Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam

22/11/2009 16:45 GMT+7

Ở tuổi 31, Bùi Thế Duy (ảnh), chủ nhiệm Khoa CNTT- ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) vừa được phong học hàm phó giáo sư (PGS) và trở thành PGS trẻ nhất của Việt Nam hiện nay. Trò chuyện với PV Thanh Niên, anh tâm sự:

- Thông tin tôi được công nhận chức danh PGS lập tức khiến dư luận “chú ý”, thậm chí có người bạn đang công tác ở nước ngoài còn gửi cho tôi đường link mà một diễn đàn đang “bình luận” về chức danh PGS của tôi, trong đó tôi đọc được một số ý kiến còn cho rằng “ông này chắc chắn là con ông cháu cha”. Thực tế, một số người có luồng suy nghĩ sai lầm rằng những người trẻ mà được trọng dụng chắc chắn phải có “ô dù” gì đó (cười).

* Hẳn là anh có những thành tích rất xuất sắc?

- PGS không phải là giải thưởng hoành tráng cho một việc làm cụ thể nào đó mà nó là sự ghi nhận cống hiến của cả một quá trình. Tôi thì coi việc được phong PGS như một cái “chuẩn” nhất định. Lấy mốc giảng dạy, nghiên cứu từ năm 26 tuổi và đạt “chuẩn” PGS vào năm 31 tuổi thì cũng không có gì quá đặc biệt cả. Tuy nhiên, niềm vui của tôi được nhân lên khi việc phong PGS cho một người mới 31 tuổi đã cho thấy cách nhìn nhận của đất nước cởi mở hơn trong việc phong học hàm, học vị cho những người trẻ đã được chấp nhận.

* Tại sao có thể chỉ trong 6 năm mà anh lại lấy được bằng ĐH và bảo vệ xong luận án tiến sĩ?

- Do ở nước ngoài học có cơ chế thoáng hơn, học theo tín chỉ nên sinh viên có thể kết thúc được học kỳ sớm nhất theo khả năng của mình. Chính vì vậy khi kết thúc 3 năm học ĐH tại Úc thì tôi cũng gần kết thúc chương trình cao học. Sau đó tôi nhận được học bổng toàn phần về tiến sĩ ở Hà Lan và khóa học này tôi đã bảo vệ trước 1 năm so với quy định.

 Điều đáng kính trọng là những người thầy thế hệ trước chúng tôi luôn luôn sẵn sàng “rút lui” để tạo điều kiện cho những người trẻ có năng lực phát triển.

* Chắc hẳn anh cũng đã nhận được những lời mời làm việc hấp dẫn ở nước ngoài sau khi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ, tại sao anh lại trở về Việt Nam?

- Đã từng có những câu hỏi đầy hồ nghi đặt ra với tôi xung quanh việc này: “Chắc ông này đã được xếp sẵn một vị trí nào đó nên mới hăng hái trở về đến thế?”. Sự hồ nghi rồi chuyển sang thắc mắc khi thấy tôi không làm cho công ty nước ngoài hoặc liên doanh nào mà lại “chui” vào trường ĐH, lương rất thấp. Nói thật là giải thích về việc trở về của tôi thời gian đó thật khó, không phải lý do khó nói mà là khó có ai tin khi tôi nói muốn trở về để cống hiến sức mình cho đất nước. Nhưng đó là sự thật. Tất nhiên, còn một lý do nữa rất giản dị nhưng cũng không kém “trọng lượng”, đó là về nước là trở về với gia đình, tôi muốn được sống dưới mái ấm gia đình mình hơn ở bất cứ đâu khác.

Xác định ngay từ đầu như vậy nên khi mới hay tin nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc, tôi đã khẳng định với bạn bè của tôi ở trường THPT chuyên Toán - Tin (ĐH Quốc gia Hà Nội) rằng: chắc chắn tôi sẽ trở về Việt Nam làm việc! Tất nhiên, các bạn tôi lúc đó cũng đánh cược ngược lại rằng: tôi sẽ không thực hiện được điều đó!

* Không chỉ là PGS trẻ nhất mà anh cũng trở thành một “hiện tượng” khi được đề bạt là chủ nhiệm khoa của trường ĐH khi tuổi đời còn rất trẻ?

- Đến thời điểm này ở khoa tôi đã có 20 TS được đào tạo ở nước ngoài trở về công tác. Nhưng vào thời điểm năm 2004 thì chỉ có tôi và một người nữa về trước tôi 2 năm (cũng được phong PGS đợt này); còn lại chủ yếu là những người lớn tuổi. Chúng tôi là những người trẻ đầu tiên, thế hệ về sau này có thể đông đảo hơn, nhưng thời điểm mà chúng tôi về nước khi chưa hiểu môi trường, điều kiện làm việc như thế nào được xem là những người trong số rất ít người “liều mạng”.

Tất nhiên phải nói là tôi có may mắn khi vào làm việc tại trường ĐH Công nghệ, nơi đội ngũ lãnh đạo luôn luôn cố gắng giải quyết những nhu cầu chính đáng để công việc phát triển tốt hơn. Và điều đáng kính trọng hơn nữa là những người thầy thế hệ trước chúng tôi luôn luôn sẵn sàng “rút lui” để tạo điều kiện cho những người trẻ có năng lực phát triển.

* Dường như sự thành công và thành đạt đến với anh rất suôn sẻ?

- Tất nhiên, không phải là không có khó khăn khi về nước. Thu nhập thấp là khó khăn đầu tiên, thời gian đầu điều kiện và môi trường làm việc cũng chưa phải là thuận lợi. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng không thể đợi đến khi có môi trường làm việc tốt mới làm việc được. Nếu nói bao giờ có môi trường tốt tôi mới trở về thì rất khó, bởi người ta tạo môi trường tốt ấy cho ai khi chưa nhìn thấy nhu cầu đó một cách rõ ràng, bức thiết?

Rõ ràng, nếu không có người nêu ra nhu cầu sẽ không có người giải quyết nhu cầu. Chúng tôi trở về và “chui” vào trong những khó khăn ấy, trong quá trình làm việc chúng tôi nêu lên khó khăn, đề xuất những giải pháp, những yêu cầu... với mong muốn cải thiện tình hình và khi những đòi hỏi ấy được đáp ứng thì rõ ràng môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn.

* Dư luận đang tỏ ra băn khoăn là hiện nay điều kiện học tập tốt hơn nhiều nhưng đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ thi Tin học quốc tế lại ngày càng ít giải cao so với trước đây. Theo anh tại sao lại như vậy?

- Đúng là trước đây đội tuyển Olympic Tin học quốc tế của chúng ta thường đứng thứ nhất, thứ nhì trong khu vực; hiện nay đã tụt xuống thứ 5. Tôi cho rằng do những chính sách ưu đãi đối với học sinh giỏi quốc gia, quốc tế chưa thoả đáng khiến họ thiếu động lực để nỗ lực hơn. Tuy nhiên, cũng phải thay đổi cách nhìn nhận đối với học sinh chuyên, họ được đào tạo không phải chỉ để đi thi học sinh giỏi, mục đích chính của trường chuyên là đào tạo cách tư duy.

Những năm học ở khối chuyên Toán - Tin, ĐH QG Hà Nội, Bùi Thế Duy đã được nhiều thầy cô giáo ca ngợi vì những thành tích rất đáng nể, giải nhất học sinh giỏi Tin học toàn quốc, hai lần đoạt Huy chương đồng Olympic Tin học Quốc tế. Được vào thẳng khoa Toán - Tin, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Bùi Thế Duy đã giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc; chỉ trong 6 năm Bùi Thế Duy đã lấy được bằng đại học và bảo vệ xong luận án tiến sĩ khi đó mới 26 tuổi; là 1 trong 7 người trẻ nhận giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2006 do T.Ư Đoàn trao tặng cho các thanh niên có đóng góp xuất sắc trong ngành CNTT.

Anh đã có 35 bài báo khoa học, trong đó nhiều bài tham dự các hội thảo quốc tế và được đăng trên các tạp chí quốc tế. Nhiều đề tài nghiên cứu của anh có tính ứng dụng cao, như đề tài cấp Bộ “Xây dựng các khuôn mặt nói tiếng Việt phục vụ cho tương tác người - máy” năm 2005 - 2006 mà anh chủ trì được nghiệm thu xuất sắc, hay đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị giám sát tình trạng bệnh nhân” năm 2006 của Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội.

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.