Con dấu đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

05/10/2016 08:42 GMT+7

Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam đang lưu giữ một hiện vật quý, đó là con dấu của Tổng đoàn thanh niên Việt Nam.

Qua nhiều năm nghiên cứu, khớp nối các dữ liệu lịch sử, đội ngũ cán bộ Bảo tàng Tuổi trẻ VN chứng minh giá trị của hiện vật này đánh dấu sự ra đời của Tổng đoàn thanh niên VN - tổ chức tiền thân của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN VN).
Trở về từ lòng đất
Trong số nhiều tư liệu, hiện vật về lịch sử Đoàn, Hội, Đội thì con dấu của Tổng đoàn thanh niên VN đang cất giữ và trưng bày tại Bảo tàng Tuổi trẻ VN là hiện vật độc bản, có giá trị và ý nghĩa lịch sử đặc biệt, bởi nó là chỉ dấu quan trọng cho sự khởi đầu của Tổ chức Hội LHTN VN.
Mang ra từ phòng trưng bày, tiến sĩ Phạm Bá Khoa, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ VN, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học lịch sử T.Ư Đoàn, tỉ mẩn giới thiệu, thuyết minh giúp chúng tôi hiểu ngọn ngành câu chuyện lịch sử về hiện vật này.
Con dấu làm bằng đồng, nhưng qua thời gian đã bị gỉ sét khiến các nét chữ không còn nguyên vẹn. Trên mặt chính con dấu, một số chữ cái không còn sắc cạnh đủ hiện rõ chữ khi đóng dấu. Quan sát hiện vật bằng mắt thường, dễ thấy dòng chữ trong con dấu được khắc theo lối chữ viết hoa: CHẤP ỦY TỔNG ĐOÀN, và dòng chữ ĐOÀN THANH NIÊN VIỆT NAM được sắp xếp theo vòng tròn, chiều kim đồng hồ; chữ cái đầu tiên và chữ cái cuối cùng kết nối với nhau bằng ngôi sao năm cánh.
Những người thầm lặng làm nên lịch sử
Tôi chợt nhớ một người thanh niên trí thức đã hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy ở đông Gia Lai đầu năm 1953. Đây là trận đánh công kiên gần như đầu tiên của Vệ quốc đoàn trung Trung bộ.
Thông tin về nguồn gốc hiện vật này, tiến sĩ Phạm Bá Khoa cho hay con dấu được tìm thấy lần đầu tiên ở gia đình ông Lã Văn Tấn, xóm Đầu Đầu, xã Đức Lương, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khi đào đất làm móng xây
nhà vào khoảng đầu tháng 12.2005. Nhận thấy đây là hiện vật quý, ông Tấn báo tin cho Tỉnh đoàn Thái Nguyên. Ngày 24.12.2005, gia đình ông Tấn đã làm thủ tục bàn giao hiện vật cho Tỉnh đoàn Thái Nguyên để tiếp tục báo cáo và bàn giao về T.Ư Đoàn vào ngày 26.12.2005. Sau khi tiếp nhận, T.Ư Đoàn đã chính thức chuyển hiện vật này về lưu trữ tại Phòng Bảo tàng và đào tạo kỹ năng thuộc Trung tâm văn hóa giáo dục tổng hợp thanh thiếu nhi (nay là Trung tâm thanh thiếu nhi T.Ư Đoàn).
Năm 2008, T.Ư Đoàn quyết định thành lập Bảo tàng Tuổi trẻ VN thì con dấu được chuyển giao về đây. Kể từ khi tiếp nhận con dấu này, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lịch sử về các tổ chức thanh niên, phong trào thanh niên dành nhiều tâm huyết và đam mê tìm kiếm, khớp nối các tài liệu lịch sử để đánh giá đúng giá trị và ý nghĩa của hiện vật, vừa để lưu trữ vừa làm công tác thuyết minh giới thiệu cho khách tham quan. Theo đó, câu chuyện lịch sử xung quanh hiện vật mỗi ngày một dày hơn.
Con dấu đầu tiên của Hội LHTN VN 2
Mặt trước con dấu đầu tiên của Tổ chức Tổng đoàn thanh niên VN, tổ chức tiền thân của Hội LHTN VN Ảnh: Phan Hậu
Có giá trị lịch sử đặc biệt
Tiến sĩ Phạm Bá Khoa nhấn mạnh thông tin còn được ghi chép trong cuốn Lịch sử Hội LHTN VN và các phong trào thanh niên VN, do Ban Bí thư T.Ư Đoàn chỉ đạo xây dựng, có sự cố vấn của GS sử học Trịnh Nhu và GS sử học Lê Mậu Hãn, thì Tổ chức Tổng đoàn thanh niên VN ra đời khoảng tháng 6.1946 theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và T.Ư Đảng. Khi ấy, luật sư Dương Đức Hiền được giao làm Tổng đoàn trưởng. Gọi là Tổng đoàn thanh niên VN, nhưng bấy giờ đã có Đoàn thanh niên Cứu quốc. Theo đó, Tổng đoàn thanh niên VN là tổ chức có vai trò mặt trận đoàn kết, tập hợp rộng rãi thanh niên, trong đó lấy Đoàn thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt để vận động thanh niên tham gia công cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Tiến sĩ Phạm Bá Khoa khẳng định con dấu này có giá trị lịch sử và ý nghĩa đặc biệt. Bởi nơi tìm thấy là địa bàn H.Đại Từ (Thái Nguyên), từng là nơi đặt nhiều cơ quan T.Ư trong kháng chiến chống Pháp, trong đó có cả Tổ chức Đoàn thanh niên Cứu quốc (nay là T.Ư Đoàn) và Tổng đoàn thanh niên VN.
Đã từng có những thanh niên như thế
Họ đã bằng những khẩu súng trường bắn phát một ngăn chặn những binh đoàn của quân Pháp khi chúng muốn tái chiếm Hà Nội. Họ đã mở đường máu đưa Bác Hồ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thoát khỏi vòng vây giặc...
Cũng theo tiến sĩ Phạm Bá Khoa, con dấu này đã chứng minh ngay từ những năm tháng khó khăn chống Pháp thì thanh niên đã có một tổ chức khá chặt chẽ từ T.Ư đến cơ sở, là tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lực lượng thanh niên có vai trò vô cùng quan trọng nên cần một tổ chức rộng rãi, mang tính chất mặt trận nhằm thu hút, đoàn kết và tập hợp để tham gia phong trào kháng chiến kiến quốc. Đây cũng là quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản VN sau này trong xây dựng tổ chức của thanh niên và phong trào thanh niên. Điều này đã chứng minh và khẳng định Tổng đoàn thanh niên VN là tổ chức tiền thân của Hội LHTN VN sau này.
Tiến sĩ Phạm Bá Khoa chia sẻ: “Từ con dấu này và qua nghiên cứu lịch sử công tác thanh niên thì quan điểm “Hội rộng, Đoàn mạnh” là nhất quán, xuyên suốt từ trước đến nay khi Hội phải có nhiều thành viên tập thể, đa dạng đối tượng thanh niên đoàn kết tập hợp nhưng Đoàn phải là thành viên nòng cốt, có vai trò định hướng chính trị để Hội hoạt động”.
Ngày 15.10.1956, Đại hội Liên hiệp Thanh niên VN vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu đến dự. Huấn thị tại đại hội, Bác căn dặn: “... Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng nước nhà tốt đẹp - một nước VN hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”.
Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ban Chấp hành T.Ư Hội gồm 52 thành viên do bác sĩ - Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch làm chủ tịch. Đại hội xác định tinh thần cơ bản của Hội LHTN VN là: “Đoàn kết rộng rãi, lâu dài, dựa trên sự thật thà, thân ái giúp đỡ nhau, tôn trọng tính chất độc lập của các tổ chức và làm việc theo phương pháp dân chủ bàn bạc để cùng nhau thỏa thuận, thống nhất ý kiến và thực hiện”.
Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh lời tuyên bố của Liên đoàn Thanh niên VN hòa mình vào Hội LHTN VN. Đồng thời khẳng định Hội LHTN VN là thành viên của Mặt trận Tổ quốc VN và Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
Ngày 20.12.1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN ra đời. Tiếp đó, Hội LHTN giải phóng miền Nam được thành lập bao gồm Hội Liên hiệp Sinh viên giải phóng, Hội Học sinh giải phóng và các tổ chức thanh niên yêu nước khác do nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng, Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN làm Chủ tịch Hội...
Trích đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống
Hội Liên hiệp Thanh niên VN (15.10.1956 - 15.10.2016)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.