Học chữ ở vùng biên

25/09/2013 03:10 GMT+7

Một ngôi trường nhỏ nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh biếc. Không chỉ là nơi kiếm tìm con chữ, Trường tiểu học 78 còn là mái nhà chung của những đứa trẻ vùng biên giới Mo Ray (huyện Sa Thầy, Kon Tum), nơi giáp giới Campuchia.

 Học chữ ở vùng biên
Giải lao giữa giờ học - Ảnh: An Dy

Phân viện Trường tiểu học 78 được Đoàn 78 (Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) đầu tư xây dựng xuất phát từ chính nhu cầu học tập, sinh hoạt và lưu trú của con em công nhân các đội thu hoạch mủ cao su. Trường có gần 200 học sinh theo học ở cả 5 khối lớp, trong cả hai diện bán trú và nội trú.

Đảm nhiệm công việc dạy học ở đây là những thầy cô giáo còn rất trẻ. Yêu nghề, yêu sự học ở giữa rừng cao su này, nên mỗi ngày các thầy cô phải vượt qua mấy chục cây số đường đồi dốc, từ trung tâm xã Mo Ray để lên đây cùng các em với hành trang là con chữ, là niềm vui gieo chữ. Gắn bó với trường từ những ngày đầu, thầy Lê Tuấn Nhân cho biết: “Những học sinh trong trường có mặt bằng kiến thức khá đồng đều, nhiều bé rất lanh lợi và tiếp thu rất tốt. Đa phần các em học nội trú nên việc học tập, sinh hoạt có nhiều thuận lợi. Từ đây, thầy trò có điều kiện gần gũi, có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, uốn nắn cho các em, cả kiến thức lẫn kỹ năng sống”.

Với đặc thù lao động tập trung tại 17 đội thu hoạch mủ cao su nằm rải rác trong vòng bán kính 50 km, nhiều đội nằm ở gần vị trí giáp ranh biên giới Campuchia, nên các công nhân phải gửi con trọ học ở trường đến cả tháng trời. Ở dưới mái nhà chung này, những đứa trẻ chỉ mới 8 đến 10 tuổi đã phải rèn cho mình cách sống, sinh hoạt tự lập. Vào mùa mưa ở Tây nguyên, nếu đường sá bị sạt lở, các đội bị cô lập, thì có khi các em phải ở lại trường đến vài ba tháng.

Ở đây, có nhiều cô cả năm trời chưa được về với gia đình. Chia sẻ về công việc của mình, cô Hoài Thanh, nhân viên y tế kiêm bảo mẫu của trường, cho biết: “Chăm trẻ con không dễ, đã vậy ở đây còn tập trung đến hơn trăm cháu, từ cái ăn, cái mặc, chuyện học hành đến lúc đau ốm, thuốc men, đủ thứ khó… Nhưng chúng tôi vẫn cố hết sức vì thương các cháu còn quá nhỏ đã phải sống xa gia đình, bản thân các cháu cũng yêu thương nhau, sống rất tình cảm với nhau dưới một mái nhà”.

An Dy

>> Hào hứng tiết học chủ quyền biển đảo
>> Học chữ để xài điện thoại, ATM
>> “Mẹ ơi, con thích học chữ trên TV!”
>> Cô trò dựng lều học chữ
>> Gian nan học chữ ở càng
>> Vã mồ hôi xếp hàng "xin học chữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.