'The Big Short': Đi tìm tiếng cười từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008

25/01/2016 16:41 GMT+7

Dưới bàn tay điêu luyện của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Adam McKay, The Big Short (Đại suy thoái) đã tái hiện lại cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 dưới góc nhìn hài hước nhưng không kém phần châm biếm.

Dưới bàn tay điêu luyện của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Adam McKay, The Big Short (Đại suy thoái) đã tái hiện lại cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 dưới góc nhìn hài hước nhưng không kém phần châm biếm.

'The Big Short' là bức tranh sinh động về cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ những năm 2007-2010 - Ảnh: Chụp màn hình trailer'The Big Short' là bức tranh sinh động về cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ những năm 2007-2010 - Ảnh: Chụp màn hình trailer

Từ một đề tài khô khan

Tài chính, chứng khoán chưa bao giờ là những vấn đề ngưng nóng hổi và thiếu sự quan tâm nhưng chính vì sự phức tạp của những con số khô khan, những định nghĩa khó hiểu cũng như những hậu quả vô hình và trừu tượng của các cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm chùn bước các nhà làm phim tại Hollywood trong việc chuyển tải khía cạnh cuộc sống này tới người xem.

Điểm lại trong lịch sử, ngoại trừ những bộ phim tài liệu trực tiếp làm về đề tài này như Capitalism: A Love Story (2009) của Michael Moore, Inside Job (2010) của Charles H. Ferguson hay sê ri phim ngắn Too Big to Fail (2011) của Curtis Hanson thì chỉ có duy nhất tác phẩm điện ảnh Margin Call (2011) của đạo diễn J.C. Chandor bàn về vấn đề này. Cũng dễ hiểu bởi nếu xác định rằng một khi làm phim về lĩnh vực khó nhằn và kén người xem như kinh tế thì việc tạo ra các tác phẩm vừa bám sát hiện thực, vừa khiến khán giả hứng thú là một việc vô cùng khó khăn.

Nhưng với The Big Short, đạo diễn Adam McKay đã tìm ra nguyên liệu giúp tác phẩm chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà báo tài chính Michael Lewis trở nên dễ hiểu. Đó chính là yếu tố hài hước.

Hài hước nhưng sâu cay

Với nội dung xoay quanh 4 chuyên gia tài chính gồm Michael Burry (Christian Bale), Jared Vennett (Ryan Gosling), Mark Baum (Steve Carell) và Ben Rickert (Brad Pitt) đi ngược lại xu hướng kinh tế lúc bấy giờ để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và kiếm lời sau khi Michael Burry đưa ra tiên đoán rằng thị trường địa ốc, thứ vốn được coi là nền tảng vững chắc của kinh tế Mỹ sẽ vỡ tan như bong bóng chỉ trong vòng hai năm nữa.

Adam McKay đã vô cùng sáng tạo khi khéo léo lồng ghép những phân cảnh có những người nổi tiếng như nữ diễn viên gợi cảm Margot Robbie ngâm mình trong bồn tắm và mô tả lại tình hình nhà đất, chuyên gia ẩm thực Anthony Bourdain giải thích về khái niệm nghĩa vụ nợ thế chấp bằng… nồi súp hải sản hay sự xuất hiện của ca sĩ Selena Gomez trong vai người chơi bài pocker và cùng với đó là nhiều phân cảnh dạng phim tài liệu và những ví dụ đời thường rất dễ nắm bắt.

Không chỉ giúp bộ phim bớt phần nặng nề, Adam McKay còn sử dụng chất hài để châm biếm sự tham lam đến mờ mắt vì đồng tiền của giới tài chính Phố Wall. Khi mà Michael và Mark đã “gào khản cổ” về nguy cơ sụp đổ rõ “mồn một” của thị trường bất động sản thì vẫn không một ai tin những lời cảnh báo có căn cứ của họ. Để rồi khi khủng hoảng xảy ra, tất cả lại giẫm đạp lên nhau để tìm kiếm lối thoát cho mình.

Dưới bàn tay biên kịch và đạo diễn của Adam McKay, chất hài được gia giảm hợp lý theo nhịp phim giúp The Big Short trở nên gần gũi, dễ hiểu và lôi cuốn hơn rất nhiều với số đông khán giả vốn không mấy mặn mà và cũng không quan tâm tới những đề tài xa lạ như thị trường tài chính, bong bóng nhà đất.

The Big Short: Đi tìm tiếng cười trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 2Một bộ phim hài hấp dẫn không thể thiếu những diễn viên hài thực lực: Christian Bale (trái) và Steve Carell - Ảnh: Reuters 

Dàn diễn viên hài đầy thực lực

Để truyền tải bộ phim hài mang nội dung sâu sắc thì việc đòi hỏi một dàn diễn viên hài có năng lực là điều bắt buộc. Rất may, Adam McKay đã lựa được cho mình những cái tên phù hợp nhất.

Christian Bale với khả năng đóng phim hài được kiểm chứng qua American Hustle đã hóa thân vào vai một bác sĩ chuyển nghề sang nhân viên quỹ đầu tư - người có tính cách “tưng tửng”, lập dị và đôi mắt lúc nào cũng trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi. Trái với vẻ ngoài chậm chạp, Michael lại là một bộ óc thiên tài khi dự đoán được nguy cơ đổ vỡ của thị trường bất động sản ngay lúc nó vững chắc nhất, điều mà ngay cả những khách hàng, ông chủ và cả đối tác lâu năm của anh chỉ nghe thôi đã cảm thấy buồn cười vì đó là điều không tưởng. Với vai diễn này, anh nhận một đề cử Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc.

Steve Carell trong vai Mark Baum - một nhân viên tài chính luôn “đau đáu” với phố Wall và căm ghét những kẻ sống chỉ biết tiền. Hẳn là một tiếc nuối khi Steve Carell không được đề cử vào hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của Oscar 2016 nhưng với The Big Short, Steve Carell cho thấy anh không chỉ là một danh hài mà là một diễn viên có thực lực hàng đầu Hollywood. Vai diễn mới của anh trong bộ phim về giới tài chính phố Wall được ca ngợi là đỉnh cao trong diễn xuất của chính mình.

Ngoài ra, những chi tiết nhỏ như câu chuyện lập nghiệp từ 114.000 USD của hai giao dịch viên trẻ tuổi, vô danh là Charlie Geller (John Magaro) và Jamie Shipley (Finn Wittrock), những câu chửi thề của Mark mỗi khi bực tức, sự bông đùa của kẻ cơ hội Jared Vennett hay việc âm nhạc được lồng ghép theo tâm trạng các nhân vật đều mang lại sự thoải mái, tiếng cười nhẹ nhàng, xuyên suốt khiến bộ phim không hề nhàm chán.

Phim được giới chuyên môn đánh giá cao khi đạt 88% trên trang Rotten Tomatoes, 8/10 điểm trên trang IMDb và thậm chí ứng cử viên tổng thống Mỹ 2016 Bernie Sanders đã ca ngợi The Big Short như một bộ phim vĩ đại, là cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế Mỹ trong của cuôc khủng hoảng năm 2008.

Với ngôn ngữ điện ảnh khá giản dị về sự kiện thay đổi bộ mặt nước Mỹ, đạo diễn Adam McKay và đoàn làm phim đã truyền tải một thông điệp đầy ý nghĩa: Khi lòng tham vẫn còn thống trị Phố Wall, khi đồng tiền vẫn còn là mục đích tối cao của giới kinh doanh tài chính, thì những cuộc khủng hoảng như giai đoạn 2007-2010 sẽ vẫn tiếp diễn, những người dân bình thường và vô tội sẽ là người hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.

Nhìn chung, với 5 đề cử Oscar, trong đó có đề cử ở hạng mục Phim hay nhất và Đạo diễn, kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất,The Big Short là một bom tấn rất đáng trông chờ sẽ “làm nên chuyện” tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.