Thế giới không thể quay lại thời giá dầu rẻ ?

Khánh An
Khánh An
24/12/2022 07:29 GMT+7

Dự báo giá dầu tăng do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có khả năng Nga giảm xuất khẩu, Mỹ bổ sung kho dự trữ và sản lượng của OPEC thiếu ổn định.

Đài CNBC đưa tin giá dầu ngày 23.12 tăng do dự báo Nga cắt giảm xuất khẩu, bất chấp lo ngại về đợt bão tuyết lịch sử tại Mỹ có thể khiến nhu cầu nhiên liệu phục vụ đi lại không tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ.

Giá dầu thô Brent tăng 1,1% lên mức 81,86 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI tăng 1,2% lên mức 78,41 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng 23.12. Giá dầu trước đó tăng 4 ngày liên tiếp và giảm nhẹ trong ngày 22.12.

Tàu neo đậu tại khu vực cảng dầu thô Yuzhnaya Ozereyevka của Nga ở biển Đen

Reuters

Nhu cầu tăng

Theo tính toán của giới kinh doanh và Hãng Reuters, lượng dầu xuất khẩu của Nga qua các cảng ở vùng biển Baltic trong tháng 12 có thể giảm 20% so với tháng 11, sau khi Liên minh Châu Âu và các nước G7 áp đặt các lệnh cấm vận và trần giá dầu thô Nga từ ngày 5.12. “Giá dầu thô đang tăng do giới thương gia năng lượng tập trung vào phản ứng của Moscow đối với trần giá dầu, hơn là việc hàng ngàn chuyến bay bị hủy làm gián đoạn đi lại dịp nghỉ lễ”, theo chuyên gia Edward Moya tại Công ty OANDA (Mỹ) chuyên cung cấp giải pháp thương mại, tiền tệ và phân tích.

Khủng hoảng năng lượng có thể trầm trọng hơn trong năm 2023

Hơn 4.400 chuyến bay tại Mỹ đã bị hủy trong 2 ngày do thời tiết nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiệt độ có thể xuống thấp khiến nhu cầu dầu sưởi ấm sẽ tăng do thời tiết cực đoan gây mất điện. Theo chuyên trang OilPrice, chính phủ Mỹ cần mua dầu bù vào kho dự trữ chiến lược, sau khi rút ra gần 200 triệu thùng trong năm nay nhằm đối phó lạm phát giá nhiên liệu. Trong khi đó, các công ty khai thác tại Mỹ lại không vội tăng sản lượng và dường như tăng trưởng sản xuất không còn là ưu tiên của họ.

Chuyên gia Daniel Yergin, Phó chủ tịch Công ty S&P Global (Mỹ) - chuyên cung cấp thông tin tài chính và phân tích, dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 121 USD/thùng trong năm tới, khi Trung Quốc mở cửa lại sau đại dịch. Ngân hàng Quốc gia Úc cũng dự báo giá dầu tăng khi hoạt động kinh tế của Trung Quốc phục hồi trong năm tới.

Nguồn cung giảm

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết vẫn chưa thể khai thác đủ sản lượng dầu như đã thỏa thuận. Đây không phải là mức thiếu hụt nhỏ mà lên đến 1,8 triệu thùng/ngày. Điều quan trọng hơn là việc khai thác dưới mức thỏa thuận đã trở thành tình trạng thường xuyên của OPEC.

Tác động kiềm chế từ lãi suất, Covid-19

Theo Reuters, lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất và tình hình Covid-19 tại Trung Quốc làm giảm nhu cầu đã góp phần kiềm chế đà tăng của giá dầu. Đà tăng giảm tốc sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy số người nộp đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng ít hơn so với dự báo vào tuần trước, bên cạnh việc nền kinh tế hồi phục nhanh hơn ước tính trước đó trong quý 3. Theo chuyên gia Jim Ritterbusch tại Công ty Ritterbusch & Associates (Mỹ), USD tăng giá và chứng khoán giảm cũng góp phần kiềm hãm giá dầu, bên cạnh lo ngại về diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc.

Theo ông Matt Sallee - Chủ tịch Công ty TortoiseEcoFin (Mỹ) chuyên đầu tư hạ tầng năng lượng, tình hình về nguồn cung còn nghiêm trọng hơn khi kho dầu thế giới ở mức thấp nhất kể từ năm 2004. Trong khi đó, chưa có bằng chứng cho thấy nguồn cung sẽ thay đổi đáng kể trong tương lai gần. Ông Sallee nhận định rằng OPEC hiện chưa có động lực để tăng cường sản xuất do không chắc chắn rằng giá dầu có thể duy trì ổn định ở mức trên 100 USD/thùng trong thời gian dài. OPEC đã không sản xuất ổn định trên mức 30 triệu thùng/ngày kể từ giai đoạn 2015 - 2018 nhằm gây thiệt hại lĩnh vực dầu đá phiến ở Mỹ.

Vì sao kinh tế năm 2023 sẽ có cảm giác suy thoái?

Tình trạng đầu tư dưới mức cũng là vấn đề đáng chú ý trong ngành dầu đá phiến Mỹ. Chính phủ Mỹ muốn các nhà sản xuất trong nước tăng sản lượng. Tuy nhiên, những nhà sản xuất lại cho rằng viễn cảnh dài hạn về nhu cầu giá dầu là khó lường nên họ không muốn đầu tư thêm. Chưa hết, nhiều chuyên gia còn cảnh báo những khu vực lý tưởng để khai thác đang thu hẹp, trong khi lĩnh vực khai thác phải chật vật tìm lao động và có nguồn tài chính giới hạn. Giới phân tích cho rằng việc chuyển đổi năng lượng cũng gặp khó khăn về những nguồn thay thế, đồng nghĩa với việc thời kỳ dầu thô giá rẻ sẽ không còn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.