Thấy gì qua việc giá cả tăng vọt?

05/07/2007 00:13 GMT+7

Có những điểm đáng lưu ý trong việc giá tiêu dùng đang tăng chóng mặt. Trước hết là giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (5,2% so với 4%). Tăng cao hơn nhiều nước trên thế giới, ở châu Á và trong khu vực (bình quân cùng kỳ năm nay so với cùng kỳ năm trước, tính theo năm như thông lệ quốc tế thì Việt Nam tăng 7%, trong khi Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, EU... chỉ tăng trên dưới 2%, Nhật Bản còn thấp hơn nhiều).

Tăng cao hơn lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn. Để thực hiện được mục tiêu cả năm do Quốc hội quy định, thì 6 tháng tới chỉ còn được tăng 2,8%, bình quân 1 tháng tăng 0,47%; đây là điều rất khó thực hiện bởi những tháng cuối năm giá cả thường có xu hướng tăng, trong khi dịch cúm gia cầm, thiên tai có nguy cơ bùng phát..., thậm chí có chuyên gia còn dự đoán tốc độ tăng giá cả năm nay có thể vượt 8,5%, tức là vượt cả tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là vấn đề không thể coi thường, bởi nó liên quan đến tất cả mọi người, nhất là những người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Giá USD trong nhiều năm qua giảm trên thị trường thế giới so với nhiều đồng tiền mạnh khác nhưng vẫn tăng giá ở Việt Nam, mặc dù mức tăng thấp, đã làm cho giá nhập khẩu của Việt Nam tăng "kép" (bản thân giá hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu tính bằng USD tăng và cộng hưởng với giá USD tăng); nếu thanh toán nhập khẩu bằng các ngoại tệ mạnh khác, nhất là euro, bảng Anh, nhân dân tệ, yen Nhật... thì giá còn tăng hơn nữa vì tỷ giá tính chéo còn tăng cao hơn. Điều đó giải thích một phần tại sao dù gia nhập WTO đã 6 tháng nhưng giá nhập khẩu và do đó giá tiêu dùng ở trong nước vẫn không giảm mà còn tăng cao hơn! Đó là chưa nói, khi tỷ giá tăng thì nợ nước ngoài bằng ngoại tệ cũng tăng theo.

Ở trong nước, mặc dù lãi suất huy động USD tăng do nhu cầu vay USD để nhập khẩu tăng, nhưng nếu cộng cả sự tăng lên của tỷ giá (6 tháng mới tăng 0,1% và dự đoán cả năm cũng chỉ tăng 1%) thì giữ và gửi USD vẫn chưa có lợi. Tuy nhiên, đối với các ngoại tệ mạnh khác thì tỷ giá đã tăng khá cao. Chính vì thế, một số nhà đầu tư mấy năm nay đã chuyển đổi  từ việc găm giữ USD sang giữ các ngoại tệ mạnh khác để được tăng kép, mặc dù lãi suất gửi tiết kiệm đối với những ngoại tệ này thường thấp hơn nhiều so với lãi suất USD.

Giá vàng thời gian gần đây giảm mạnh do giá thế giới xuống, do "cung" vàng ở trong nước cao hơn "cầu" (hầu như chỉ có nhập khẩu chứ không xuất khẩu và mức nhập khẩu khá lớn trong nhiều năm qua hiện còn đang được "bỏ ống" ở trong dân khá lớn). Nhưng nếu tính trong thời gian dài thì giá vàng tăng khá cao (tháng 6.2007 so với tháng 12.2000, giá vàng đã cao gấp 2,6 lần), thuộc loại đứng đầu so với các loại giá. Song cũng chính vì thế mà giá vàng nếu xét riêng về các yếu tố ở trong nước sẽ khó mà tăng cao.

Giá bất động sản trong 15 năm qua đã trải qua hai cơn sốt nóng và vài cơn sốt lạnh; tháng 3 vừa qua có dấu hiệu xuất hiện cơn sốt nóng thứ ba, nhưng chỉ diễn ra rất ngắn, trong phạm vi hẹp và chủ yếu ở một số loại (đòi hỏi thời gian xây dựng lâu như chung cư, siêu thị, khách sạn…). Nếu chỉ số chứng khoán “đao” xuống thì giá cả bất động sản sẽ tăng mạnh. Giá bất động sản sẽ tăng "kép": vừa do giá đất tăng, vừa do giá vật liệu xây dựng tăng.

Lãi suất huy động, lãi suất cho vay ở Việt Nam thuộc loại cao so với mặt bằng lãi suất trên thế giới; duy trì mức lãi suất cao trong thời gian khá dài, tác động đến hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa  nước ta. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước áp dụng một số biện pháp thắt chặt tiền tệ (như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi, khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán không quá 3%...) sẽ tác động làm giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tuy nhiên khi giá tiêu dùng tăng cao lên, còn lãi suất huy động lại giảm xuống, càng làm cho lãi suất thực "âm" và khó thu hút được tiền từ lưu thông vào ngân hàng.

Chỉ số giá chứng khoán ngày 2.7.2007 tại Trung tâm Giao dịch TP.HCM là 994,17 điểm, cao gần 3,3 lần cuối năm 2005, gần 2,5 lần đầu tháng 8.2006, tăng 32,6% so với cuối năm 2006. Tuy nhiên, nếu so với đỉnh điểm ngày 12.3.2007 (1170 điểm) thì đã giảm tới 15%. Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) vừa dự đoán VN-Index có thể giảm xuống 900 điểm vào cuối năm nay; có chuyên gia còn đưa ra thời gian sẽ đến sớm hơn (vì năm ngoái, sau khi đạt đỉnh cao 632 điểm đã rớt xuống mức 399,8 điểm vào ngày 2.8).

Tiền lương, tiền công tăng không đều giữa các khu vực. Đối với khu vực nhà nước, thu nhập bình quân đạt 1.963.000 đồng/người/tháng; tuy nhiên, bên cạnh những ngành đạt cao như tài chính - tín dụng (4.495.700 đồng), công nghiệp khai thác mỏ (3.629.900 đồng), sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước (2.959.200 đồng), vận tải kho bãi và thông tin liên lạc (2.890.000 đồng), các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn (2.604.500 đồng), thì một số ngành đạt thấp, như nông, lâm nghiệp chỉ 1.291.200 đồng... Khu vực dân doanh cũng có tình hình tương tự: bên cạnh những doanh nghiệp có thu nhập cao thì cũng có nhiều doanh nghiệp có thu nhập thấp. Đối với nông dân còn thấp hơn nữa.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.