Đầu tháng 12.2018, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thỏa thuận tạm ngưng xung đột thương mại trong 90 ngày tưởng chừng đã giúp hạ nhiệt căng thẳng hai bên, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế toàn cầu.
Phiên bản mới của Chiến tranh Lạnh
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi có tín hiệu tích cực này, giới chức Canada công bố vừa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó chủ tịch, đồng thời là con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.
Vụ bắt giữ được cho là dựa theo yêu cầu từ Washington nhằm giáng một đòn trực diện vào Huawei và diễn biến này nhanh chóng khiến cho quan hệ Mỹ - Trung càng trở nên căng thẳng hơn.
Như giới chuyên gia quốc tế nhận định thì sau thời gian “ngừng bắn”, Mỹ - Trung sẽ dốc toàn lực “ăn thua đủ” trong cuộc xung đột thương mại giữa hai bên. Khi đó, dù một số nước có thể tận dụng cơ hội thì phần lớn kinh tế thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, bức tranh thương mại toàn cầu bị thách thức không nhỏ.
Chẳng những vậy, căng thẳng Mỹ - Trung không chỉ dừng lại ở thương mại mà còn ảnh hưởng đến vấn đề an ninh. Nhận định với Thanh Niên, ông Harry J.Kazianis (Trung tâm lợi ích Mỹ, Tổng biên tập The National Interest) cho rằng bất ổn giữa hai cường quốc này đang dần trở thành một phiên bản mới và khốc liệt hơn của Chiến tranh lạnh.
Rủi ro cho khu vực
Cuộc so kè Mỹ - Trung có thể tác động đến tình hình an ninh của nhiều khu vực, nhất là ở châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, như nhận xét của tiến sĩ Satoru Nagao (chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ), vấn đề Biển Đông cũng có thể chịu ảnh hưởng lớn từ quan hệ Mỹ - Trung. Năm qua, trong lúc thực thi tự do hàng hải trên Biển Đông, khu trục hạm USS Decatur của Mỹ đã bị tàu chiến Trung Quốc áp sát ở mức có thể gây nguy hiểm. Vì thế, giới chuyên gia lo ngại những sự cố kiểu này có thể tiếp tục xảy ra trong năm tới, nhất là khi Bắc Kinh vẫn không ngừng có những động thái gây căng thẳng trên Biển Đông.
Tương tự là hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Năm 2018, Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, đã có cuộc gặp lịch sử tại Singapore. Tuy nhiên, sau nhiều tín hiệu khả quan thì tình hình Triều Tiên vẫn chờ sự đồng thuận lớn hơn nữa của hai bên mới có thể tạo ra đột phá trên thực tế. Trong khi đó, Bắc Kinh có ảnh hưởng không nhỏ đối với Bình Nhưỡng. Vì thế, nếu quan hệ Mỹ - Trung trắc trở hơn thì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ gặp thách thức lớn hơn.
Bất đồng Mỹ - Trung còn có thể lan đến Ấn Độ Dương, khu vực nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Washington đang theo đuổi giữa lúc Bắc Kinh tiến hành sáng kiến Một vành đai một con đường. Nguy cơ này không hề xa vời khi năm qua, Trung Quốc cũng đã điều động tàu ngầm hạt nhân đến Ấn Độ Dương như một sự thách thức Ấn Độ nói riêng và tứ giác an ninh Mỹ - Ấn - Úc - Nhật nói chung.
Các “thùng thuốc súng” âm ỉ
Tuy nhiên, lo ngại bất ổn không chỉ riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn là “lò lửa” ở khu vực Ả Rập. Dù Nhà Trắng tuyên bố rút quân khỏi Syria sau khi hoàn thành “sứ mệnh” tiêu diệt lực lượng IS, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tình hình khu vực này sẽ trở nên êm ả. Bởi đơn giản, lấp vào khoảng trống của Mỹ, hàng loạt nước muốn cạnh tranh quyền lực. Danh sách không hề ngắn khi Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… đều không muốn bị đánh mất vai trò ở khu vực này, vốn chưa hề ổn định khi tiếng đạn pháo vẫn đang rền vang. Chính vì thế, căng thẳng tại đây vẫn có thể bùng nổ rồi lan rộng bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, bất ổn giữa Nga và Ukraine vào những ngày cuối năm 2018 đã nhen nhóm trở lại. Vào tháng 11.2018, ba tàu hải quân Ukraine rời Odessa để tới Biển Azov và đã bị tàu cảnh sát biển Nga nổ súng bắt gần eo biển Kerch. Vụ việc đã khiến quan hệ Nga với phương Tây căng thẳng hơn, thậm chí có lúc Nga và Ukraine gần như đã “giương cung - rút kiếm”, ẩn chứa một bất ổn có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Từ những thực tế trên, bức tranh toàn cầu vẫn còn nhiều bất trắc, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay giải quyết.
Bình luận (0)