Subash Paul, 44 tuổi, người Ấn Độ, trở thành nạn nhân mới nhất được ghi nhận đã tử vong trong quá trình leo lên đỉnh Everest. Giám đốc Wangchu Sherpa ở Trại Trekking (Nepal) xác nhận ông Paul qua đời vì bị say độ cao.
“Không rõ đã xảy ra những chuyện gì. Chúng tôi tin rằng thời tiết đã đột ngột xấu đi ở một vài địa điểm, khiến cả đội mất phương hướng, Wangchu Sherpa nói.
Trước đó ông Paul đi cùng một nhóm gồm 4 người leo núi và 4 "sherpa". Sherpa là tên gọi những người thiểu số sống gần đó và am hiểu dãy Himalaya, phía đông của Nepal. Họ làm nghề hướng dẫn cho những người leo núi.
Trong số 4 người, ngoài ông Paul còn có 2 thành viên khác là Paresh Nath Chandra và Goutam Ghosh đã mất tích hôm 21.5. Trong khi đó thành viên còn lại là Sunita Hazra được cứu và đang điều trị, theo CNN.
tin liên quan
Leo đỉnh Everest bằng chân giả(Tin Nóng) Chinh phục đỉnh Everest, “nóc nhà” của thế giới thật sự là một thách thức khó vượt qua cho những người khỏe mạnh, nhưng một nhóm cựu binh Mỹ quyết định leo núi, thậm chí trên chân giả.
Ngày 21.5, bà Maria Stryndom, người Úc, 34 tuổi, đã chết trong lúc đang leo tới trạm 4. Trước đó một ngày, một nhà leo núi 36 tuổi người Hà Lan tên Eric Arnold cũng tử vong sau khi chinh phục đỉnh Everest và trên đường xuống núi.
Ngoài ra, Phurba Sherpa, cũng là một "sherpa", đã rơi xuống núi và tử vong trong lúc đang làm nhiệm vụ sửa một đoạn đường núi cách đỉnh khoảng 150 m.
Everest, hay đỉnh Chomolungma, là đỉnh núi có độ cao hơn 8.800 m, cao nhất thế giới. Việc chinh phục đỉnh núi này là mơ ước của nhiều người đam mê trải nghiệm sự nguy hiểm và thử thách giới hạn của bản thân.
Đã có hơn 200 nhà leo núi thiệt mạng kể từ lần Tenzing Norgay và Edmund Hillary được xác nhận là những người lần đầu tiên leo lên đỉnh Everest năm 1953, theo CNN.
Tháng 5 là thời điểm thích hợp để leo núi này vì ít gió. Tháng 4 vừa qua là lần đầu tiên Nepal mở cửa trở lại cho môn thể thao mạo hiểm này từ sau vụ động đất thảm khốc năm 2015.
Bình luận (0)