Thầy Hân!

27/04/2020 15:56 GMT+7

Nói về nhà giáo ưu tú Lê Ðức Hân, cố GS-NGND Hoàng Như Mai chia sẻ: Giữa chúng tôi đã nảy sinh một tình bạn thân tình, điểm gặp nhau lớn nhất là niềm đam mê văn chương và tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Nhà văn, nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân

Nhà văn, nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân

Mỗi lần gặp, anh Hân vẫn thường hài hước: “Tuổi thì hưu mà tâm chưa hưu”, tôi lại muốn bổ sung thêm “Cả tài và tình cũng chưa hưu nốt”...

Người tiên phong mở lối

Cứ mỗi dịp đến ngày 30.4 tôi lại nhớ đến nhà văn, NGƯT Lê Đức Hân, vì như ông từng nói, đất nước thống nhất là cơ hội để hòa hợp, hòa giải dân tộc, để làm sao người dân Việt Nam “ai cũng có cơm ăn, ai cũng được học hành” và hơn thế nữa... Nhớ đến ông, bởi lẽ như lời PGS-TS Lê Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, từng nhận xét Lê Đức Hân là “người đi khai phá, kẻ to gan”, luôn khát khao làm một điều gì đó mới mẻ, khơi những điều chưa ai khơi, làm những điều ít ai làm để phụng sự xã hội”.
NGƯT Lê Đức Hân là một trong những “chiến binh” lãnh ấn tiên phong khai phá miền đất mới. Gò Vấp từ một “vùng trũng” của giáo dục thành phố mang tên Bác, sau hơn 30 năm đã đổi thay rõ rệt. Trong bức tranh đẹp của giáo dục TP.HCM hôm nay, có bông hoa đẹp là Trường THCS chuẩn quốc gia Nguyễn Du do thầy Hân đặt viên gạch đầu tiên xây dựng. Gần 20 năm làm hiệu trưởng và cố vấn cho ngôi trường được xem là lá cờ đầu cả nước, thầy Hân cùng cộng sự đã thiết kế một ngôi trường không chỉ vang danh về chất lượng đào tạo học sinh giỏi, mà còn là biểu tượng của hội nhập quốc tế về giáo dục bậc phổ thông. Mô hình giáo dục “lấy chất lượng toàn diện làm nền tảng cho chất lượng mũi nhọn” mà NGƯT Lê Đức Hân đã áp dụng thành công cho “hiện tượng” Nguyễn Du, đã được các trường của Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Philippines và nhiều nước khác cử đoàn qua giao lưu, học hỏi. Trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông Việt Nam khi ghé thăm Trường Nguyễn Du, ông Boo Hian Kok, Hiệu trưởng Trường Beatty Secondary (Singapore), cho biết ông rất ngưỡng mộ về mô hình “giáo dục toàn diện” của Trường Nguyễn Du và mong muốn thiết lập một chương trình hợp tác sâu rộng về phương pháp dạy học và trao đổi văn hóa hằng năm.
Nhà giáo Lê Thị Hồng Việt, nguyên Hiệu trưởng Trường Nguyễn Du, nhận xét: “Nhà văn, NGƯT Lê Đức Hân đã đặt nền móng quan trọng cho việc hội nhập quốc tế bậc giáo dục phổ thông cách nay hơn 20 năm ở Trường Nguyễn Du. Với trí tuệ uyên thâm và tầm nhìn sâu rộng, thầy Hân luôn là tấm gương truyền cảm hứng đặc biệt về sự dấn thân, niềm tin và khát vọng sáng tạo...”.
GS Trần Tuấn Lộ từng có một nhận xét khái quát ngắn gọn về thầy Lê Đức Hân: “Hình như trời sinh anh ra để học giỏi, dạy giỏi và quản lý giỏi”.
 Nhà văn Lê Đức Hân cùng những người bạn vong niên: GS Nguyễn Văn Hạnh, PGS Lương Ngọc Toản, PGS Trần Hữu Tá, PGS-TS Lê Sơn tại di tích Đại thi hào Nguyễn Du

Nhà văn Lê Đức Hân cùng những người bạn vong niên: GS Nguyễn Văn Hạnh, PGS Lương Ngọc Toản, PGS Trần Hữu Tá, PGS-TS Lê Sơn tại di tích Đại thi hào Nguyễn Du

Chắt chiu lương hưu ủng hộ học trò nghèo

Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid-19, dù không thể đi lại do thực hiện “giãn cách xã hội” để phòng chống dịch, nhưng thầy Hân vẫn liên lạc thường xuyên về quê nhà Hà Tĩnh để hỏi thăm, động viên đội ngũ y bác sĩ, thầy cô giáo ở tuyến đầu chống dịch. Thầy đã chắt chiu những đồng lương hưu ít ỏi của mình, gửi về giúp đỡ địa phương, hỗ trợ các em học sinh nghèo hiếu học. Ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh, cho biết riêng ở quê hương Hà Tĩnh, thầy Hân và Quỹ học bổng Bà giáo Hồng (thân mẫu của thầy) từ nhiều năm qua đã trao tặng học bổng, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo của tỉnh với tổng trị giá hơn 4 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thạch Hà (Hà Tĩnh), chia sẻ: “Thầy Hân không phải là doanh nhân giàu có gì, thầy đi dạy và chắt bóp từng đồng lương hưu ít ỏi giúp cho quê hương. Khi có dịch, thầy gọi về và cho biết sẽ dành một số suất quà để tặng cho những người ngày đêm phục vụ bữa ăn cho người dân trong các khu cách ly. Nghĩa cử cao đẹp của thầy Hân đã lan tỏa tới các nhà hảo tâm khác”. Ngoài ra, thầy Hân còn thông qua UBND P.1, Q.Tân Bình (nơi thầy ở) hỗ trợ những đồng lương hưu ít ỏi cho lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch. Nhà giáo Nguyễn Hồng Đức, Hiệu trưởng đương nhiệm Trường Nguyễn Du, cho biết thêm thầy Hân thường xuyên liên hệ với nhà trường, động viên thăm hỏi và cho hay sau dịch, khi các em đi học trở lại, nếu em nào gặp khó khăn thì báo cho thầy để thầy giúp đỡ. Trước đó, thầy Hân cũng đã ủng hộ nhà trường 10 triệu đồng để trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học.
 Nhà văn Lê Đức Hân tặng hoa cho trường Nguyễn Du nhân dịp khai giảng năm học mới - Ảnh Đức Nguyễn

Nhà văn Lê Đức Hân tặng hoa cho trường Nguyễn Du nhân dịp khai giảng năm học mới

Ảnh Đức Nguyễn

“Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Lê Đức Hân vẫn say sưa sáng tác văn chương, nghiên cứu giảng dạy văn học, đặc biệt là Truyện Kiều vì hiện ông là Chủ tịch Hội Kiều học TP.HCM, Thường vụ Hội Kiều học Việt Nam. Tác phẩm Hạnh phúc miền xa xăm (NXB Thanh Niên) của nhà văn Lê Đức Hân là một trong những cuốn tiểu thuyết viễn tưởng đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài bộ tiểu thuyết trên, mới đây bộ tiểu thuyết Buồn vui nơi trần thế (NXB Hội Nhà văn) cũng đã được tái bản. Ngoài ra, tập truyện ngắn Lời thề trên cánh bướm, Tầm nhìn, Những ngày bão tố và một số tác phẩm văn học khác của nhà văn Lê Đức Hân cũng nhận được nhiều khen ngợi, cổ vũ của đông đảo bạn đọc.
Trong những ngày “sống chậm” để giãn cách xã hội, gọi điện hỏi thăm nhà văn, NGƯT Lê Đức Hân, ông chia sẻ với tôi trong những ngày này, lòng ông bỗng sống lại những kỷ niệm về chặng đường gian khổ và tự hào đã qua. “Tôi biết ơn vô hạn về đấng sinh thành, về bạn bè và những cộng sự đã giúp tôi sống một cuộc đời “không tẻ nhạt”. Ông chia sẻ thêm: “Cuộc đời cũng như những con sóng, lúc ồn ào, lúc dịu êm, cũng không thiếu những con sóng ngầm dữ dội... Nhìn lại hơn 60 năm làm việc và cống hiến, mặc dù lòng vẫn ước ao, nếu có thêm một lần tuổi trẻ trong đời. Giờ này có thể nói “tấm thân rày đã nhẹ nhàng”, nước mắt hay nụ cười, niềm vui hay đau khổ, hạnh phúc hay nỗi buồn, tất cả đang trôi dần về quá khứ... Xin mượn 2 câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để nói lên tâm trạng của nhà văn, NGƯT Lê Đức Hân lúc này:
“Dù cho sông cạn đá mòn
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”
Thạc sĩ Lê Bảo Thắng (một trong những người con của nhà văn, NGƯT Lê Đức Hân, người sáng lập OSI Vietnam, chuyên gia tư vấn giáo dục quốc tế, du học và làm “ngoại giao văn hóa” để giúp học sinh Việt Nam có cơ hội du học nước ngoài), nhận xét ngắn gọn về thầy Lê Đức Hân: “Cuộc đời ba tôi - nhà văn, nhà giáo Lê Đức Hân đã phải trải qua nhiều thăng trầm... Điều anh em chúng tôi học được ở ông là sự quyết đoán, nhiệt huyết và niềm đam mê đến cháy bỏng. Ông luôn biết cách giữ lửa, thắp lửa để cháy mãi khát vọng sáng tạo và cống hiến cho cộng đồng”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.