(TNO) Nguyễn Vĩnh Khang, sinh viên năm 2 của Trường đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM, được nhiều học sinh Trường tiểu học Sisaket (Thái Lan) gọi bằng cái tên trìu mến "thầy giáo lắm chiêu" khi anh tham gia giảng dạy trong dự án tiếng Anh Sawasdee Thailand 6 tuần tại đây.
Nguyễn Vĩnh Khang (hàng trước) chụp ảnh lưu niệm khi tham gia chương trình tại Thái Lan
|
"Thấy các em tiến bộ là vui"
Những ngày đầu trên vùng quê Sisaket, Vĩnh Khang đảm nhận nhiệm vụ dạy cho các em học sinh ở đây theo giáo trình Family. Tiết học thường bắt đầu và kết thúc bằng những câu nói lặp lại như một chiếc máy đã được ghi âm sẵn. Các em học sinh lớp 5, lớp 6 nơi đây rất khó khăn trong việc học tiếng Anh, ngay cả những câu chào hỏi đơn giản như: “Bạn tên gì?”, “Bạn bao nhiêu tuổi?” cũng chỉ là những từ ngữ cắt ghép lại với nhau chứ chẳng thể là một câu hỏi đàng hoàng.
“Những ngày đầu, mình chợt nghĩ các em học sinh ở Việt Nam học tiếng Anh còn tốt hơn các em Thái nữa chứ”, Vĩnh Khang chia sẻ. Và lúc ấy, mỗi ngày đến lớp với thầy giáo trẻ Vĩnh Khang chỉ là trách nhiệm.
Đến khi chương trình có buổi đánh giá sơ bộ 3 tuần đầu tiên, khi Khang lên trình bày về những trải nghiệm văn hóa với ban tổ chức, ngay lập tức, một người Brazil cùng tham gia chương trình, ngắt lời: “Chúng ta đến đây không phải để du lịch hay trải nghiệm văn hóa, chúng ta đến đây là để giải quyết những vấn đề xã hội”. Thầy giáo trẻ đứng trân người và kể từ thời điểm đó, Vĩnh Khang đã suy nghĩ: Mình đã làm được điều gì cho các em tại đây? Đáp án có ngay lập tức: Chưa gì cả.
Vĩnh Khang và một học sinh
|
Từ hôm đó, Vĩnh Khang đã dành nhiều thời gian soạn riêng giáo án cho các em nhỏ ở vùng quê nghèo Thái Lan. Cậu bắt đầu tìm hiểu những đứa trẻ này thông qua những trò chơi đá bóng, ăn cùng, ngủ cùng và tâm sự với các em nhiều hơn dù chỉ là những ngôn ngữ hình thể. Vĩnh Khang đã thay đổi từ phương pháp dạy tiếng Anh một chiều sang hai chiều, tổ chức chơi trò chơi ô chữ, chơi đố vui… Kể từ khoảnh khắc đó, lớp học của thầy giáo Khang tràn ngập trong tiếng cười và cậu bạn đã khéo léo níu sự tập trung bằng những chiêu trò thú vị.
Khi nhớ lại mọi thứ, Vĩnh Khang chia sẻ: “Đó là khi mình nhận ra, mình muốn cháy hết mình chứ không chỉ là trách nhiệm và sự hoàn thành. Chưa chắc mình thay đổi được điều gì nhưng thấy các em cố gắng và tiến bộ, đối với mình đó là niềm vui”.
Những món quà từ trái tim
Đó là tất cả những gì mà thầy giáo Vĩnh Khang nhớ lại. Khi kết thúc chương trình, Vĩnh Khang nhận được hàng loạt bức thư được viết nguệch ngoạc bằng tiếng Anh của các em học sinh Thái dành cho mình. Đó chính là những phần thưởng lớn nhất mà anh đã tạo được.
Ngày trở về, chia tay với gia đình đã cho cậu ở và giới thiệu với cậu rất nhiều về văn hóa Thái Lan, nước mắt của sự nuối tiếc chảy mãi.
Ngày về, Khang còn nhận được một món quà từ đồng nghiệp là một cô giáo chủ nhiệm lớp Khang đã dạy (trạc tuổi 30) của Trường Sisaket. Vĩnh Khang kể: “Với mình, khi xuất phát từ trái tim và nhận lại được từ trái tim chính là điều hạnh phúc nhất...”.
Bình luận (0)