Trào lưu 'câu like' đến mất trí: Bi kịch của những đứa trẻ không nhớ mặt cha

26/10/2016 09:20 GMT+7

'15 tuổi em bỏ học lên Sài Gòn học nghề DJ. Trước khi bố mẹ em ly hôn. Em luôn run sợ trước đòn roi của ba và không muốn về nhà sau mỗi giờ tan học', tâm sự của một cô gái nổi loạn trên Facebook.

Gõ cụm từ “câu like” vào công cụ tìm kiếm Google, chưa đầy 1 giây, bạn sẽ có hơn 23 triệu kết quả. Ngoài việc bịa chuyện để ‘câu’ lượt follow (theo dõi) trên Facebook, bạn trẻ còn nghĩ ra đủ trò khác để câu like, như “nói là làm”, "tắm tiền" hay nhận vơ những món đồ sang chảnh của người khác là của mình.

Khi bày trò câu like, người trẻ thật sự đang nghĩ gì? Họ có thực sự cảm thấy hạnh phúc khi nhận được số like như mong muốn trên mạng xã hội? Mời bạn đọc theo dõi loạt bài #CÂU LIKE trên Thanh Niên.

Theo một nghiên cứu gần đây của các chuyên gia, những đứa trẻ bị bỏ rơi thường gặp vấn đề về tâm lý và hành vi nhiều hơn người khác. Chúng đánh nhau ở trường, gây sốc trên mạng xã hội, thậm chí xem cái chết như một sự giải thoát.

Việt Nam, nhiều bạn trẻ có sở thích "câu like sống ảo" trên Facebook nói với Thanh Niên, các bạn lớn lên trong cảnh bơ vơ và thiếu tình thương của cha hoặc mẹ. Thậm chí, có người còn mất hẳn liên lạc với mẹ cha. Họ thường nghỉ học sớm, thất nghiệp và có quỹ thời gian nhàn rỗi lớn. Các bạn nảy sinh ham muốn bày trò trên mạng để nguôi ngoai sự lạc lõng trong đời thực.

Đằng sau hành động tẩm xăng tự thiêu

Chúng tôi gặp Nguyễn Tiến (tên thật là Nguyễn Thành Tiến, sinh năm 1995) tại một quán nước nhỏ trên đường Kênh Tân Hóa (quận Tân Phú, TP.HCM). Cuối tháng 9, Tiến là người phát đi thông điệp “Nói là làm! Nếu đủ 40.000 like sẽ tự thiêu rồi nhảy cầu”. Dư luận một phen hoảng hồn vì… Tiến nói và Tiến làm thật!

“Khi nảy ý định tẩm xăng tự thiêu, mình nghĩ chắc cũng dễ. Lúc dân mạng đổ xô vào Facebook bình luận: ‘Mày tẩm xăng lên người rồi đốt như vậy là chết chắc luôn’, mình có hơi hoang mang. Lúc lửa bùng lên, mình nhảy xuống nước liền nhưng vẫn bị bỏng ở tay”, mắt Tiến sáng lên khi kể lại lần chơi liều lấy tiếng.


[CLIP] Nguyễn Tiến chia sẻ lý do thích gây sốc trên mạng xã hội - Thực hiện: Lê Ái

Tiến nổi tiếng từ các trò chơi ngông trên mạng xã hội nhưng lại tỏ ra kiệm lời và rụt rè khi nói chuyện trực tiếp. Chàng trai 21 tuổi có dáng người gầy gò, gương mặt nhọn hoắt. Cậu cho chúng tôi biết hình xăm kỳ dị trên trán mang ý nghĩa đề cao ý chí và tinh thần.

Trong cuộc trò chuyện, chàng trai rít lấy rít để điếu thuốc trên môi như tưởng chừng muốn nuốt chửng luôn cả đầu thuốc đỏ rực, không kịp thả khói. Với ánh mắt nặng trĩu suy tư chìm trong những vòng khói trắng, Tiến chậm rãi kể về cuộc đời “bôn ba giang hồ”.

“Mình không nhớ mặt cha, từ lâu không còn gặp mẹ, cũng không biết hiện giờ bà đang ở đâu. Sau năm lớp 8, mình bỏ học rồi xin đủ thứ công việc để làm. Mình nóng tính nên đi làm ở đâu cũng gây lộn rồi bị đuổi. Lúc mới ra đời, mình cũng trải qua nhiều va chạm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thậm chí là tính mạng”, Tiến lạnh lùng kể.

“Mình còn một đứa em nữa, nó tên Đạt. Cuộc sống của 2 anh em khá vất vả nhưng mình không để nó động chân tay vào việc gì vì không muốn nó khổ như mình hồi trước...”, Tiến bỗng chùng giọng xuống.

Tiến không nhận được sự quan tâm của cha mẹ từ nhỏ. Cậu cùng em trai tự bươn chải kiếm sống Ảnh Lê Ái

Tháng trước, Tiến hùn vốn với vài người bạn mở một quán nước nhỏ ở đường Kênh Tân Hóa. Từ khi vào đời năm 14 tuổi, đây là công việc đầu tiên mà Tiên có được. Để thỏa sự tò mò, nhiều bạn trẻ kéo đến quán nước này để gặp “Nguyễn Tiến - nói là làm!”.

Giải thích về độ ‘hot’ trên mạng xã hội, Nguyễn Tiến thật thà: “Từ lúc sắm được điện thoại, mình đăng clip nhiều hơn, tập tành live stream và nghĩ đến chuyện làm mấy trò điên khùng cho vui. Ý tưởng ‘Nói là làm!’ tẩm xăng nhảy cầu hay lấy dao tự đâm vào người… cũng bắt đầu từ một ngày buồn chán và muốn làm cái gì đó độc độc cho dân mạng coi chơi”.

Cuộc sống thiếu tình thương của những ‘cô gái bất trị’

Cuối tháng 7, DJ Su Tây (sinh năm 1995 tại Đắk Lắk) đã nhận vô số gạch đá của dư luận khi đăng tải clip khỏa thân tắm tiền. Nhiều người dùng mạng đã gay gắt chỉ trích hành động khoe của, chiêu trò câu like của nữ DJ 9X. Thậm chí, một số người cho rằng bố mẹ nữ DJ sẽ cảm thấy xấu hổ vì hành động gây sốc của con gái.

Hành động tắm tiền gây sốc của Su Tây Ảnh chụp từ clip

Nhưng Su Tây không mảy may quan tâm đến ý kiến dư luận. Cô đã không gặp bố từ lâu và cũng ít liên lạc với mẹ. Trăn trở lớn nhất của Su Tây giữa Sài Gòn bộn bề lo toan là làm sao kiếm được tiền để tự nuôi sống bản thân. Và có lẽ vì thế, cô không bỏ qua cách nào để thu hút sự chú ý của dư luận từ ăn mặc phản cảm khoe thân, đến chui vào bồn tắm với mớ tiền. Nổi tiếng trên mạng ảo cũng đồng nghĩa với việc đắt show ngoài đời thực hơn.

Nữ DJ Việt khỏa thân tắm tiền có phạm luật?
'Pháp luật chỉ nghiêm cấm hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Song, Su Tây nói rằng cô đem tiền đi tắm sau đó phơi khô xếp lại, nghĩa là cô ấy chưa có hành vi phá hủy', luật sư phân tích.

Sau những phút giây sôi động trên Facebook, 9X trở về với nỗi cô đơn trong cuộc sống và một nỗi sợ hãi thầm kín.

“15 tuổi em bỏ học lên Sài Gòn học nghề DJ. Vài năm sau, bố mẹ em chính thức ly hôn. Từ nhỏ đến lớn, em luôn run sợ trước đòn roi của ba. Ông ấy là một người đàn ông vũ phu, nhiều lần đánh mẹ em đến ngất xỉu. Những cảnh tượng đó khiến em bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Đến trường, em lầm lì, nhưng khi tan học lại sợ bước chân về nhà. Lớn lên, em nghĩ mình sẽ không yêu và lập gia đình, vì sợ những người đàn ông như thế…”, giọng Su vừa bất cần vừa nặng trĩu.

9X nổi loạn trên mạng xã hội sống từng ám ảnh bạo lực gia đình Ảnh NVCC

9X nói thêm: “Cuộc sống gia đình không hạnh phúc nên em mới phải tự thân cố gắng, mạnh mẽ vượt qua thị phi và một mình đương đầu với những thử thách sắp tới”.

May mắn hơn Nguyễn Tiến và Su Tây, T.T..N.Tr. (sinh năm 2003, tại Khánh Hòa), thiếu nữ câu like đốt trường gây chấn động mạng vừa qua, sống trong gia đình có cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ Tr. thường xuyên phải đi làm xa nhà và không có thời gian quan tâm con cái.

Em theo bạn bè lêu lổng rồi dần dần trở thành học sinh cá biệt. Lên lớp 8, Trâm bỏ học. Nhà trường và giáo viên đã liên lạc với phụ huynh, vận động em trở lại lớp nhưng Tr. vẫn không quay trở lại trường.

Ngày 7.10, ngồi buồn buồn nên Tr. lên Facebook viết “status” câu like với nội dung: “Sẽ đốt trường THCS Phạm Ngũ Lão khi đạt được 1.000 like và 500 bình luận”. Khi đạt số like, Tr. sợ hãi và bỏ trốn nhưng bị một nhóm người mua xăng ép đốt trường. Nếu không làm, em sẽ bị đánh, cô bé cho hay.

Sau khi thực hiện lời hứa, Trâm làm bể cửa kính phòng y tế, cháy sém 2 ghế nhựa. Em bị bỏng ở cẳng chân dưới phải nhập viện cấp cứu. Nằm trong khoa điều trị bỏng Bệnh viện đa khoa Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), Tr. tâm sự: “Em rất hối hận về hành động của mình. Sau khi ra viện, em sẽ đến trường xin được đi học lại”.
"Gia đình này ai cũng có khả năng chịu được sức ép của dư luận, miễn là đừng có chạm vô da thịt, còn ai nói gì kệ họ. Nó làm gì nó làm ngoài đường, miễn nó quay về nhà là được rồi!”, T. lạnh lùng nói về quan điểm sống của đại gia đình trước hành vi "câu like" bất chấp nguy hiểm đên tính mạng của cậu trai trẻ trong nhà. Mời bạn đọc đón xem bài tiếp theo của #CÂU LIKE 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.