Nói về sáng chế của mình, Nhật Duy cho biết thời gian qua việc sử dụng phấn để viết bảng tuy tiện lợi, rẻ tiền nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe giáo viên và học sinh. Vì vậy, Duy và Linh luôn trăn trở tìm giải pháp để có thể lau bảng tự động, bụi phấn không bay ra xung quanh hoặc ít nhất cũng làm giảm bụi trong môi trường. “Sau khi trao đổi, chúng em quyết định làm robot lau bảng mong giúp ích cho thầy cô và các bạn”, Duy nói.
Tuy nhiên, để ý tưởng đi vào hiện thực là cả một quá trình mày mò sáng tạo của Duy và Linh, bởi không đơn giản để làm một dụng cụ bám chặt bảng rồi chạy và lau như ý tưởng đề ra.
“Một lần em thấy đứa em có chiếc xe đồ chơi điều khiển nên em nảy ra ý tưởng sử dụng một chiếc xe siêu nhẹ có thể leo lên vách tường dựng đứng hoặc trần nhà, có khả năng chống va đập, có sức hút mạnh, chạy bằng pin để có thể sạc lại sử dụng nhiều lần”, Duy kể.
Còn Linh thì chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, vấn đề đặt ra là làm thế nào kết hợp cơ chế bám tường với bộ phận lau phấn trên bảng; đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh lớp học, sạch bảng, nhanh gọn, giảm ô nhiễm không khí. Đặc biệt là thiết kế phải có tính thẩm mỹ, bền, có giá thành thấp... và điều khiển bằng điện thoại di động”.
Theo Linh, sau khi thống nhất ý tưởng và hoàn thiện bản vẽ, cả hai chia nhỏ công việc theo nhiều cấp độ. Đầu tiên là nghiên cứu tài liệu về cơ chế bám tường, điều khiển robot tự động, chuyển động của robot. Tham khảo các mô hình, ý tưởng, các loại mạch điện tử, kỹ thuật phần mềm, trao đổi với giáo viên hướng dẫn. Sau đó, các em thiết kế dưới hình thức mẫu rồi quan sát, phát hiện lỗi để khắc phục và làm robot thật.
“Giai đoạn cam go nhất là phải xử lý cho thiết bị bám được bảng bằng điều khiển tự động theo thời gian lập trình sẵn. Sau đó gắn kết việc lau bảng vào thiết bị và kiểm soát robot rồi chỉnh sửa để tăng tính năng cũng như hiệu quả sử dụng”, Duy nói.
Theo Linh và Duy, trong quá trình sáng tạo con robot độc đáo này, nhiều vật liệu 2 em phải lên mạng tìm rồi đặt mua từ Đà Nẵng, Hà Nội... Khi phát sinh các vấn đề khó khăn, các em trao đổi với giáo viên hướng dẫn hoặc lên các diễn đàn học online đặt câu hỏi nhờ các anh chị chỉ dẫn. “Riêng phần lập trình cho robot thì trình độ của chúng em có giới hạn nên có khi phải thức cả đêm để mong nó chạy được trơn tru”, Duy nói.
Vậy là sau 7 tháng mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng robot độc đáo của Duy và Linh đã trình diễn thành công. Theo đó, robot có kích thước 12 x 18 cm, gồm các phần chính: pin, mạch arduino, mạch điều khiển động cơ, module bluetooth để kết nối với điện thoại và module điều khiển độ bám của bánh xe.
Khi robot hoạt động, cánh quạt sẽ quay tạo ra luồng không khí bay từ phía dưới gầm lên phần thân của robot, phần dưới robot sẽ không còn không khí nên sẽ không có áp suất nhằm tạo nên sự chênh lệch áp suất ở phần thân và phần dưới làm cho robot có thể bám chặt vào mặt bảng. Đồng thời, bánh xe robot được làm bằng cao su để tạo độ dính giúp di chuyển dễ dàng trên mặt bảng trong quá trình hoạt động. Miếng mút lau bảng được thấm ướt, gắn vào robot, khi robot di chuyển miếng mút sẽ lau phấn trên bảng và bụi phấn bám vào miếng mút. Robot được điều khiển bằng điện thoại thông qua kết nối bluetooth. Trên điện thoại cài đặt app bluetooth RC controller để người sử dụng có thể điều khiển robot theo ý muốn.
Robot lau bảng độc đáo này vừa mang về cho Duy và Linh giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP.Cần Thơ năm 2017.
“Sắp tới chúng em sẽ cải tiến robot theo hướng lắp thêm dụng cụ thu bụi phấn, động cơ một chiều để giúp bông lau bảng có thể quay, lau sạch hơn; tăng vận tốc chạy của robot nhằm tiết kiệm thời gian lau bảng. Đặc biệt, chúng em còn có ý tưởng sẽ phát triển nó thành robot cứu hộ để dò tìm người còn kẹt trong nhà cao tầng khi xảy ra cháy...”, Duy cho biết.
Bình luận (0)