Thấy gì qua những kỷ lục Việt Nam?

25/03/2007 22:16 GMT+7

Tối qua chủ nhật 25.3.2007, hơn 300 kỷ lục gia và hàng nghìn du khách đã có mặt tại cuộc Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần 7 tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen TP.HCM.

>> Kỷ lục Việt Nam được xác lập theo những tiêu chí nào?

Trong 373 kỷ lục chính thức được xác lập trong hơn 2 năm qua thì những kỷ lục nào thể hiện nội dung văn hóa và tính dân tộc của Việt Nam? Chúng tôi đặt câu hỏi với các biên tập viên của sách kỷ lục Việt Nam như anh Lê Trung Tín, chị Thanh Thắm, và nhận được câu trả lời khá dài.  Anh Tín nói: "Ở khắp miền đất nước đều có những kỷ lục đã và đang được ghi nhận liên quan đến đời sống văn hóa và truyền thống Việt Nam, ví dụ như...". Anh đưa ra một loạt "ví dụ" mà trong khuôn khổ có hạn của bài báo, chúng tôi không thể chuyển tải hết được. Vậy chỉ xin nêu lên vài  kỷ lục  để  thấy được sự phong phú và đa dạng của những kỷ lục Việt Nam.


Nghệ nhân kim hoàn Nguyễn Quang Kiệt
Như ở Hà Tây có ngôi chùa lưu giữ nhiều pho tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. Ở Phú Thọ là nơi phát hiện và khai quật nhiều trống đồng nhất và cũng là nơi có những nhà máy giấy lớn nhất. Ở Nam Định có pho tượng Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất, có đại hồng chung lớn nhất. Ở Ninh Bình có khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên. Ở Quảng Ninh, có người tạc chân dung danh họa Picasso bằng than đá nhiều nhất. Ở Thừa Thiên-Huế có chiếc tháp bát giác cổ nhất của chùa Thiên Mụ, có di tích kinh thành Huế còn nguyên vẹn nhất Việt Nam. Ở thành phố Đà Nẵng có hầm đường bộ dài và hiện đại nhất, có người sưu tập mẫu máy bay dân dụng nhiều nhất. Ở Phú Yên có chiếc bình và chiếc đèn bàn bằng gáo dừa lớn nhất. Ở Khánh Hòa có ngôi tháp Bảo Tích cao nhất. Ở Bình Thuận có bộ xương cá voi lớn nhất, có bộ sưu tập bướm nhiều nhất. Ở Đà Lạt có lễ hội văn hóa trà đầu tiên, là nơi trồng hoa nhiều nhất, nơi có nhiều biệt thự với phong cách kiến trúc đa dạng nhất, có thương hiệu rượu vang nổi tiếng nhất, có thiền viện lớn nhất, có cây mai anh đào lâu năm nhất và là nơi đầu tiên ở Việt Nam trồng phượng tím. Và nhiều những "cái nhất" khác được xác lập trong hơn 1.000 đề xuất kỷ lục trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục y tế... Có thêm sự kết hợp của Đài truyền hình TP.HCM và Hãng phim TFS để đầu tư sản xuất, trình chiếu 30 tập phim kỷ lục Việt Nam. Riêng trang web kỷ lục Việt Nam đã đạt số lượng 5 triệu lượt truy cập trong hai năm qua. Đến nay, tại buổi Hội ngộ kỷ lục gia lần 7 - 2007 này, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố 31 kỷ lục mới.

Nhà bánh gừng lớn nhất Việt Nam (ảnh) làm từ 200 kg bột, 1.000 quả trứng, 100 kg đường, 20 kg bơ, và các hương liệu... Đây là tác phẩm của bếp trưởng khách sạn Sheraton Sài Gòn người Australia - anh Andrew Phillip và các đầu bếp khác. Bánh có diện tích 13m2, thực hiện nhằm chào mừng năm mới 2007 và trở thành một trong 31 kỷ lục mới được xác lập cuối tháng 3 này.

Nghe xong, một nghệ nhân (yêu cầu giấu tên) đã nói rất to trước ống kính của các nhà báo rằng: "Nói gì thì nói nhu cầu xã hội xưa và nay vẫn cần đến sự có mặt của... vàng! Vậy cho nên tôi muốn nhấn mạnh đến vị trí của nó trong danh mục các kỷ lục Việt Nam được không?". Có người trả lời ngay: "Được, trong các kỷ lục công bố xác lập hôm nay ở thứ tự số 28 là doanh nghiệp vàng bạc đá quý có doanh số cao nhất nước ta là Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC. Công ty này tính đến cuối năm 2006 đã tung ra thị trường 8 triệu rưỡi lượng vàng miếng SJC, tương đương 313 tấn vàng nguyên liệu, chiếm hơn 90% thị phần vàng cả nước". Nhưng điều các nhà báo cần hỏi là những tác giả "làm đẹp" trên lĩnh vực gia công kim hoàn là những ai? Nghệ nhân kim hoàn thâm niên là cụ Võ Văn Khách (79 tuổi) cho biết cụ đã làm ăn từ hai bàn tay trắng, nay trở thành bậc thầy được mệnh danh là "ông Ba nhận hột". Là vì cụ chuyên làm nữ trang cẩn hột, có gắn đá quý cho khách hàng trong và ngoài nước. Cạnh đó, nghệ nhân đồ chạm cao tuổi nhất còn làm nghề là cụ Nguyễn Quang Kiệt 71 tuổi, vào đời từ năm 15 tuổi không qua trường lớp nào, chỉ do tự học và tự thực hành nghệ thuật tranh điêu khắc trên vàng bạc, với bức đầu tiên về chùa Một Cột được đánh giá rất thành công về nghệ thuật tạo hình. Còn hai nghệ nhân nữa nằm trong danh sách kỷ lục gia: Cụ Lê Văn Hai với bộ môn đồ chuỗi và nghệ nhân Trần Hải với bộ môn trang sức gắn đá trong hoạt động mỹ thuật kim hoàn.

Lại có người hỏi, có kỷ lục văn hóa nghệ thuật được xác lập lần này không? Có! Như Nghệ sĩ Ưu tú Đức Liên là người có bộ sưu tập sáo nhiều nhất Việt Nam với 60 loại sáo của hơn 30 dân tộc khác nhau trong nước, trong đó cây sáo của dân tộc Thái tuổi thọ 85 năm. Hoặc người sưu tập poster nhiều nhất là chị Mỹ Loan với 245 poster lớn khổ 1m x 0,7m và 3.257 poster nhỏ tìm kiếm gom góp từ 20 năm nay. Rồi tượng Phúc Lộc Thọ lớn nhất Việt Nam của Công ty TNHH Tấn Hưng với chiều cao 10m, ngang 3m, đế tượng 1m, làm bằng cát, đá và xi măng hoàn thành chỉ trong 10 ngày. Còn nữa, người viết sách về Nam Bộ nhiều nhất Việt Nam phải kể đến nhà văn Sơn Nam sinh năm 1926 ở Kiên Giang, điều ít người biết đến về nhà văn lão thành này là tác phẩm đầu tay của ông lại là... một tập thơ, đó là tập Lúa reo xuất bản năm 1948. Cũng cần nhắc đến nghệ sĩ cải lương nổi tiếng cao tuổi nhất Việt Nam, nay đã 96 tuổi, chính là NSND Phùng Há với tấm ảnh "ăn ý" nhất chụp thời vàng son trên sân khấu...

G.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.