Những ai quan tâm đến cuộc thi Toán học quốc tế, dành cho khối Trung học phổ thông những năm gần đây, ắt hẳn đã từng nghe danh Vũ Xuân Trung. Cậu học trò quê lúa Thái Bình sinh năm 1998 đã tạo “cú đúp” ấn tượng khi giành giải vàng môn Toán trong 2 năm liên tiếp tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO).
Năm 2015, với bài thi điểm số cao nhất toàn đoàn, dù là thí sinh nhỏ tuổi nhất (học lớp 11), Xuân Trung được nhận bằng khen học tập danh giá của Thủ tướng chính phủ.
|
tin liên quan
Chàng trai vàng của toán học Việt Nam
‘Thông não’ để học Toán
Theo nhận định của Xuân Trung, đề Toán năm nay khá khó bởi nó không thiên về thế mạnh đội tuyển Việt Nam là hình học, mà lại có khá nhiều câu hỏi mang hơi hướng đại số tổ hợp, số học. Không giống Toán trong chương trình học phổ thông, để giải đề quốc tế, thí sinh phải kết hợp kiến thức nền với khả năng tư duy, phân tích, phán đoán… Đó là những kỹ năng cần thời gian rèn luyện.
“Sau khi hoàn thành bài thi, qua trao đổi với thầy giáo, em cầm chắc từ 70% đến 80% khả năng có giải cao. Có lẽ vì vậy mà cảm xúc của em khi nhận tin được huy chương Vàng lần này không bất ngờ bằng năm ngoái, mặc dù vẫn rất hạnh phúc”, Xuân Trung bộc bạch với Thanh Niên.
Trung thừa nhận, để giỏi Toán, mình không có bí quyết đặc biệt nào, chỉ đơn giản là: “Một khi đã yêu thích thứ gì thì chúng sẽ vô đầu mình rất nhanh. Để học tốt môn các môn Tự nhiên nói chung, ngoài việc nắm vững kiến thức và các kỹ năng cần có như phân tích, phán đoán, tư duy logic, bạn cũng cần một chút may mắn. Và em thấy mình khá may mắn, đặc biệt là trong các cuộc thi”.
9X không đặt áp lực cho mình phải đọc nhiều đầu sách Toán hay tham khảo tài liệu nước ngoài thường xuyên để nâng cao kiến thức, với cậu, kiến thức hữu ích ở khắp mọi nơi, đó có thể đến từ các bài chia sẻ kinh nghiệm ngắn về việc học và giải Toán trên các diễn đàn mạng dành cho người có cùng đam mê…
“Trong Toán học, đừng đặt nặng việc phải tự mình tìm ra đáp án, bởi khi đọc lời giải của người khác, bạn sẽ học hỏi được suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, lối tư duy của họ. Dùng cái hay đã lĩnh hội được để giải quyết những vấn đề tương tự, sẽ có lợi hơn. Với mình, học hỏi người khác cũng là một cách học!”, Xuân Trung chia sẻ quan điểm về việc giải Toán.
tin liên quan
Con gái chị lao công ở Sài Gòn nhận học bổng 7 tỉ của HarvardKhông học thêm, mê xem phim
Đạt nhiều giải thưởng Toán học, điểm Toán trung bình cấp 3 không dưới 9, 2 lần giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế… nhiều người nghĩ Xuân Trung phải dành nhiều tâm sức cho môn học này và là một “mọt sách” chính hiệu.
Nhưng khi tiếp xúc với em, chúng tôi nhận ra, thời gian Trung dành cho môn Toán không đặc biệt nhiều. Thậm chí, 9X còn không tham gia bất kỳ lớp học thêm nào. Thời gian các bạn đi mài đũng quần ở các trung tâm, lò luyện, cậu ở nhà làm bài tập, xem phim, đi chơi, làm tất cả mọi thứ mình thích.
“Chàng trai Vàng” có cách nhìn khá thoải mái giữa học và chơi: “Em xem việc xem phim cũng giống như học Toán, đều xuất phát từ đam mê, khi nào thích thì làm, thấy thoải mái thì bắt đầu, không có thời gian cụ thể và cũng không đặt quá nhiều áp lực trong việc lĩnh hội. Nếu như Toán học giúp em mở mang đầu óc, cho em nhiều ứng dụng hay trong đời sống, thì phim ảnh lại giúp em có cái nhìn phong phú, đa chiều về nhân sinh quan, học hỏi thêm các kỹ năng sống…”.
|
Tiếp xúc với Xuân Trung, người đối diện dễ cảm nhận sự tinh nghịch, thẳng thắn, cởi mở, nét tính cách đặc trưng của dân theo khoa học - tự nhiên. Khi hỏi về dự định tương lai, cậu thật thà: “Em sẽ vào trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (TP.Hà Nội). Bản thân em cũng thích du học lắm nhưng nếu không tìm được ngôi trường phù hợp có suất học bổng toàn phần, em sẽ lựa chọn học tiếp ở Việt Nam, vì với điều kiện kinh tế của gia đình em, 10% hay 20% tự túc cũng là một áp lực lớn”.
Suy nghĩ của Xuân Trung xuất phát từ thực tế đình em vừa mới bước qua giai đoạn kinh tế khó khăn. Những ngày sau vụ mùa, bố Trung đi khắp Thái Bình sửa khóa, còn mẹ em bán gương, lược dạo nuôi 5 chị em Trung. Hiện tại, 3 chị gái đầu đã kết hôn và có cuộc sống riêng, người chị kế Trung cũng chuẩn bị lên xe hoa…
“Các chị lấy chồng hết, sắp tới đây em lại lên Hà Nội nhập học, ngôi nhà rồi đây sẽ quạnh quẽ và chắc bố mẹ cô đơn lắm. Nghĩ tớ đó, em thấy lòng rối bời quá!”, trăn trở của chàng trai quê lúa trước lúc bước chân vào đại học.
Bình luận (0)