Travis Bradberry, tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý học về tổ chức - công nghiệp, đã chỉ ra 6 điểm tối kỵ cần tránh tuyệt đối khi muốn xây dựng mối quan hệ lành mạnh với mọi người xung quanh, theo Huffington Post,
Tính cách xung hấn - thụ động
Tính cách xung hấn - thụ động (passive aggressive) có xu hướng thực hiện những hành vi tiêu cực đối với người khác, nhưng luôn cố che giấu cảm xúc tức giận của bản thân. Đây là nhóm cá nhân khó chấp nhận phản hồi, thường hoạt động theo sở thích riêng dù không đạt yêu cầu. Biểu hiện dễ nhận biết của xung hấn - thụ động là trì hoãn, lảng tránh trách nhiệm; ganh ghét, đối xử lạnh nhạt, thậm chí giả vờ vô tình bôi xấu hình ảnh đồng nghiệp...
Nếu môi trường làm việc chuyên nghiệp đòi hỏi chúng ta chia sẻ quan điểm và cảm xúc, có thái độ cầu tiến thì người xung hấn - thụ động thường kém nỗ lực, tự biện minh cho sự yếu kém của bản thân, dẫn đến chất lượng lao động giảm xuống trông thấy.
Trong trường hợp trở thành “mục tiêu” xung hấn - thụ động, bạn nên trao đổi với đối phương một cách thẳng thắn, đối thoại nhằm xây dựng và giữ thái độ bình tĩnh, hạn chế “chiến tranh tâm lý” vì nhóm người này thường nhạy cảm, có xu hướng né tránh xung đột.
Thiếu sự tha thứ và tin tưởng
|
Có những người cảm thấy vui mừng, thích thú khi chứng kiến lỗi lầm của bạn bè, đồng nghiệp. Họ thường có thái độ ganh ghét, thù vặt, luôn cho rằng bản thân đang bị người khác tìm cách hãm hại nên cố gắng loại bỏ “kẻ thù” ra khỏi những dự án quan trọng, do đó đôi khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc chung.
Nhóm người kể trên luôn tìm cách soi mói các sai sót, hiếm khi chịu khen ngợi hoặc tỏ ra thông cảm, tin tưởng đối phương. Để xây dựng mối quan hệ tích cực, bạn cần kiên nhẫn, chấp nhận tính cách có phần nhỏ nhen của họ.
Tình cảm đến từ một phía
Các mối quan hệ lành mạnh được xây dựng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và tất nhiên sẽ trở nên tồi tệ, miễn cưỡng khi tương quan cho - nhận không còn được đảm bảo. Trong trường hợp trở thành “nạn nhân” bị đòi hỏi quá đáng, bạn cần ngưng cống hiến, trao đổi thẳng thắn để tái xây dựng, xác định rõ ràng thái độ tương tác với đối phương.
Lý tưởng hóa
Dù bạn thân thiết, tin tưởng đối phương đến thế nào đi chăng nữa thì các mối quan hệ luôn cần có những giới hạn, mục tiêu nhất định. Dựa dẫm, đánh giá quá cao người khác khiến chất lượng công việc chung đi xuống, hình thành thái độ chủ quan, thiếu cẩn thận khi nhìn nhận sai lầm, thậm chí vi phạm đạo đức.
Bạn nên chủ động kiểm soát mối quan hệ, giữ sự cân bằng cần thiết khi giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp xung quanh.
Làm gì khi bị chê?
Nhiều dân mạng băn khoăn không biết nên làm thế nào nếu bị người khác chê bai, chỉ trích.
Cực đoan, chỉ trích thái quá
Người luôn tìm cách chỉ trích, trừng phạt một cách vô lý vì đối phương không hành động chính xác như những gì họ trông đợi, thậm chí bỏ qua quá trình trao đổi, phản hồi và thông cảm lẫn nhau, có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, tức giận, từ đó gây ra xung đột khó cứu vãn giữa đôi bên.
Để “sống sót” với nhóm cá nhân này, bạn cần tinh tế, kiên nhẫn, lựa chọn vấn đề tranh luận vì họ thường không tiếp nhận ý kiến trái chiều, mặt khác cho rằng bản thân hành động đúng còn đối phương phản ứng là do quá nhạy cảm.
Dối trá
Sự tin tưởng là nền móng của các mối quan hệ lành mạnh; do đó, nếu đối phương thường xuyên nói dối, né tránh trả lời thẳng thắn những câu hỏi của bạn thì không nên dành sự tin tưởng cho họ. Tình cảm xây dựng nên từ những lời dối gian chắc chắn không thể tồn tại lâu bền.
Bình luận (0)