Mời nghe đọc bài này |
Nếu cử tri trái đất được bầu, ông Obama thắng lớn
Một người bạn của tôi ở Canada nói là dù cho bên Canada vừa mới có tổng tuyển cử, nhưng anh ta chẳng mấy quan tâm bằng cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Anh nói thẳng là vì "yếu tố Obama". Vì sao vậy? Ứng viên Obama là một nhân vật đặc biệt. Là một người có cha gốc Kenya, mẹ là người da trắng, khi ra tranh cử bị "nói xấu đủ điều".
Nào là gốc gác Hồi giáo, nào là có tên đọc giống với trùm khủng bố Osama. Rồi đến khi đứng chung liên danh với thượng nghị sĩ Joe Biden, ghép thành Obama-Biden thì có báo đọc trại là Osama Bin Laden… Bất chấp tất cả, ông Obama đã lần lượt hạ các đối thủ trong đảng Dân chủ, đặc biệt là nhân vật nữ lừng danh Hillary Clinton để giành quyền ra tranh cử tổng thống. Rồi nay, với đối thủ Cộng hòa là thượng nghị sĩ John McCain vốn được xem là một vị anh hùng dưới mắt người Mỹ, nhưng thăm dò dư luận cũng cho thấy ông Obama sẽ thắng lớn.
Không chỉ ở Mỹ mới thăm dò dư luận về các ứng viên tranh cử tổng thống, mà các nước khác cũng tiến hành "thăm dò thử", để xem sự ủng hộ của dân chúng các nước đối với hai ứng viên tổng thống Mỹ ra sao. Kết quả đúng như dự đoán của các chuyên gia, hầu như người dân chúng tất cả các nước đều muốn đổi thay. "CHANGE WE NEED" nay không còn là khẩu hiệu tranh cử của riêng ông Obama nữa mà là khẩu hiệu chung của mọi người.
Tại Mỹ, theo thăm dò sau cùng của hãng tin Reuters thì ông Obama dẫn trước ông McCain 7 điểm. Còn nếu cho cử tri Pháp bầu tổng thống Mỹ thì ông Obama chiếm đến 94% phiếu, một con số kỷ lục. Cả cánh tả lẫn cánh hữu ở Pháp đều đồng ý việc người Mỹ dồn phiếu cho ông Obama là sự lựa chọn hợp lý. Theo các chuyên gia, hai ứng viên McCain và Obama đều không có nhãn quan khác biệt về châu u, nhưng đông đảo dân chúng Pháp tìm thấy nơi ông Obama sự chân tình gần gũi như thời cố Tổng thống Kennedy. Ông ấy lại đồng quan điểm với Pháp về tình hình Iraq.
Nước Pháp cũng có thể tượng trưng cho cả châu u vào thời điểm hiện nay khi hình ảnh của Mỹ không được tốt trên trường quốc tế. Châu u trông đợi một nhân vật có thể sửa đổi hình ảnh đó để tránh việc một ngày không xa, quan hệ Mỹ-u lâm vào thế bế tắc. Hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, rồi cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng toàn cầu, mà cuộc khủng hoảng đó chí ít cũng có nguồn gốc từ Washington. Và thế là dân chúng địa cầu hướng về nước Mỹ để trông chờ sự đổi mới.
Theo báo Newsweek, nếu cư dân các nước được bầu, ông Obama sẽ nhận được sự ủng hộ như sau: Tại Đức là 70%, các nước Bắc u hơn 70%, đặc biệt ở Anh, một đồng minh thân cận của Mỹ, cư dân nước này đã tăng dần sự hậu thuẫn: từ 13% hồi tháng 5 nay lên 62% vào tháng 10. Cử tri Trung Quốc với 1,3 tỉ dân nếu được quyền bầu tổng thống Mỹ thì sẽ có 75% số phiếu dành cho ứng viên Obama.
Làng Kogelo (Kenya) nhộn nhịp
Không chỉ gia đình bên nội của ứng viên Obama mà cả chính quyền đất nước Kenya trên lục địa đen đã có những chuẩn bị đón chào tin mừng chiến thắng của ông Obama. Ngôi làng Kogelo ở miền Tây Kenya xa xôi đã trở thành tiêu đề nổi bật của nhiều bài báo kể từ khi thượng nghị sĩ Obama trở về thăm bà nội Sarah Obama hồi năm 2006. Con đường bụi bặm dẫn tới làng Kogelo đã được chính quyền cho nâng cấp vì biết là sẽ đón nhận nhiều quan khách đến Kogelo.
Tại đất nước châu Phi này, tên ông Obama đã được đặt cho nhiều em bé và một loại bia cũng mang tên Obama. Do những ngày qua bị báo giới vây kín nên Malik Obama, người anh em cùng cha khác mẹ với ứng viên Obama đã tổ chức một cuộc họp báo tại trang trại quê nhà Kogelo để nói lên yêu cầu của gia đình là đề nghị các nhà báo tôn trọng cuộc sống riêng tư của họ, khi gia đình theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ làng Kogelo. Nhà của bà Sarah Obama hiện được cảnh sát canh phòng nghiêm ngặt và không cho giới truyền thông tiếp cận cho đến sau ngày bầu cử.
Toàn là tin vui đến với ông Obama, chỉ một tin buồn duy nhất, nhưng lại rất đau lòng với thượng nghị sĩ bang Illinois: bà ngoại Madelyn Dunham vừa từ trần ở Hawaii ở tuổi 86 vì bệnh ung thư. Cuối tháng 10, ông Obama đã tạm dừng một số cuộc vận động tranh cử để bay về thăm ngoại khi nhận được tin bà lâm trọng bệnh. Bà ngoại Dunham cùng với người mẹ (đã qua đời) là những người thân yêu nhất, có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời của ông Obama vì ngoại và mẹ đã từng nuôi nấng, chăm sóc ông từ lúc sơ sinh cho đến khi vào đại học.
Tổng cộng có 538 phiếu đại cử tri. Nếu ứng viên tổng thống Mỹ nào nhận ít nhất 270 phiếu đại cử tri thì sẽ giành được chiến thắng. Cách đây 8 năm, ứng viên đảng Dân chủ Al Gore giành được nhiều phiếu phổ thông hơn ứng viên đảng Cộng hòa George W.Bush nhưng do ông Bush có tới 271 phiếu đại cử tri trong khi ông Al Gore chỉ nhận được 266 phiếu đại cử tri nên ông Al Gore buộc phải chấp nhận thua cuộc. Ngoài hai thượng nghị sĩ Barack Obama và John McCain, trên thực tế còn có 255 ứng viên khác đang cùng chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm nay. H.Y |
Lê Đình Bì (viết từ Mỹ)
Bình luận (0)