Thế giới trước nỗi lo đại dịch tiếp theo

Khánh An
Khánh An
03/06/2024 07:00 GMT+7

Tờ The Straits Times ngày 2.6 dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ xảy ra, trong bối cảnh các nước thành viên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này.

Bế mạc phiên họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) hôm 1.6, cuộc họp thường niên quyết định các chính sách của 194 nước thành viên, WHA đồng ý gia hạn việc đạt thỏa thuận đến cuộc họp năm sau.

Nỗ lực đạt thỏa thuận toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của thế giới trước những mầm bệnh mới, sau khi Covid-19 khiến hơn 700 triệu người mắc bệnh và hơn 7 triệu người thiệt mạng. 

WHO: Đại dịch tiếp theo chỉ là chuyện sớm muộn

Quá trình đàm phán 2 năm kết thúc hôm 24.5 mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng nào, chủ yếu do sự bất đồng giữa các nước, với những nước cảm thấy bị lạc lõng trong đại dịch Covid-19. Bất đồng xoay quanh khả năng tiếp cận trong bối cảnh đại dịch, bao gồm việc tiếp cận đối với mầm bệnh được phát hiện và đối với các sản phẩm phòng chống dịch như vắc xin sản xuất dựa trên hiểu biết đó. Ngoài ra, các bên chưa thống nhất việc phân phối công bằng không chỉ với các biện pháp xét nghiệm, điều trị và tiêm phòng mà còn với các phương tiện sản xuất ra chúng.

dai dich.jpg

Ông Tedros phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Y tế thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ)

Reuters

Tuy nhiên, ông Tedros cho rằng các bên đồng ý gia hạn đàm phán là một "quyết định lịch sử", thể hiện mong muốn chung về việc bảo vệ người dân, thế giới khỏi nguy cơ các đại dịch tương lai, cũng như những tình trạng y tế khẩn cấp công cộng. "Quyết định chốt lại thỏa thuận về đại dịch trong năm tới cho thấy các quốc gia mong muốn điều đó mạnh mẽ và khẩn cấp như thế nào, bởi vì đại dịch tiếp theo là vấn đề khi nào chứ không phải là có hay không", ông phát biểu.

Bên cạnh đó, cuộc họp của WHA cũng đạt một tiến triển đáng chú ý, khi các thành viên đồng ý sửa đổi Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), bộ khung mang tính ràng buộc về mặt pháp lý trong công tác ứng phó các tình huống khẩn cấp y tế công cộng. Theo AFP, đại dịch Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong quy định đưa ra năm 1969 và cập nhật lần gần đây nhất vào năm 2005. 

Tại cuộc họp, các thành viên đồng ý về việc đưa ra một cấp độ báo động mới, cao hơn là "tình trạng khẩn cấp đại dịch". Tình trạng này cần được triển khai trước khi đại dịch phát triển toàn diện, kêu gọi các nước thành viên phối hợp hành động nhanh chóng. Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan nêu ví dụ về một căn nhà bị vây kín bởi cháy rừng. "Dù nhà tôi chưa cháy, nhưng đó là tình trạng khẩn cấp", ông ví von.

Chuyên gia Ashley Bloomfield, đồng chủ tịch đối thoại về sửa đổi IHR, nói rằng kinh nghiệm qua các đợt dịch và đại dịch, từ Ebola, Zika cho đến Covid-19 và đậu mùa khỉ cho thấy chúng ta cần cơ chế giám sát, chuẩn bị và ứng phó về y tế công cộng. Theo ông Tedros, những thay đổi của IHR sẽ tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc phát hiện, ứng phó với các đợt bùng phát và đại dịch trong tương lai bằng cách tăng cường năng lực của chính họ và sự phối hợp với các nước khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.