Níu kéo nghề làm chổi

19/08/2006 18:02 GMT+7

Bụi bay tứ tung, bụi làm cả người ngứa ngáy - đó là ấn tượng đầu tiên khi bước vào xóm chổi ở P.4, Q.6, TP.HCM. Tại đây, chúng tôi bắt gặp những gương mặt trẻ đang cặm cụi bán sức lao động trong cuộc mưu sinh và cố gắng duy trì một nghề truyền thống đang dần mai một…

Bụi và 200 đồng

"Cả ngày ngồi với bụi nên ở đây ai nấy đều phải mặc áo quần nhiều lớp, đeo cả khẩu trang, khi về nhà phải vội tắm rửa "xả" cho hết bụi, chứ không thì ngứa đến điên người!" - Kiều Lan, cô thợ đang ngồi tuốt những bó đót (bông cỏ) với bàn tay thoăn thoắt cho biết. Nhìn sang bên cạnh, thấy những "thợ chổi" khác cũng bị bụi bám khắp nơi - trên đầu, dưới tay chân... mà theo lời nhiều người, có khi ngứa quá phải dùng tay gãi đến trầy xước, chảy máu mới thấy "đã ngứa". "Ngày nào cũng sống chung với bụi riết thành quen, thấy "chai" luôn với cái ngứa! Cũng may bụi từ bông cỏ không độc, nếu không thì "thợ chổi" ở đây chắc đã "đoản mệnh"!", cô thợ tên Bích nửa đùa nửa thật, nghe có chút gì đó chua xót. Không xót xa sao được khi cả ngày ngồi làm cặm cụi chẳng ngơi tay từ 7h sáng đến 18h, chịu đựng ngứa ngáy, đau lưng ê ẩm nhưng bù lại tiền công kiếm được chẳng là bao.

Một chủ cơ sở "sản xuất chổi tại gia" nhẩm tính, nếu trừ tất cả chi phí thì tiền lời cho một cây chổi chỉ có 200 đồng; trong khi phải trải qua rất nhiều công đoạn: tước bông cỏ, lựa, cột lọn, bó, bẹn kẽm, chặt cho bằng, chà bông... Thế nên tiền công cho "thợ chổi" cũng khoán theo sản phẩm. "Trung bình một ngày được 30 ngàn đồng, chịu khó hơn nữa thì khoảng 40-50 ngàn, cũng đủ trang trải qua ngày", cô thợ 25 tuổi tên Kim Thuận cho biết.

Lấy chồng sớm, lại có thêm con nhỏ nên cô gái trẻ phải vất vả bước vào cuộc mưu sinh, bỏ sau lưng giấc mơ học hành để đổi đời: "Nhiều lúc


Kim Thuận đang làm công đoạn tuốt đót (bông cỏ)

cũng muốn xin học lại - học bổ túc, nhưng trước mắt phải lo cái ăn, cái mặc cho mình, rồi lo sữa cho con nên lại thôi!". Dù sao Thuận cũng còn may mắn khi gia đình ở ngay bên cạnh, chứ như cô thợ tên Trinh (quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi) thì 10 năm nay phải tha hương bằng đủ thứ nghề, giao con nhỏ ngoài quê cho cha mẹ chăm sóc. "Cũng muốn mang con vào ở cùng lắm chứ, nhưng tiền kiếm được mỗi ngày chỉ lo nổi miếng ăn, còn chuyện học thì lo không xuể. Thôi thì để con ngoài quê để nó không mù chữ, lúc nào nhớ quá thì gọi điện, viết thư thăm con", Trinh rơm rớm thổ lộ.

Với cánh thợ nam, do làm những công đoạn nặng nhọc nên tiền công cao hơn một chút, song cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu. Như hai anh em N.V. Cường và N.V.Hùng từ Quảng Ngãi vào làm hơn 10 năm nay, mỗi khi nhắc đến chuyện gia đình lại lắc đầu quầy quậy: "Lo thân mình còn chưa xong, lấy đâu ra tiền mà cưới vợ!". Người em cứ lầm lũi, không dám nghĩ đến chuyện bạn gái; còn người anh tuy đã tìm thấy người yêu nhưng chưa dám mở lời vì sợ "không lo nổi cho người ta".

Níu kéo với nghề

Cực nhọc, bụi bặm, tiền công chẳng đáng kể... - đó là lý do khiến xóm chổi ngày càng vắng bóng những người trẻ. "Nghề này được cái là không cần học cao nhưng thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Cũng chẳng trách tụi trẻ sau này có điều kiện ăn học thì phải kiếm cái nghề nào đó đỡ cực, thu nhập cao, ổn định hơn để đổi đời" - cô Kim Xuyên, người đã gắn


Một "thợ chổi" đang cột kẽm

bó với nghề chổi hơn mấy chục năm nay bộc bạch. Chưa kể hiện nay nhiều cơ sở ở đây còn phải cạnh tranh với số lượng chổi chuyển từ miền Trung vào TP.HCM với giá rẻ hơn nhiều. "Ngoài đó gần nơi cung cấp nguyên liệu nên có lợi thế, trong khi ở đây, giá đót càng lúc càng cao, không khéo tính toán là có thể lỗ như chơi!", cô Xuyên tiếp lời. Có cơ sở lâm vào tình trạng ế ẩm, chổi chất đống trong nhà vì không tiêu thụ được, đành phải bán tháo với giá rẻ để giải phóng diện tích chuẩn bị cho đợt hàng mới. Hầu hết các cơ sở thường thông qua một số công ty trung gian và phải chịu lời ít đi để tìm đầu ra. Chẳng trách xóm chổi nhộn nhịp ngày trước đang dần thu hẹp. Tuy nhiên "cái khó ló cái khôn", nhiều nhà trong xóm đã tự chở chổi đến các tỉnh, vùng xa để rút bớt khoản tiền trung gian.

"Nói gì thì nói, nghề này đã gắn bó với nhiều gia đình từ đời này sang đời khác, nếu bỏ đi thì tiếc lắm! Có thể ít người làm hơn nhưng không phải không còn ai gắn bó với nó!", một chủ cơ sở cho biết. Vì thế mới thấy trân trọng chuyện anh con trai


Hai anh em Cường và Hùng

của cô Xuyên "nối nghiệp" mẹ theo nghề chổi, từng xuất hiện trong chương trình "Vượt lên chính mình". Và càng thấy quý những người trẻ hằng ngày vẫn cặm cụi bên cây chổi, dù chưa hẳn là chủ đích nhưng chính họ đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống dần mai một. Chúng tôi cũng gặp một cô gái bưng hủ tiếu nán lại trò chuyện với những cô “thợ chổi”, thì ra cô cũng từng là một "thợ chổi", tuy đã bỏ đi nhưng lâu lâu nhớ nghề nên quay lại thăm mọi người.

Chia tay xóm chổi, điều đọng lại nhiều hơn cả là sự lạc quan của những người thợ nơi đây. Cực nhọc đấy, bấp bênh đấy nhưng lúc nào cũng thấy nụ cười trên những gương mặt đẫm mồ hôi. Cười, pha trò để quên đi mệt nhọc, quên đi nỗi lo cơm áo gạo tiền và để tận hưởng những niềm vui riêng trong công việc mình đang làm...

Vân Anh - Ngô Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.