img
Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 1.

Việc chẩn đoán, điều trị bệnh cho trẻ em có những nét đặc thù gì mà chỉ có thể được đáp ứng tốt nhất tại một bệnh viện nhi, thưa ông?

Khám chữa bệnh nhi khoa phải tuân thủ toàn bộ quá trình khám chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, với nhi khoa phải thận trọng, chính xác trong từng bước: Thông qua cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ để hỏi bệnh; khi thăm khám trẻ phải nhẹ nhàng để trẻ hợp tác. Đôi khi trong tình huống cấp cứu thì phải đánh giá thật nhanh những dấu hiệu đe doạ tính mạng trẻ, những dấu hiệu nào còn an toàn...

Về tổng thể, một bệnh viện nhi thì sẽ tốt hơn một khoa nhi của bệnh viện đa khoa. Bệnh viện nhi bao gồm các chuyên ngành khác nhau, mỗi chuyên ngành sẽ hỗ trợ nhau tốt nhất để có được những chẩn đoán chuyên sâu, không bị bỏ sót. Sự đặc thù của bệnh viện nhi chính là sự phối hợp hoạt động một cách gắn kết của các chuyên khoa lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, những người chuyên tâm cho bệnh tật trẻ em, thiết bị chuyên dụng cho trẻ em.

Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 2.

PGS Trần Minh Điển (thứ 8 hàng trên, từ phải qua) là Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2027

Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 3.

Cùng các nhà khoa học và đồng nghiệp trong Hội nghị Nhi khoa các tỉnh miền Núi phía Bắc năm 2023

Một chuyên gia nhi khoa, ngoài khả năng chuyên môn như các y bác sĩ khác, liệu còn cần thêm những kỹ năng nào khác để có thể đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho trẻ?

Kiến thức chuyên môn nhi khoa, kỹ năng khám chữa bệnh nhi khoa là nền tảng quan trọng, nhưng thái độ yêu trẻ còn quan trọng hơn để cho các bạn thực hành nghề nghiệp hàng ngày hăng say, không bị buồn chán. Bạn cần phải kiên nhẫn với trẻ, không sợ trẻ quấy khóc, không sợ lời phàn nàn của cha mẹ trẻ, lắng nghe cha mẹ trẻ, cố gắng hiểu được mong muốn của họ...

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết: "Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người: sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chǎng". Lời răn dạy của Hải Thượng Lãn Ông còn nguyên giá trị đến ngày nay. Khi tôi trở thành Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tôi đã đặt lời căn dặn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên vị trí trang trọng trong Hội trường lớn của Bệnh viện, để cho mỗi chúng tôi tự răn mình trong lúc khám chữa bệnh cho các cháu.

Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 4.

Ở một nơi như Bệnh viện Nhi Trung ương, khối lượng khám chữa, điều trị bệnh có mối tương hỗ thế nào với hoạt động nghiên cứu và đào tạo?

Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa nhi đầu ngành bao gồm cả các chức năng khám chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm 2023, Bệnh viện tiếp nhận gần 1,2 triệu em bé đến khám chữa bệnh ngoại trú, hơn 120 nghìn em bé điều trị nội trú. Số liệu này giúp chúng tôi có được một mô hình bệnh học cực kỳ phong phú, số liệu lưu trữ đầy đủ theo thời gian, các phương pháp khám chữa bệnh, thăm dò hiện đại, đội ngũ thầy thuốc giỏi, chuyên sâu. Đây là điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi TƯ là địa chỉ tin cậy được Bộ KH&CN và Bộ Y tế giao cho các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Các đối tác khoa học trong nước và quốc tế cũng tin tưởng vào năng lực nghiên cứu của bệnh viện để phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực sức khoẻ trẻ em, các đề tài thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia.

Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 5.

Trao đổi với đồng nghiệp về kết quả phân tích hình ảnh bệnh nhân.

Hàng năm, các nhà khoa học của bệnh viện Nhi Trung ương luôn tích cực tìm kiếm đăng ký mới các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và quốc tế. Đặc biệt, năm 2023, trong khuôn khổ gói tài trợ nghiên cứu khoa học từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingoup (VinIF), chúng tôi đã đăng ký thành công dự án "Thiết lập khoảng tham chiếu cho các dấu ấn sinh học trong máu ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam". Đây là một dự án lớn, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, là cơ sở để các bác sĩ lâm sàng tham chiếu và áp dụng trong công tác khám chữa bệnh. từ các nghiên cứu này, các sản phẩm khoa học được áp dụng thực tế, các bài báo trong nước và quốc tế được xuất bản, chuyển giao công nghệ cho các tuyến, đào tạo các bác sĩ nội trú, thạc sĩ, chuyên khoa cấp 2, tiến sĩ....

Hàng năm, chúng tôi tiếp nhận hàng nghìn sinh viên, học viên sau ĐH từ khắp các trường, viện. Tại đây các sinh viên, học viên được học tập trong một môi trường đầy đủ về mô hình bệnh lý nhi khoa, các phương pháp khám chữa bệnh hiện đại, và đặc biệt là được đội ngũ thầy thuốc giỏi giảng dạy lâm sàng. Hơn nữa, Bệnh viện có các chương trình đào tạo theo chuyên đề chuyên sâu, tiếp nhận các học viên trong nước và quốc tế đến nâng cao trình độ trong chuyên ngành nhi khoa.

Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 6.

Cùng các đồng nghiệp trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Với việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và đưa ra các phác đồ điều trị bệnh, theo ông, vai trò của người bác sĩ sẽ có những thay đổi gì?

Ứng dụng AI trong y học ngày càng có những bước phát triển ngoài sức tưởng tượng. Với nguyên tắc dựa trên hệ thống dữ liệu, tập hợp, phân tích, từ đó đưa ra được những khoảng giới hạn tham khảo. Khi áp dụng cho một tập hợp dấu hiệu bệnh cụ thể của người bệnh, sẽ tạo ra được chẩn đoán và phương pháp điều trị, phần nào cá thể hóa người bệnh được điều trị.

Về nguyên tắc thì là vậy, tuy nhiên AI có thể chỉ giúp cho một công đoạn nào đó, ví dụ phân tích chẩn đoán hình ảnh, phân tích và tập hợp các xét nghiệm, tư vấn xét nghiệm, còn lại với chẩn đoán cuối cùng, thiết lập phác đồ điều trị cụ thể cho mỗi người bệnh thì vai trò của bác sĩ vẫn phải là chính. Hiện Luật Khám chữa bệnh cũng mới chỉ khuyến khích đưa AI vào hỗ trợ quá trình khám chữa bệnh. Vai trò của bác sĩ vừa là chủ thể thực hiện, cũng vừa là người hỗ trợ tạo ra AI. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi đã và đang tích cực áp dụng AI vào công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 7.

Mô hình y tế trên thế giới rất khác nhau giữa các quốc gia. Ông hình dung một mô hình y tế lý tưởng sẽ như thế nào?

Mô hình y tế là tấm gương phản ánh điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi đất nước. Không có mô hình nào giống nhau hoàn toàn giữa các quốc gia. Một mô hình y tế lý tưởng là lấy người dân làm trung tâm, được chăm sóc, đảm bảo sức khỏe về thể chất, tinh thần, xã hội, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

COVID-19 thực sự đã tạo ra một sự thay đổi to lớn trong xã hội và mỗi cá nhân con người về nhân sinh quan. Trong y tế, liệu có những thay đổi mang tính nền tảng nào không để con người có thể ứng phó với một tương lai bất định?

COVID-19 là một đại dịch bệnh chưa có tiền lệ. Trong tương tai, có thể chúng ta sẽ còn gặp những dịch bệnh khó lường tương tự. Chưa kể, còn có các yếu tố biến đổi của virus, sự thay đổi hành vi con người, hiệu quả của các biện pháp kiểm soát dịch không đạt kỳ vọng... Qua đại dịch COVID-19, cả hệ thống và ngành y tế đã có được nhiều bài học kinh nghiệm, cho cả tầm vĩ mô và vi mô.

Sự thay đổi mang tính bền vững chính là sự chuẩn bị nguồn lực thật tốt, không chỉ nguồn lực y tế mà phải là nguồn lực quốc gia. Nhìn chung, cả hệ thống và cá nhân mỗi người dân phải sẵn sàng thích nghi, ứng phó linh hoạt với sự thay đổi liên quan đến dịch bệnh tương lai.

Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 8.

Trong lễ vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam 2024.

Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 9.

Chia vui cùng gia đình tại Chương trình Vinh quang Việt Nam.

Là 1 trong 10 cá nhân vừa được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024, ông nghĩ gì về sứ mệnh của mình trong tư cách giám đốc một bệnh viện chuyên khoa nhi đầu ngành?

Khi bắt đầu nhận trách nhiệm Giám đốc bệnh viện, tôi đến khoa khám bệnh, nơi rất đông trẻ đến khám. Tôi đã rất lo lắng liệu mình có đủ sức cùng các đồng nghiệp đảm bảo an toàn cho các cháu hay không? Cha mẹ các cháu có trải nghiệm tích cực khi khám bệnh hay không? Tham dự một cuộc thi kéo co khi hàng nghìn viên chức hò reo vui vẻ, tôi lại lo thắt lòng: mình có đủ sức đảm bảo vị trí việc làm, thu nhập của anh em hay không? Mọi người có thực sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của mình hay không? Đến làm việc tại công trường xây dựng Cơ sở 2 Quốc Oai, tôi lại băn khoăn: mình là bác sĩ, không có chuyên môn quản lý xây dựng, liệu công trình có đảm bảo tiến độ và chất lượng hay không? Đọc một bản báo cáo tài chính, sổ thu chi cuối tháng, tôi cũng sợ rằng liệu mình đã làm đúng theo quy định pháp luật hiện hành chưa?... Rất nhiều các công việc theo bảng mô tả vị trí việc làm của người Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện đòi hỏi tôi phải thực sự bình tĩnh, sáng suốt, công tâm... Quan điểm lãnh đạo của tôi là: tuân thủ và thượng tôn pháp luật, lắng nghe với thái độ tích cực khi giải quyết công việc.

Xin cảm ơn PGS!

Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Điển: “Yêu trẻ là điều kiện tối cần ở bác sỹ nhi khoa”- Ảnh 10.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.