Tinh thần Lý Tiểu Long và 5 bài học khởi nghiệp quý báu

01/05/2016 09:15 GMT+7

Lý Tiểu Long không chỉ đơn thuần là bậc thầy về võ thuật. Ông còn được xem như một triết gia, doanh nhân thành công, thiên tài trong xây dựng thương hiệu cá nhân.

Inc đã chỉ ra 5 bài học quý báu mà các nhà khởi nghiệp có thể rút ra từ tinh thần Lý Tiểu Long thông qua những câu nói bất hủ của ông.
Đừng suy nghĩ thái quá
“Nếu bỏ quá nhiều thời gian để suy nghĩ về công việc nào đó, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành nó”.
Không chỉ những người khởi nghiệp, giới doanh nhân nói chung cũng thường mắc "bệnh" suy nghĩ thái quá. Vì ngại thất bại, họ luôn cố gắng tìm cách tiếp cận các vấn đề dưới góc độ, phương pháp hoàn hảo nhất có thể. Tuy nhiên, Lý Tiểu Long lại cho rằng hành động thực tế quan trọng hơn cân nhắc cảm tính. Lời khuyên này không có nghĩa rằng bạn nên vội vàng, liều mạng mà nó khuyến khích chúng ta tự thoát ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân, đồng thời biết đánh giá đúng mức giá trị, tận dụng tuyệt đối những gì sẵn có.
Lý Tiểu Long không chỉ đơn thuần là bậc thầy về võ thuật - Ảnh: Shutterstock
Kiểm soát cảm xúc
“Nóng giận sẽ sớm khiến bạn trở thành kẻ ngu ngốc”. Người khởi nghiệp thường tràn đầy đam mê và nhiệt huyết. Do vậy, họ dễ bị các yếu tố tiêu cực, xui xẻo hoặc không thuận lợi trong cuộc sống kích động, khiến bản thân trở nên mất kiểm soát về cảm xúc.
Cơn nóng giận khiến bạn hao phí thời gian, năng lượng vào những hành vi vô bổ, đồng thời thường dẫn đến quyết định sai lầm, ngốc nghếch. Do đó, chìa khóa thành công là cố gắng kiểm soát nhịp độ công việc, đồng thời hiểu rằng “khổ tận cam lai”, cuộc sống rất bất định, điều tốt, xấu luôn xen kẽ vào nhau.
Mềm mỏng nhưng vững vàng
“Gốc cây cứng cáp nhất thường dễ bị bẻ gãy, trong khi loài tre, liễu vẫn sống sót nhờ biết nương theo làn gió”.
Lý Tiểu Long tin rằng hành trình theo đuổi mục tiêu cần sự kiên quyết, nhưng quá cứng nhắc có thể gây thiệt hại cho bản thân. Bạn luôn phải mềm mỏng, linh hoạt khi đối mặt với mọi vấn đề của cuộc sống; chủ động tự thích nghi, thay đổi khi hoàn cảnh biến động.
Thái độ ngang bướng, lì lợm chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Tuyệt đối đừng từ bỏ đam mê, nhưng hãy sẵn sàng “nương theo” khi cảm thấy những cơn gió lớn chuẩn bị ập tới.
Nhà khởi nghiệp cần sự kiên quyết nhưng cũng nên mềm mỏng, chủ động thích nghi khi cần thiết - Ảnh minh họa: Shutterstock
Chứng tỏ bản thân
“Kiến thức cho bạn sức mạnh, nhưng cá tính mới là thứ khiến người khác nể trọng”. Bạn có thể là người thông minh nhất trên thế giới, nhưng cũng cần biết cách thể hiện trí tuệ qua cá tính riêng. Khi phải đối mặt với khó khăn, hãy xem đó là cơ hội để mạnh mẽ đứng lên nhận trách nhiệm, chứng tỏ bản thân.
Cần hiểu rằng chỉ khi đồng nghiệp tôn trọng bạn, họ mới có thể nỗ lực hết mình vì thành quả chung của dự án. Do đó, chúng ta cần xây dựng tính chính trực, dám nhận trách nhiệm, biết lắng nghe, tiếp thu lời khen ngợi cũng như phê bình.
Không ngừng nỗ lực
“Tôi không sợ đối thủ luyện tập 10.000 cú đá, mỗi cú đá một lần mà tôi sợ người luyện tập chỉ một cú đá mà đến 10.000 lần”.
Doanh nhân kém thành công thường là những người bỏ cuộc ngay sau khi thất bại. Họ liên tục từ bỏ lĩnh vực hiện tại và thử nghiệm ở nhiều ngành nghề khác nhau cho tới khi tìm được môi trường mà bản thân nhận xét là tương đối phù hợp. Hiểu đơn giản, đó là hiện tưởng “nhảy việc” không kiểm soát.
Quan điểm của Lý Tiểu Long cho rằng đây là suy nghĩ sai lầm và nên nhớ “trăm hay không bằng tay quen”. Thay vào đó, bạn cần bền chí, xác định cụ thể đam mê lớn nhất của bản thân ngay từ khi bắt đầu, sau đó thử nghiệm liên tục đến khi tìm được phương pháp thích hợp để thỏa mãn kế hoạch đã đặt ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.