Thầy Nguyễn Hoàng Nam (54 tuổi) hiện là giáo viên dạy nhạc tại Trường THCS Cái Dầu, TT.Cái Dầu, H.Châu Phú, An Giang. Đến phòng tranh của thầy Nam, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những bức tranh nghệ thuật với chỉ 2 màu sáng tối mà đẹp lạ lùng và sống động như thật.
Đưa tay giới thiệu những bức tranh đá, ánh mắt thầy Nam ánh lên niềm vui bởi đã tạo ra dòng tranh bằng chất liệu đá quê hương An Giang. Từ tranh thiếu nữ với tà áo dài thướt tha, tranh đua bò Bảy Núi cuồng nhiệt sôi động đến tranh vẽ những chiếc ghe neo trên sông yên ả thanh bình… Tất cả đều chân thật đến từng chi tiết.
|
Thầy Nam kể, trong chuyến hành trình xuyên Việt theo đoàn văn nghệ sĩ tỉnh An Giang đến tỉnh Yên Bái, thấy người dân ở đây khai thác đá quý làm tranh, thầy bỗng lóe lên suy nghĩ tận dụng đá vùng Bảy Núi làm tranh. Năm 2005, thầy bắt đầu mày mò học hỏi cách làm tranh. Mãi đến năm 2008, thầy mới tìm được công thức phù hợp để cho ‘ra đời; bức tranh bằng đá đầu tiên.
Một bức tranh đá được tạo nên vô cùng kỳ công. Nguyên liệu làm tranh cũng do thầy Nam tự tìm từ các mỏ khai thác đá vùng Bảy Núi hoặc nhặt dưới chân núi, bên đường. Để làm tranh đá phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp: đá khi đem về phải tiến hành đập nhuyễn, rửa sạch bụi, giữ lại đá còn nguyên hạt, phân loại màu sắc, phác thảo bản vẽ, rải đá, đổ keo…
“Sau khi phát họa, những hạt đập nhuyễn sẽ được xếp lại thành các đường nét sáng, tối trên nền. Hạt đá lớn dùng làm nền, hạt đá nhỏ được đính vào điểm chi tiết của bức tranh. Còn những hạt mịn màu xám dùng để kết nối chuyển tiếp giữa 2 mảng màu sáng, tối”, thầy Nam cho biết.
Công đoạn cuối cùng là đổ keo và rất quan trọng, bởi dù có xếp đá thành hình hoàn chỉnh, nhưng nếu đổ keo cuối cùng để cố định đá bị thất bại thì xem như bỏ đi một bức tranh. Cũng chính vì các công đoạn phức tạp và tốn nhiều công sức nên đôi khi mất hàng tháng trời mới hoàn thiện được 1 bức tranh và giá dao động từ 2 triệu đến hơn 10 triệu đồng/bức.
|
Chủ đề tranh thầy Nam thường làm là quê hương, hoa, phong cảnh, nhân vật… Tiêu chí để định giá mỗi bức phẩm tranh đá tùy theo chủ đề, hình ảnh, nội dung. Theo thầy Nam, cái hay của dòng tranh này là làm người nhìn bị đánh lừa thị giác, bởi khi nhìn vào người xem sẽ thấy có màu. Tuy nhiên, các màu này chỉ là sự hòa hợp với nhau trong 2 mảng đen trắng từ màu sắc tự nhiên của đá. Tức là nhìn tranh thì thấy có màu nhưng thực chất nó là tranh đen trắng.
|
“Trong quá trình tìm kiếm màu sắc của đá, giã nhuyễn đá và phân loại kích cỡ hạt đá, tôi đã thu được trên 20 sắc thái màu sắc, có thể áp dụng cho nhiều đề tài. Nhờ những sắc màu đá tự nhiên đó khiến người nhìn sẽ thấy có màu mặc dù nó chỉ là 2 màu đen trắng”, thầy Nam nói.
Đến nay, thầy Nam đã làm được trên 150 bức tranh nghệ thuật bằng đá granite với đủ thể loại: chân dung, phong cảnh, tranh chữ... Đồng thời, thầy đã tổ chức thành công 2 lần triển lãm tranh đá.
Bình luận (0)