8 câu 'thần chú' giúp bạn dễ dàng tạo mối quan hệ mới

26/08/2016 13:11 GMT+7

Networking có thể tạm hiểu là kỹ năng tạo dựng mối quan hệ, là một loại kỹ năng mềm quan trọng đối với bất kỳ lĩnh vực nào.

Càng nắm trong tay nhiều mối quan hệ, bạn càng có thêm nhiều cơ hội chờ đón, đồng thời tìm được các đối tác, cộng sự cho dự án, khởi nghiệp.
Vì xã hội ngày nay là một môi trường hữu cơ, mọi ngành nghề đều có liên quan với nhau, nên nếu không nắm vững kỹ năng networking là bạn đang tự hạn chế cơ hội và sự thăng tiến đến với mình rồi đấy.
Nói đến đây, có lẽ nhiều bạn sẽ bắt đầu phản bác rằng “tôi không phải là người hoạt ngôn”, “tôi không giỏi ăn nói”, “tôi là người hướng nội”… Nhưng đã gọi là kỹ năng thì bạn hoàn toàn có thể rèn luyện để có được nó, và với 8 câu “thần chú” siêu đơn giản dưới đây theo gợi ý của trang Inc., bạn sẽ nhận ra rằng networking không hề “kinh hoàng” như bạn nghĩ đâu!
Networking là một kĩ năng rất cần thiết cho sự nghiệp và cuộc sống hiện đại của người trẻ. Ảnh: Shutterstock
Networking là kỹ năng rất cần thiết cho sự nghiệp và cuộc sống hiện đại của người trẻ. Ảnh: Shutterstock
1. Xin chào, tên tôi/em là…
Một câu “thần chú” đơn giản, căn bản và chưa bao giờ hết hiệu quả là đây! Hãy nói câu này với một nụ cười, nhìn thẳng vào mắt người bạn đang nói chuyện và giới thiệu bản thân. Và rồi, chắc chắn không ai nỡ quay "đi một nước" mà không tươi cười lại và giới thiệu bản thân họ với bạn đâu.
2. Anh/chị đang làm gì?
Bạn có nhận ra rằng ai trong chúng ta cũng rất hào hứng khi nói về bản thân mình không? Chính vì vậy, một câu hỏi tạo điều kiện cho ai đó “tám” về chính bản thân họ rất dễ nhận được cảm tình từ phía đối phương. Và chắc chắn rằng bạn sẽ “bắt” được ít nhất một chi tiết thú vị nào đó trong câu chuyện của họ để kéo dài cuộc hội thoại hơn.
Bạn có biết rằng ai trong chúng ta cũng rất hào hứng khi nói về bản thân mình không? Ảnh: Shutterstock
Bạn có biết rằng ai trong chúng ta cũng rất hào hứng khi nói về bản thân mình không? Ảnh: Shutterstock
3. Anh/chị chuyên về lĩnh vực nào?
Thật ra, đây là một phiên bản sâu sát hơn của câu hỏi thứ hai, thích hợp để bạn sử dụng nếu đang tham dự một sự kiện của một ngành nghề cụ thể nào đó. Thử nghĩ mà xem, bạn đang ở trong một hội nghị của các nhà khởi nghiệp trẻ mà lại mang câu “Anh/chị đang làm gì?” ra hỏi thì có hơi “sai sai” không?
4. Điều anh/chị thích nhất về công việc hiện tại của mình?
Đây rồi, lại thêm một câu hỏi mở có thể “kích thích” đối phương nói không điểm dừng, bởi nói về chủ đề này thì không thể nào chỉ gói gọn trong vài từ hay đơn thuần là có – không như những câu hỏi Yes/No đâu. Hơn nữa, câu hỏi này sẽ vô tình tạo ra không khí tích cực và vui vẻ giữa hai người nữa đấy.
Hãy hỏi những câu hỏi mở về bản thân họ để cuộc hội thoại có “cơ hội” kéo dài hơn. (Ảnh: Shutterstock)
Hãy hỏi những câu hỏi mở về bản thân họ để cuộc hội thoại có “cơ hội” kéo dài hơn. Ảnh: Shutterstock
5. Anh/chị bắt đầu công việc này như thế nào?
Đây không chỉ là một câu hỏi để networking mà còn giúp bạn học hỏi được nhiều điều thú vị từ các “tiền bối”, dù chỉ nghe một phần về hành trình của họ. Một khi ai đó bắt đầu kể về những trải nghiệm, hành trình “gian nan” của mình thì nghĩa là cuộc hội thoại trở nên thú vị rồi đấy!
6. Anh/chị có trông đợi gì khi đến sự kiện này không?
Tất nhiên đây không phải là một câu để hỏi ở tiệc sinh nhật rồi, vì hỏi như thế trông bạn… cực kỳ ngớ ngẩn luôn! Nhưng nếu đó là hội thảo, hội nghị, workshop thì cũng đáng để thử đấy chứ. Với câu hỏi này, bạn sẽ tạo cơ hội cho đối phương bộc lộ một chút cá tính của mình, có thể là hài hước, chân thành, hay châm biếm… Từ đó, bạn sẽ “bắt nhịp” được với họ để tiếp tục “tung chiêu” và có cách đối xử phù hợp.
Đừng “dí” người đối diện bằng hàng tá câu hỏi, vì đây không phải là một buổi… phỏng vấn tuyển dụng. Ảnh: Shutterstock
Đừng “dí” người đối diện bằng hàng tá câu hỏi, vì đây không phải là một buổi… phỏng vấn tuyển dụng. Ảnh: Shutterstock
7. Tôi/em thích công việc của anh chị lắm đấy!
Nếu bạn đang nói chuyện với một nhân vật khá nổi tiếng trong giới hoặc ai đó bạn đã biết danh tiếng từ lâu, đừng ngần ngại thể hiện sự ngưỡng mộ với họ và cả công việc của họ nữa.
Một câu kiểu như “Tôi/em đã nghe anh/chị trình bày về dự án mới trong hội nghị năm ngoái, bây giờ dự án ấy sao rồi ạ?” hoặc “Quyển sách của anh/chị đã truyền cảm hứng/giúp em nảy ra một sáng kiến cực hay luôn đấy” tất nhiên sẽ giúp bạn ghi điểm ngay lập tức. Nhưng với điều kiện bạn thật sự đã nghe, đã biết về công việc, tác phẩm của họ, chứ không phải “chém gió” cho vui thôi nhé, hại lắm đấy.
5 lý do thi thoảng nên ở nhà vào cuối tuần
Vào dịp cuối tuần, tụ tập với bạn bè để gặp mặt, trò chuyện với nhau dường như là thói quen không thể thay đổi. Tuy nhiên, ở nhà một mình cũng mang lại nhiều lợi ích bất ngờ, tạo cơ hội giúp cân bằng cuộc sống.
8. Anh/chị sẽ khuyên gì với một người mới bắt đầu ở lĩnh vực anh/chị đang làm?
Đây là câu hỏi bạn buộc phải đặt ra khi gặp tiền bối hoặc “tượng đài” trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi và bạn sẽ ngạc nhiên vì những gì mình nhận lại được đấy. Ngoài ra, cũng đừng quên hỏi thêm về việc công việc, ngành nghề này đã thay đổi như thế nào trên con đường sự nghiệp của họ nữa.
Và nếu 8 câu hỏi này vẫn quá khó đối bạn thì hãy nhớ lấy duy nhất 1 bí kíp, rằng hãy luôn thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi và mong muốn được chia sẻ, và rồi bạn sẽ biết mình cần hỏi đối phương những câu gì. Tuy nhiên cũng đừng “dí” người đối diện bằng hàng tá câu hỏi nhé, bởi đây là networking, chia sẻ và học hỏi, chứ không phải là một buổi… phỏng vấn tuyển dụng đâu!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.