Chuyện tình cô gái Việt tật nguyền với ông chủ tiệm xe hơi

06/01/2015 21:27 GMT+7

(TNO) 0 giờ ngày 11.5.2014 có lẽ là khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với Khánh Xuân khi một chàng trai Mỹ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, ôm Khánh Xuân vào lòng và nói: “My wife!”.

(TNO) 0 giờ ngày 11.5.2014 có lẽ là khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với Khánh Xuân khi một chàng trai Mỹ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, ôm Khánh Xuân vào lòng và nói: “My wife!”

Lễ đính hôn của Khánh Xuân (áo dài đỏ) và Freddie Scott (áo trắng) tại nhà
- Ảnh do nhân vật cung cấp
“Xuân là người xinh đẹp nhất”
Đến bây giờ, dù đang chìm đắm trong hạnh phúc, nhưng Khánh Xuân vẫn không quên được cảm giác hồi hộp, lo lắng trước khi gặp Freddie Scott, chàng trai Mỹ đã lặn lội về Việt Nam vì muốn lấy Xuân làm vợ. Vốn dĩ Xuân là cô gái còi cọc, tật nguyền, hay đau bệnh. Trước khi gặp Freddie, điều làm Xuân lo sợ nhất là Freddie sẽ ái ngại, thất vọng và hụt hẫng về mình. Khi Freddie ôm chầm Xuân tại phi trường, thì ngay lập tức, nỗi lo sợ ấy tan biến. Chỉ còn hạnh phúc tột cùng.
Cuối năm 2013, sau 10 năm ra trường, làm việc ở nhiều công ty khác nhau với mức lương thấp, khó trang trải cho cuộc sống chốn Sài thành, một người bạn đã giới thiệu cho Xuân làm thêm trên mạng với Freddie, ông chủ một doanh nghiệp Mỹ chuyên kinh doanh thảm và xe hơi cũ. Công việc của Xuân khi đó chỉ là đăng quảng cáo trên các trang mạng. Ngoài công việc, Xuân và ông chủ Freddie cũng chia sẻ với nhau quan điểm về cuộc sống, về gia đình… Những chia sẻ, tâm sự cứ liên tục, liên tục và ngày càng sâu sắc. Freddie lúc nào cũng tỏ ra thông cảm, động viên, an ủi Xuân. Biết Xuân tật nguyền, hay đau yếu, Freddie luôn quan tâm, hỏi han như với một người tri kỷ.
Rồi đến một ngày, Freddie nói yêu Xuân thật nhiều, mỗi ngày tình yêu ấy lại càng lớn hơn, chân thành hơn. Freddie ngỏ lời cầu hôn. Đúng lúc ấy, ba bị tai biến, Xuân phải về quê chăm sóc. Thế là hàng trăm email, hàng trăm thiệp điện tử, những bó hoa tươi từ Freddie được gửi về cho Xuân ngày một nhiều. Xuân kể: “Freddie muốn đính hôn với em ngay lần đầu tiên tới Việt Nam. Thời gian dài tiếp xúc trên mạng trước đó, em cảm thấy rất tin tưởng, nên khi Freddie ngỏ lời cầu hôn, em không suy nghĩ nhiều. Em đón nhận tình cảm ấy như món quà của cuộc đời ban tặng”.
Rồi ngày về Việt Nam của Freddie cũng được ấn định, 11.5.2014. Freddie đếm từng ngày, nôn nóng thu xếp công việc. Ngày ra đón Freddie tại phi trường, Xuân mặc chiếc váy màu cam, màu mà Freddie rất thích. Lúc được Freddie ôm trong vòng tay và thì thầm “My wife!”, Xuân mới dám tin rằng hạnh phúc đã đến. Những ngày sau đó, Freddie luôn bên cạnh Xuân. Gặp ai Freddie cũng giới thiệu đây là vợ mình. Xuân vẫn còn ngại vì mình chỉ cao 1m27 và nhỏ con, nhưng Freddie bảo: “Em là người đẹp nhất. Anh thật may mắn có em!”. Nhiều người nhìn ngó khi hai người đi với nhau, Freddie cười phân trần: “Tôi đang đi chung với một ngôi sao!”. Thế là Xuân cảm thấy tự tin khi được ở bên người đàn ông của mình.
Một tuần sau, 18.5.2014, lễ đính hôn theo phong tục Việt Nam được tổ chức. Freddie hân hoan hết mực. Nhưng ngay hôm đó, Xuân phải nhập viện gấp. Freddie lo lắng, đưa ngay Xuân từ Đồng Nai lên TP. HCM. Suốt một tuần lễ, Freddie chăm sóc Xuân từng li từng tí. Sợ Xuân nằm viện rồi lây bệnh khác, Freddie cõng Khánh Xuân đi về mỗi ngày. Lúc gặp mấy bà bán hàng rong, mấy bác xe ôm gần bệnh viện, lúc nào Freddie cũng khoe: “Vợ tui nè! Rất xinh đẹp!”. Hai tuần ở Việt Nam, thì mất một tuần Freddie và Xuân ở trong bệnh viện.
Hạnh phúc muộn màng
Bây giờ, Xuân đang chờ hoàn tất thủ tục để sang Mỹ với Freddie. Giấc mơ về một gia đình hạnh phúc tưởng chừng có lúc đã lụi tàn, thì lại đang hiện hữu đối với Xuân như một sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực phi thường.
Tuổi thơ của Xuân là những chuỗi ngày được ba cõng đến trường trong sự cười cợt, chọc ghẹo của bạn bè. Suốt những năm học phổ thông, bỏ qua những ánh mắt hiếu kỳ xung quanh, bỏ qua những câu nói ác ý của người khác, Xuân nỗ lực hoàn thành chương trình phổ thông với những giấy khen học sinh giỏi để ba vui lòng. Hồi đó, Xuân kể, đối với một học sinh bình thường ở quê nhà, hai chữ “đại học” là một điều quá xa vời, chưa kể đối với một học sinh tật nguyền như Xuân.
Ngày cha con Xuân lên TP.HCM thi đại học, một người hàng xóm đã nguýt dài và nói với ba Xuân: “Hừm, trứng mà đòi chọi với đá!”. Xuân chỉ biết im lặng và tự ái: “Tôi sẽ cho ông thấy!”. Thế là Xuân quyết tâm thi đậu đại học bằng mọi giá. Nỗ lực của Xuân được đền đáp khi đậu cả 3 trường đại học mà cô nộp hồ sơ. Lời nói của ông hàng xóm bỗng trở thành động lực thúc đẩy Xuân quyết tâm hơn trong suốt những năm tháng sau này. Xuân thầm cảm ơn người hàng xóm ấy. Xuân bảo: “Không có gì là không thể nếu chúng ta thật sự cố gắng hết mình cho một mục đích tốt đẹp, cho dù đó là việc “đem trứng chọi đá”.
Sau khi ra trường, một người khuyết tật như Xuân rất khó kiếm việc với thu nhập cao. Sức khỏe và chiều cao không cho phép Xuân làm việc như những người bình thường. Cuộc sống ở đô thị lớn thật khó khăn cho Xuân. Nhưng cuộc sống khó khăn đó không quật ngã được cô gái lúc nào cũng mong mỏi một hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc ấy, đối với Xuân, giờ đây là tình yêu chân thành của Freddie.
Freddie nói rằng, anh yêu và cảm phục Xuân. Trước khi gặp nhau ngoài đời thực, Freddie nhận thấy có rất nhiều điểm chung giữa hai người. Yêu cuộc sống gia đình, yêu trẻ thơ, cùng nhau chia sẻ cuộc sống. Đó cũng chính là lý do Freddie quyết định đến Việt Nam gặp và đính hôn với Xuân.
“Chúng tôi có thể khác nhau về văn hóa, nhưng điều đó không quan trọng. Tiếng Anh của Xuân không tốt, nhưng Xuân bảo sẽ nói với tôi bằng ngôn ngữ của tình yêu. Tôi ước gì mình có thể gặp Xuân sớm hơn!”, Freddie tâm sự. Nhớ lại khoảnh khắc khi vừa xuống phi trường, gặp Xuân, Freddie thổ lộ: “Khi ôm Xuân trong vòng tay chính là lúc tôi biết tình yêu mình dành cho Xuân là tình yêu đích thực. Càng bên nhau, tôi càng yêu Xuân. Và tôi hiểu, đến Việt Nam là quyết định đúng đắn”.
Họ hàng, làng xóm cũng có người nghi ngại tình cảm của Freddie dành cho Xuân. Tuy nhiên, nửa tháng ở Việt Nam, sự săn sóc, lo lắng chân thành của Freddie đối với Xuân đã xóa đi những nghi ngại ấy. Dù Xuân nhỏ con, không được như những người con gái khác, nhưng với Freddie, Xuân là nữ hoàng, là bông hoa, là tia nắng mặt trời… Freddie dán hình Xuân trong xe hơi, để “luôn được ngắm nhìn Xuân mỗi khi Xuân không thể online”.
Còn một thời gian nữa, Freddie và Xuân mới được trọn vẹn bên nhau. Gần đây, bệnh tình khiến Xuân gần như là người bại liệt. Một số người lo lắng Freddie sẽ rời bỏ Xuân. Thế nhưng, Freddie luôn cố gắng thức khuya hơn, dậy sớm hơn để gặp gỡ, động viên Xuân qua mạng.
Đối với Xuân, Freddie là hạnh phúc, muộn màng nhưng trọn vẹn. Còn với Freddie, Xuân là niềm vui, là ý nghĩa cuộc đời của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.