khoa khác khi cần thiết. Để được điều trị đúng, an toàn, bệnh nhân khi có bất thường về cột sống cần đến khám, điều trị tại các cơ sở chuyên khoa để giảm nguy cơ bị biến chứng gây tàn phế, tử vong”, TS Dương Đức Hùng lưu ý.
Bình luận (0)