Cần chọn lọc, cân nhắc khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội

31/05/2016 08:38 GMT+7

Người dùng mạng được tự do chia sẻ thông tin cho người khác, đưa ra những suy nghĩ, quan điểm cá nhân về bất kì vấn đề nào, luật sư Nguyễn Đức Chánh nói.

Talkshow “60 phút Mở” được phát sóng trên kênh VTV1 tối 29.5 do nhà báo Tạ Bích Loan dẫn chương trình, với sự có mặt của các khách mời là MC Phan Anh, nhà báo Hồng Quang Thanh, chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà, nhiếp ảnh gia Na Sơn... Vấn đề chương trình đặt ra: “Chia sẻ lên mạng xã hội để làm gì?”, trở thành đề tài tranh luận sôi nổi cho những người tham gia đối thoại, lẫn khán giả xem truyền hình.

Chương trình gây tranh cãi

Dân mạng cho rằng MC Phan Anh bị nhà báo Tạ Bích Loan cùng các khách mời “đấu tố” vì chia sẻ clip cá chết không đúng sự thật do kênh truyền hình VTC đăng tải.

Trước đó, tiến sĩ tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà khẳng định chắc nịch, việc chia sẻ câu chuyện cá chết của MC Phan Anh có động cơ là nhu cầu quyền lực (muốn tác động, muốn người khác nghe theo). Còn, nhà báo Tạ Bích Loan nhận xét: “Khi chúng ta chia sẻ những thông tin xấu nghĩa là chúng ta muốn được chú ý, muốn câu like, câu view…".

Talkshow 60 phút Mở phát sóng trên kênh VTV1 - Ảnh: chụp màn hình

Những phát ngôn này đã dấy lên làn sóng tranh luận nảy lửa trong cộng đồng mạng.

Khi sự việc được đẩy lên cao, Phan Anh đã có những chia sẻ gửi đến người ủng hộ anh trên Facebook: “Xin vui lòng tôn trọng những ý kiến khác biệt. Hãy trao đổi một cách bình tĩnh, văn hóa. Họ trong đời sống đều là người tôi quý mến và ngược lại tôi tin không có thù ghét gì tôi cả!”.

Còn nhiếp ảnh gia Na Sơn, người ngồi cạnh Phan Anh trong buổi talkshow thì lên tiếng: “Phan Anh không hề bị 'lép vế' như mọi người nghĩ. Có nhiều câu anh nói như: Tôi phải tin VTC chứ, vì đó là nguồn tin chính thống, đài truyền hình nhà nước, cũng như mọi người tin vào phóng sự... quét rau của VTV vậy, nhưng không xuất hiện vì thời lượng không cho phép”.

Mỹ Lệ, một khán giả xem chương trình nêu ý kiến: “Bất kì một chương trình nào lên sóng cũng đều được biên tập, chỉnh sửa, và ‘60 phút Mở’ cũng không ngoại lệ. Vậy nên, mình không bình luận ai đúng, ai sai trong vấn đề này bởi nó thuộc về quan điểm và dụng ý của người sản xuất”.
Phan Anh vui vẻ chụp hình cùng những người phản biện mình và không quên nhắc khán giả xem chương trình - Ảnh: Facebook Phan Anh

“Dù có hay không cuộc trao đổi này, mình luôn quan niệm rằng cần phải ‘share có ý thức’, cái này mọi người cũng được nhắc rất nhiều rồi, nhưng nhiều người chưa coi trọng. Khi chia sẻ một vấn đề nào đó, bạn cần hiểu sự tác động của nó tới cộng đồng và nên kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn một cách kỹ lưỡng, để nguy cơ sai lệch thấp nhất có thể”, Mỹ Lệ cho biết thêm.

Chia sẻ trên mạng xã hội có phạm pháp?

Những tranh luận trong chương trình "60 phút Mở" khiến người dùng mạng đặt ra những câu hỏi: Chúng ta được chia sẻ gì và không nên chia sẻ điều gì trên mạng xã hội? Nếu chia sẻ thông tin từ nguồn tin chính thống nhưng thông tin này sai lệch, người dùng mạng có bị quy trách nhiệm hay không?

Trả lời về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hiện nay, pháp luật không cấm việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Người dùng mạng được tự do chia sẻ thông tin cho người khác, đưa ra những suy nghĩ, quan điểm cá nhân về bất kì vấn đề nào. Song, việc chia sẻ cần phải được chọn lọc, cân nhắc. Hành vi vô ý chia sẻ thông tin sai lệch sẽ khó bị xử phạt.

Tuy nhiên, nếu người dùng mạng xã hội cố ý chia sẻ những thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm.

Cụ thể, theo quy định tại điểm a, khoản 3 điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi tung tin sai sự thật gây hoang mang trong xã hội vi phạm quy định pháp luật về thông tin trên mạng, có thể bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng điểm a, khoản 3 điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần phải được chọn lọc, cân nhắc - Ảnh minh họa: AFP

Ngoài ra, trường hợp tung tin đồn nhảm gây thiệt hại cho xã hội không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị khởi tố hình sự.

Nếu dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin từ cơ quan thông tấn báo chí, là nguồn thông tin chính thống nhưng vẫn sai lệch như vụ thử nghiệm cá chết của VTC hay "cây chổi quét rau" do VTV phát sóng… thì không thể đòi hỏi người dùng mạng phải gánh chịu hậu quả mà cơ quan báo chí gây ra. Khi đưa thông tin không có thật, phóng viên, ban biên tập… phải chịu trách nhiệm, luật sư Nguyễn Đức Chánh nói thêm.

Bắt người dùng mạng xã hội phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả khi xem một chương trình, tờ báo chính thống, là đòi hỏi quá đáng. Vì rõ ràng, cơ quan báo chí phải trung thực trong việc đăng tải tin, bài của họ. Chúng ta chỉ có thể đòi hỏi truy cứu trách nhiệm với người dùng mạng xã hội khi họ chia sẻ thông tin sai sự thật từ những nguồn không chính thống, không có nguồn tin..., luật sư Nguyễn Đức Chánh nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.