Thế giới hứng chịu bão lũ và nắng nóng

Trí Đỗ
Trí Đỗ
03/08/2024 05:07 GMT+7

Tân Hoa xã ngày 1.8 đưa tin mưa lớn và lũ lụt do bão Gaemi gây ra đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và 35 người mất tích tại 8 thị trấn ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).

Theo chính quyền địa phương, các đội cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận các thị trấn bị cô lập do cơ sở hạ tầng và lưới điện tê liệt hoàn toàn. Trận mưa xối xả chưa từng có do bão Gaemi gây ra cũng nhấn chìm hơn 100.000 ha đất nông nghiệp trong khu vực. Ủy ban Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Trung Quốc đã nâng mức ứng phó khẩn cấp lên cấp độ 2, mức cao thứ 2 trong hệ thống cảnh báo 4 cấp tại tỉnh Hồ Nam trong bối cảnh lũ lụt tiếp diễn. Cục Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo sẽ có thêm 2 hoặc 3 cơn bão đổ bộ nước này vào tháng 8.

Thế giới hứng chịu bão lũ và nắng nóng- Ảnh 1.

Tàn tích do bão Gaemi gây ra ở Hồ Nam, Trung Quốc

Ảnh: Reuters

Mưa lớn và lũ lụt cũng tấn công nhiều quốc gia châu Á trong những ngày gần đây. Tại Ấn Độ, tính đến ngày 2.8, lũ lụt và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 13 người ở chân núi Himalaya và 200 người khác ở các ngôi làng, đồn điền trà thuộc bang Kerala. Tại các huyện Sinuiju và Uiju (phía tây bắc Triều Tiên) gần đây cũng hứng chịu những trận mưa lớn, khiến hơn 4.100 ngôi nhà và gần 3.000 ha đất trồng trọt bị ngập. Tại châu Âu, mưa lớn kèm giông bão và sấm sét ngày 1.8 đổ bộ thủ đô Paris (Pháp) làm ngập đường sá và gây gián đoạn một số trận thi đấu tại Thế vận hội năm nay.

Trong một diễn biến khác, nhiệt độ bề mặt trên khắp các dải băng lớn ở Nam Cực đã tăng trung bình 10 độ C so với mức bình thường trong tháng 7. Vào một số ngày, nhiệt độ tại Nam bán cầu vượt mức 28 độ C. Theo tờ The Guardian, đợt nắng nóng này là đợt nắng nóng thứ 2 tấn công khu vực trong vòng hai năm qua. Đợt gần đây nhất là vào tháng 3.2022 khi mức nhiệt tăng đột biến lên tới 39 độ C và khiến một phần lớp băng lâu đời sụp đổ. Các nhà khoa học chỉ ra nguyên nhân khiến nhiệt độ Nam Cực tăng cao vào tháng 7 là do hiện tượng El Nino.

Nhiệt độ tăng kỷ lục, thủ đô Ấn Độ có khả năng thiếu nước

Ông Zeke Hausfather, Tổ chức Berkeley Earth (Mỹ), cho biết toàn bộ Nam Cực đã ấm lên cùng thế giới trong 50 năm qua. Toàn cầu đã trải qua 12 tháng ấm kỷ lục, nhiệt độ liên tục tăng trên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, càng làm gia tăng nguy cơ xảy ra các thảm họa thiên nhiên. Theo ông Hausfather, có 95% khả năng năm 2024 sẽ vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất lịch sử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.