Để không thất nghiệp sau tốt nghiệp: Cứ sai đi vì đời cho phép

01/07/2016 08:42 GMT+7

Từ một cậu sinh viên chật vật trên ghế giảng đường, ít ai biết anh chàng ngơ ngơ tưởng chừng không tốt nghiệp nổi đại học lại là một trong những người đưa phong cách chụp phóng sự ảnh cưới trở thành trào lưu tại Việt Nam.

Mê game online, La Nhân cố gắng thi vào ngành Công nghệ thông tin để mơ ước có thể lập trình được một trò chơi với đồ họa 3D xuất sắc. Tuy nhiên, khi hành trình đại học được hơn một nửa, anh chàng mới nhận ra tất cả những bức tranh vẽ về ngành này không như mình mong đợi.
Nếu có biến cố, hãy nghĩ về lý do mình bắt đầu. Không ai thành công ngay với một lần thử nghiệm.
La Nhân
Không lúng túng trước sự lựa chọn được cho là sai lầm, biết mình thực sự đam mê máy ảnh, anh chàng lập tức làm thêm ngoài giờ ở nhiều nơi, học hỏi cách sử dụng máy và lựa góc chụp cho chuyên nghiệp. Bên cạnh đó dành dụm tích góp đầu tư cho thiết bị “hành nghề”.
Ít ai ngờ, từ một sinh viên lơ ngơ trên ghế giảng đường, La Nhân bây giờ trở thành quản lý hình ảnh, kiêm nhiếp ảnh gia cho một tập đoàn lớn và có tên khá nổi trong nghề.
Còn nhớ khi đặt chân vào con đường nghệ thuật, các nhiếp ảnh gia ngoài thị trường rất nhiều, xu hướng cạnh tranh khó khăn, La Nhân chọn hướng đi riêng trong phong cách, mày mò tìm hiểu về thể loại ảnh phóng sự (không sắp đặt trước) từ các website nước ngoài để đem về Việt Nam thử nghiệm, cụm từ “Wedding Photojournalist” cách đây 3-4 năm vẫn là một khái niệm xa lạ ở Việt Nam.
Thể loại ảnh phóng sự ảnh cưới đang thịnh hành hiện nay Ảnh: La Nhân
Khởi đầu tưởng chừng thuận lợi, nhưng vừa học vừa làm là một hành trình gian nan, chưa kể có những biến cố. Ngay khi vừa "tậu" được bộ đồ nghề hoành tráng để “tác chiến”, thương hiệu La Nhân Photo được định hình trong các bộ ảnh, thì anh bạn gặp một tai nạn nghề nghiệp trong lúc chụp ngoài biển và mất hết gần trăm triệu đồng tiền thiết bị.
Đừng làm những gì người khác đã làm và thành công. Hãy làm những gì mình có thể làm tốt nhất. May mắn và cơ hội thường đến bất ngờ, hãy nắm bắt nó đừng chần chừ.
La Nhân
Nhân từng nghĩ mình sẽ bỏ cuộc, nghĩ nhiều về việc tập trung hết lực cho tấm bằng đại học và trở thành một lập trình viên; tuy nhiên, đam mê lại lần nữa thôi thúc. La Nhân lại tiếp tục hành trình gầy dựng lại mọi thứ, trước khi đến hẹn với gia đình: Tốt nghiệp đại học.
Trước sự phản đối của bạn bè với nghề nhiếp ảnh, và mong muốn của gia đình về tấm bằng đại học, áp lực khi cầm máy của Nhân cực kỳ lớn. Hoặc thành công, hoặc dẹp bỏ đam mê để tham gia vào một công ty phần mềm nào đó.
Không ít những lần chụp phóng sự cưới về đến nhà là nửa đêm, Nhân vẫn phải lôi bài vở ra chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Chưa kể việc chụp ảnh phóng sự cưới còn nhiều xa lạ, có khi phải chụp miễn phí cho các cặp đôi để đem về tư liệu sau này cho bản thân.
May mắn cộng với đam mê sẽ đạt được nhiều kết quả. Khi vừa tốt nghiệp, anh chàng được nhận ngay vào một tập đoàn lớn, trở thành người phụ trách hình ảnh sản phẩm kiêm nhiếp ảnh gia cho tập đoàn này, bên cạnh việc chụp ảnh phóng sự cưới ngày một nhiều, áp lực việc làm gần như không có, tấm bằng – lựa chọn được xem là sai lầm – được để đó xem như kỷ niệm cho hành trình song song cùng tới đích.
Với La Nhân, các bí kíp sau để không hoang mang khi đã lỡ chọn sai ngành học:
1. Bình tĩnh, xem mình thật sự thích gì, cứ chọn một hướng song song để đi cùng, không nhất thiết phải từ bỏ hết mọi thứ. Đừng đấu tranh với gia đình về việc học tiếp hay dừng lại, hãy làm tốt cả 2, hoặc ít nhất có một cái tốt nhìn thấy được.
2. Đừng làm những gì người khác đã làm và thành công. Hãy làm những gì mình có thể làm tốt nhất. May mắn và cơ hội thường đến bất ngờ, hãy nắm bắt nó đừng chần chừ.
3. Nếu có biến cố, hãy nghĩ về lý do mình bắt đầu. Không ai thành công ngay với một lần thử nghiệm.
4. Cứ sai đi vì đời cho phép, còn trẻ, sai thì sửa, chỉ sợ không dám làm rồi cầm bằng Đại học xong lại thấy hoang mang.
Bạn là sinh viên chuẩn bị ra trường hay đã tốt nghiệp? Bạn đã có việc làm hay vẫn đang tìm việc? Bạn đang loay hoay với những khó khăn gì? Bạn có những 'độc chiêu' xin việc muốn chia sẻ?
Hãy kể câu chuyện và kinh nghiệm của bạn với chúng tôi. Xin email về địa chỉ: cong.phan@thanhnien.vn với Tiêu đề: [GIỚI TRẺ] [KHÔNG THẤT NGHIỆP SAU TỐT NGHIỆP] Bài viết trong khoảng 500 - 800 chữ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.